Kể lại hành trình trở thành đạo diễn phim như hiện tại, đạo diễn Chung Chí Công dùng hành trình trưởng thành của một cái cây để ví von. “Trái chín đủ sẽ rụng xuống đất; nhưng để ra trái thì hạt mầm phải được gieo xuống đất thành cây, nhờ gió, nắng, mưa, chim chóc mà cây mới lớn lên cứng cáp, ra hoa ra trái.” Hạt mầm của Chung Chí Công là một tiên liệu thơ ngây ngày nhỏ - “sau này lớn lên mình sẽ làm việc lớn!”; là những buổi đi xem tổng duyệt văn nghệ của Đoàn thanh niên tỉnh Cà Mau cùng ba, nơi mà sân khấu, âm nhạc, hình ảnh, chuyển động âm thầm in sâu vào tiềm thức anh, tưới tắm thêm mặt đất ẩm để hạt mầm của anh đâm chồi, nảy lộc. Đó là tấm vé xem bộ phim Việt “1735 Km” và một câu hỏi thật hay trong buổi giao lưu cùng đoàn phim đã đưa anh đến với chặng đường làm quảng cáo kéo dài 10 năm. Đó là lời mời đúng lúc của một người bạn thân thiết, là “Nhắm mắt thấy mùa hè" đã mở ra cánh cửa làm phim cho Chung Chí Công của hiện tại. Những sự kiện xảy ra một cách rất vô tình, nhưng vừa vặn và đúng lúc.
Đó là một chặng đường dài, nhưng tôi nghĩ có hai sự kiện chính mang tính bước ngoặt đã đưa tôi đến ngày hôm nay.
Sự kiện đầu tiên diễn ra khi tôi học năm 3 Đại học Ngoại thương TP.HCM, thời điểm “1735 Km" - một trong những bộ phim độc lập đầu tiên của điện ảnh Việt Nam - được công chiếu. Tôi được một người bạn trong Hội Sinh viên tặng vé và tham gia buổi giao lưu cùng đoàn làm phim. Tôi có giơ tay đặt câu hỏi và đến cuối buổi, tôi được tặng học bổng cho một khóa học về quảng cáo dành cho người có câu hỏi hay nhất. Đó là cánh cửa đầu tiên đưa tôi đến với công việc copywriter trong ngành quảng cáo sau này - một hành trình kéo dài 10 năm, với một số dự án có tiếng vang trong ngành và cả những giải thưởng quan trọng.
Đến một thời điểm, tôi cảm thấy hành trình này đã tương đối đủ đầy, và tôi quyết định tạm dừng một thời gian. Trong lúc tôi đang suy nghĩ về hướng đi tiếp theo của mình (lên Đà Lạt làm homestay chẳng hạn!), thì Thanh Tân - một người bạn rất thân thiết từng tham gia một vài cuộc thi làm phim ngắn với tôi - rủ tôi cùng làm phim “Nhắm mắt thấy mùa hè". Ban đầu tôi tham gia với vị trí biên kịch, nhưng sau đó tôi kiêm luôn team sản xuất, thiết kế mỹ thuật và đầu tư cho dự án phim. Có thể nói “Nhắm mắt thấy mùa hè" đã trở thành dự án phim đầu tay của gần như tất cả các thành viên dự án, và cũng là cánh cửa thứ hai dẫn tôi đến với việc làm phim.
Nói là mới thì cũng không hẳn. Về bản chất cả hai công việc của tôi đều có chung một cái gốc: Kể chuyện. Thời còn làm copywriter, tôi cũng đang giúp khách hàng kể những câu chuyện của mình qua kịch bản. Đến khi làm “Nhắm mắt thấy mùa hè", tôi nghĩ bước chuyển lớn nhất là tôi phải kể những câu chuyện dài hơn - không còn là những video quảng cáo 30 giây mà là những thước phim chiếu rạp 90 - 120 phút. Điều đó đòi hỏi tầm nhìn dài hạn hơn cho câu chuyện, cùng những quan sát thấu đáo hơn về thế giới bên ngoài - về tâm lý, con người, cuộc đời, về tất thảy những gì mình muốn đưa vào chuyện kể.
Như vậy là để nói rằng, tôi nghĩ sự chuyển dịch sau 10 năm của tôi là một bước tiến lên thay vì một bước sang ngang rẽ qua đường khác. Tôi cũng may mắn vì tìm được công việc tiếp theo giúp tôi tận dụng những kinh nghiệm mình tích góp xưa giờ, mở ra những cơ hội mới, đưa đến những thách thức mới để tôi nhanh chóng hoàn thiện mình.
Tất nhiên, tôi không dám phủ nhận mình có những bỡ ngỡ nhất định. Những kiến thức và cả cách thức tổ chức, vận hành, sản xuất của ngành phim rất khác so với những gì tôi vốn quen thuộc trong ngành quảng cáo. Từ chỗ làm việc độc lập, tôi phải làm quen với cách làm việc theo nhóm - có khi lên đến hàng trăm người - để tất cả chúng tôi cùng hiểu tầm nhìn của câu chuyện, để các bạn hiểu được điều tôi muốn và cùng tôi hoàn thành sản phẩm.
Đến bây giờ tôi vẫn đang vừa làm vừa đi tìm lời giải.
Như tôi vừa nói, khi làm phim chiếu rạp hay phim ngắn cho thương hiệu, tôi phải dành nhiều thời gian hơn để xây dựng cảm xúc cho câu chuyện, cho nhân vật. Bản thân mình vì vậy phải chăm chú quan sát cuộc sống, thấu cảm với những con người xung quanh mình. Tôi học cách cảm nhận mọi thứ ở một độ sâu sắc hơn.
Nhưng tôi nghĩ đó không phải một thách thức quá lớn lao, mà sự thực hành này vốn đã sẵn có trong máu mình rồi. Chỉ có điều xưa giờ tôi quen làm nội dung ngắn, tôi chưa có nhiều không gian để thể hiện những quan sát của mình về mọi thứ xung quanh, vả lại tôi cũng chưa mài dũa cho nó thật sắc bén. Đến khoảng năm thứ 5, thứ 6 làm nghề, tôi đã nhen nhóm ý định bán cho khách hàng những câu chuyện dài hơn thay vì những TVC vỏn vẹn 30 giây. Nhưng cũng gian nan lắm, đại đa số mọi người đều lắc đầu. “Vì sao tôi phải bỏ thêm nhiều tiền hơn làm phim dài, trong khi đó giờ tôi làm TVC 30 giây vẫn bán được hàng?” May mắn là trong giai đoạn cuối trước khi chuyển hẳn qua làm phim, tôi đã có một dự án short film cùng nhãn hàng Neptune, và sau đó, tôi cảm thấy một số dấu hiệu tích cực cho sự quay trở lại của những nội dung dài.
Còn để nói về thách thức chung thì vô cùng lắm; vì mỗi dự án lại có một cái hay, cái khó khác nhau. Chuyện quan sát cuộc sống cũng vậy; có khi mình phải dành cả một đời để hiểu người, hiểu đời. Mong rằng với mỗi dự án mới, chúng tôi sẽ luôn có những “thách thức" mới để phải… vắt óc tìm ra lời giải. Với tôi như vậy thì vui hơn là tìm ra lời giải, và không còn bài toán nào để mình tiếp tục tìm kiếm câu trả lời.
Thật ra có một điều rất… mắc cười mà tôi vẫn giữ mãi trong lòng không dám nói với ai, mãi sau này tôi mới tâm sự với một vài người thân trong gia đình: Hồi nhỏ, tôi có cảm giác sau này mình sẽ làm việc lớn.
Hồi tôi học năm nhất, một người anh từng đập vai tôi nói: “Cái cậu này nè, sau này chắc làm lãnh đạo cả trăm ngàn người". Cái mình lại nghĩ, ồ hay ta, có khi suy nghĩ hồi nhỏ của mình đúng thật (cười). Nhưng lúc đó mình đâu đã nghĩ đến cảnh đi làm đạo diễn, lãnh đạo nguyên một đoàn phim, có bữa quay mà số diễn viên quần chúng lên đến 200-300 người?
Nếu nói về một nguồn cảm hứng từ trong quá khứ đã đưa tôi đến với công việc hiện tại, có lẽ nó xuất phát từ cha tôi. Ngày xưa cha công tác tại Đoàn thanh niên tỉnh Cà Mau, nên thi thoảng tôi lại được dắt đi coi những buổi tổng duyệt văn nghệ. Bằng cách nào đó, những hoạt động văn hóa nghệ thuật ấy đã in sâu vào trong tiềm thức tôi, cho tôi cảm hứng về âm nhạc, hình ảnh, sân khấu, về biểu đạt ngôn ngữ cơ thể. Những chất liệu đó tạo thành một con đường vô hình dẫn mình tới điểm đến là hiện tại. Trái chín đủ sẽ rụng xuống đất; nhưng để ra trái thì hạt mầm phải được gieo xuống đất thành cây, nhờ gió, nắng, mưa, chim chóc mà cây mới lớn lên cứng cáp, ra hoa ra trái. Tôi nghĩ vậy đó, những sự kiện tưởng như vô tình đến một ngày bỗng kết nối thành một viễn cảnh rõ ràng trước mắt mình. Và mình tin rằng công việc mà mình muốn gắn bó là công việc mình làm mà không thấy mệt. Mỗi ngày đi ngủ, mình đều biết rằng ngày mai, ngày mốt khi thức dậy, mình vẫn muốn tiếp tục được làm nó.
Còn nha! (cười). Suy nghĩ hồi trẻ con rất mơ hồ, còn bây giờ khi đã làm được một số việc… hơi lớn rồi, tôi lại đặt mục tiêu làm được những việc lớn hơn. Tôi thật tâm tin mình có thể làm được, chỉ mong bản thân không được quên xuất phát điểm và điều gì đã cho mình cảm xúc, giúp mình làm ra những sản phẩm trước đây.
Với tôi, chất liệu chính làm nên cảm xúc trong những sản phẩm của tôi đến từ gia đình. Tôi muốn kể những câu chuyện dành cho người Việt, ở dưới những ngôi nhà Việt, và mang một tâm hồn Việt. Đó là nguồn cơn để tôi thực hiện những dự án cũ, và cũng là động lực để tôi kể tiếp những dự án sau này.
Có một câu hỏi thế này: Bạn muốn ai sẽ ngồi vào vị trí đẹp nhất trong rạp chiếu phim vào ngày bạn ra mắt bộ phim của mình? Có những người sẽ muốn đó là đám bạn thân chí cốt; có những người muốn đó là vị đạo diễn anh ta rất mực tôn kính. Còn bản thân tôi, tôi muốn gia đình mình ngồi ở những chiếc ghế đẹp nhất trong rạp phim lớn nhất vào ngày chiếu bộ phim tiếp theo của mình. Tôi muốn làm những tác phẩm cho chính gia đình tôi xem.
Tôi là con một, nên tôi rất gần gũi với mẹ. Ba thì ngược lại, có một thời gian tôi không tâm sự được với ba, phần vì ba phải đi công tác bên ngoài nhiều nên tôi không có nhiều dịp trò chuyện cùng ba trong giai đoạn trưởng thành. Tôi lên Sài Gòn từ năm 18 tuổi, tính đến nay tôi đã xa nhà 20 năm. Tết tôi vẫn về nhà, nhưng phần lớn thời gian tôi không thể tự mình chăm sóc ba mẹ, không thể ăn những bữa cơm nhà quây quần, không thể thường xuyên chở ba mẹ đi chơi vòng vòng.
Tôi nghĩ những điều đó dẫn đến việc tôi luôn vô thức nghĩ về gia đình khi bắt đầu làm một điều gì đó. Tôi không hiện diện bên ba mẹ thường xuyên, nên tôi muốn dành tặng những dự án của mình cho ba mẹ. Tôi vẫn thường cho ba mẹ đọc, xem những kịch bản, MV tôi làm trước khi chúng chính thức được công bố, như một lần “premier" đặc biệt trước khi đưa sản phẩm của mình đến với mọi người.
Một bài toán sẽ có đề bài và lời giải. Để có một bài toán hay, ta cần một người ra đề hay và một người giải đề hay.
Những dự án tốt tôi làm thường may mắn bắt đầu với một đề bài hay đến từ khách hàng. Mỗi khách hàng lại có một băn khoăn khác nhau - chẳng hạn như với Ensure Gold là câu chuyện chăm sóc sức khỏe cho ba mẹ già, Generali là câu chuyện về những người trẻ theo đuổi ước mơ, còn PNJ hướng đến thói quen tặng những món quà giá trị cho người thân quý. Tôi lấy chính cái băn khoăn đó làm tiền đề cho ý tưởng. Tôi đi tìm những điều mình chưa kể trong những mái nhà và không gian văn hóa Việt Nam, đi tìm những cảm xúc, hoài niệm mà bấy lâu nay mình vẫn giữ kín trong lòng mà chưa có dịp khai thác. Tôi kết hợp những nguyên liệu đó với hiểu biết về ngành hàng, từ đó hình thành nên ý tưởng chủ đạo cho thước phim của từng nhãn hàng.
Cảnh Ba Mẹ livestream giúp con bán dưa hấu mà bạn nói tới cũng là một phần ký ức của gia đình tôi 4 năm trước. Lúc đó tôi và team đang làm một phim ngắn vào mùa Vu Lan cũng cho nhãn hàng Ensure Gold. Ý tưởng của tôi là các bậc Cha Mẹ khắp mọi miền đất nước cùng đàn hát động viên tinh thần các con của họ đang sống và chiến đấu trong tâm dịch Covid. Vì đang giữa thời gian giãn cách nên việc tìm kiếm và thuyết phục các nhân vật tham gia phim vô cùng khó khăn. Và Ba Mẹ tôi đã đồng ý trở thành những nhân vật đầu tiên. Lúc đó Ba tôi bị lãng tai nên đã rất lâu không cầm tới đàn Guitar. Nhưng Ba vẫn nỗ lực hết sức vượt qua những vấn đề sức khỏe để tự tập đàn hát, tự quay video rồi tự tìm cách upload lên mạng. Nhờ có đoạn phim mẫu của Ba Mẹ mà tôi đã thuyết phục được các Cô Chú từ những Gia Đình khác chịu tham gia và giúp họ dễ hình dung hơn cách thức triển khai của dự án. Khi làm dự án Tết năm nay, khi viết kịch bản đoạn livestream tôi cũng không để ý cho đến ngày quay mới chợt nhớ “À, hóa ra khung cảnh trước mắt này đã luôn ở đây, trong lòng tôi, từ 4 năm trước rồi”.
Gần đây nhất có lẽ là dự án Phim ngắn Tết cho PNJ. Thách thức lớn nhất là thời gian sản xuất lẫn hậu kỳ rất ngắn, trong khi đó tôi lại muốn kể một câu chuyện bằng chất liệu Âm Nhạc - Nhạc Kịch. Dù là thể loại sở trường nhưng để làm tới nơi tới chốn rất cần thời gian chuẩn bị kỹ và nguồn lực con người đặc biệt là diễn viên phải có khả năng truyền tải được tình cảm của nhân vật thông qua nhảy múa hát ca. Quá trình thực hiện sau đó cũng gặp một vài sự cố như phải đổi diễn viên đóng vai Người Bà ngay trước giờ quay do cô diễn viên được chọn đột ngột gặp vấn đề sức khỏe. Và lịch quay cũng rút ngắn từ hai ngày xuống còn một ngày để đảm bảo nằm trong ngân sách cho phép. Một cách thần kỳ nào đó, cuối cùng cả êkip vẫn cùng nhau vượt cạn thành công. Sau này nhìn lại, tôi thấy dự án nào cũng có một thách thức riêng, rất khó để so sánh thách thức nào là lớn hơn. Nhưng nếu tôi có thể đưa ra một ý tưởng đủ lay động về cảm xúc và đủ truyền cảm hứng tới những người cộng sự, thì tất cả sẽ đồng lòng xắn tay áo cùng tôi biến ý tưởng đó thành hiện thực.
10 năm làm trong ngành quảng cáo, rất nhiều lần tôi đã chấp nhận thỏa hiệp. Nên khi mở creative film studio, tôi luôn động viên mọi người hãy cố gắng làm tới cùng với ý tưởng của mình để sau này không bao giờ phải tiếc nuối.
Bây giờ tôi có quyền được lựa chọn, chứ ngày trước thì không. Ai đưa việc gì tôi cũng làm, ai nhờ vả gì mình cũng hoan hỷ giúp đỡ. Giờ thì tôi được phép chọn những việc tôi muốn làm, những dự án tôi thấy có cảm hứng, những người tôi muốn hợp tác cùng.
Nhưng chính nhờ cái “tiền án tiền sự" không dám từ chối ai bao giờ của ngày xưa mà sau này có rất nhiều khách hàng cũ đã quay lại với tôi, cho tôi cơ hội được đồng hành cùng họ ở những dự án lớn hơn gấp trăm ngàn lần công việc trước đây tôi làm cho họ.
Tôi nghĩ đó là một hành trình mà người trẻ nào cũng đi qua hết! Có thể mình không được trả công tương xứng, nhưng cứ vô tư đi, mình yêu nó mà! Chúng ta bắt đầu bằng việc mở lòng với thế giới, thì sau này ắt những cơ duyên tốt đẹp sẽ quay lại tìm ta.
Chúng ta cần phân biệt cái tôi và cái tôi cao. Cái tôi là điều kiện cần cho những người làm công việc sáng tạo như tôi. Cái tôi là thứ định hình phong cách làm phim, phong cách kể chuyện, đặc trưng sáng tạo, và đó chính là thứ khiến người ta muốn tìm đến mình và phải làm việc cùng mình chứ không phải ai khác. Còn cái tôi cao xuất hiện khi ta chỉ chăm chăm làm theo ý mình mà không chịu mở lòng lắng nghe, đón nhận góc nhìn của đối phương.
Tôi phải thừa nhận có những khoảnh khắc cái tôi của tôi… cao thật. Có những lúc tôi đã giận dữ, đau lòng, đã tranh cãi gay gắt với khách hàng và cộng sự trong team. Nhưng tôi không để nó bộc phát liên tục suốt quá trình làm nghề. Cái tôi mà cao quá thì không ai muốn hợp tác hay làm việc chung với mình hết. Nên tôi nghĩ cái tôi thì cần thiết đó, nhưng mình phải giữ nó ở một độ cao lưng chừng vừa phải để giữ gìn cảm xúc tích cực cho bản thân lẫn những người xung quanh.
Tôi có nguyên tắc làm việc của mình, có điều rất ít khi tôi phải nói ra. Đại đa số khách hàng tìm đến tôi là coi sản phẩm của tôi đủ nhiều rồi, họ hiểu cái kiểu của tôi rồi. Còn với những khách hàng mới lần đầu hợp tác, tôi chỉ chia sẻ một nguyên tắc duy nhất: Tôi mong bản thân sẽ là người giải quyết vấn đề trong phạm vi công việc của mình. Nếu khách hàng coi xong một phân đoạn tôi dựng lên mà họ thấy… không có cảm xúc gì hết trơn, hãy cứ nói thẳng với tôi cảm nhận của bạn: “tui không thấy mắc cười, coi chỗ đó tui thấy lấn cấn quá". Đừng nói với mình là phải sửa như thế này, đổi như thế kia đi. Đây là công việc của tôi, thì tôi sẽ đứng ra giải quyết vấn đề cho họ. Bởi vì chỉ một thay đổi rất tiểu tiết thôi cũng có thể ảnh hưởng đến tất cả các khâu chuẩn bị và những chi tiết về sau rồi.
Tôi đang có dự định làm bộ phim thứ 2 - năm năm sau “Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi”. Năm năm qua, đã có những lúc tôi muốn tạm ngưng các dự án phim quảng cáo và MV để bắt tay vào làm phim; nhưng có lẽ duyên chưa đủ. Đến năm nay, tôi cảm giác mọi thứ đã chín muồi. Đây vẫn là một bộ phim nằm trong dòng chảy về âm nhạc, gia đình, về những khát vọng và ước mơ tuổi trẻ như những dự án của tôi vốn là. Tuy nhiên, câu chuyện lần này sẽ được kể trong một không gian rộng lớn hơn, với số lượng nhân vật đông đảo hơn và mức đầu tư nhiều hơn.
Thật ra câu trả lời đã nằm trong những điều tôi kể với bạn đó giờ. Sáng tạo với tôi là sự kết hợp những cái cũ sẵn có vốn dĩ rất thân quen và đơn giản theo một cách hoàn toàn mới. Sáng tạo là khi khán giả xem sản phẩm của mình và thốt lên: “Ủa, có thế này mà sao mình không nghĩ ra ta?” (cười).
Hồi chiếu phim “Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi”, lâu lâu tôi cũng mua vé tự coi hoặc lên rạp phim cảm ơn khán giả đã đi coi suất chiếu đó. Vào ngày thứ 10 sau khi công chiếu, tôi đã gặp một bạn khán giả dưới hầm rạp Galaxy Nguyễn Du, bạn nói bạn đã xem phim đến lần thứ 10. Tức là kể từ khi phim ra rạp, bạn đã xem liên tục trong 10 ngày. Tôi đã rất ngạc nhiên hỏi bạn: “Sao bạn đi coi nhiều dữ vậy?” Bạn mới kể rằng bạn đang ở trong một giai đoạn không ổn định về tâm lý. Bạn đã xem phim của tôi vào cái ngày bạn mong muốn kết thúc cuộc sống của mình; nhưng sau khi rời khỏi rạp phim, bỗng dưng bạn không còn mong muốn ấy nữa. Vậy là trong 10 ngày liên tiếp, mỗi khi rơi vào trạng thái không ổn, bạn sẽ luôn nghĩ đến việc mua vé đi coi lại bộ phim này. Và cái ngày bạn đến chào tôi dưới hầm gửi xe, bạn gần như đã không còn suy nghĩ muốn kết liễu cuộc đời. Tôi thấy biết ơn bộ phim của chính mình bởi nó đã khiến một ai đó chọn ở lại với cuộc sống này.
Lâu lâu tôi cũng đọc được comment các bạn kể chuyện đã gặp bạn trai, gặp người chồng hiện tại của mình khi vô rạp coi chung “Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi". Hóa ra khi tôi làm công việc của mình, nó cũng đang vô tình mang đến động lực sống, niềm vui, niềm hạnh phúc và những kết nối diệu kỳ cho mọi người.