Hành trình làm travel blogger của Đăng Nam đã bắt đầu như thế nào?
Mình vốn không phải người thích đi du lịch. Nếu không có chuyến đi Sapa lần đầu tiên vào năm 2019, thì hẳn mình và du lịch hẳn sẽ tiếp tục “vô duyên". Trước giờ mình vẫn đánh đồng du lịch với thăm thú, chụp ảnh check-in nhàm chán. Nhưng khi ngồi trên xe băng băng qua đèo Ô Quy Hồ, mình được tận mắt chứng kiến một khung cảnh thiên nhiên quá đỗi hùng vĩ. Trải nghiệm ấy tạo cho mình một dấu ấn mạnh mẽ về cảm xúc, thôi thúc mình phải đi du lịch nhiều hơn.
Nhưng phải đến 2 năm sau đấy mình mới bắt tay vào việc làm một kênh social về du lịch, bởi mình cần portfolio để chuyển việc đúng chuyên ngành học là Quản trị Marketing. Mình nghĩ đơn giản: Nếu may mắn, mình sẽ trở thành influencer; còn không thì mình vẫn có một chiếc portfolio chỉn chu để xin việc.
Sau đó, mình thử apply vào vị trí content creator về nội dung du lịch. Mình được… cho thôi việc sau 2 tuần nhận việc với lời nhận xét “em không đủ sáng tạo". Đó là động lực để mình kiên định với kênh Đăng Nam Travel Blog. Đây chính là tấm vé vớt cuối cùng rồi, nếu mình không đầu tư vào kênh social này thì mình chẳng còn gì để chứng minh. Thôi thì mình hãy xây kênh một cách thật chuyên nghiệp để khán giả của mình hiểu được rằng, Đăng Nam có chất riêng, Đăng Nam có khả năng thể hiện tính cách của mình, dù những gì Đăng Nam truyền tải không quá sáng tạo và độc đáo. Sự khác biệt của Đăng Nam là tính cách, là hành văn, hình ảnh, là góc nhìn phù hợp với tư duy và lối sống của chính những người follow mình.
Nói như vậy thì kênh Đăng Nam Travel Blog là một phép thử của bạn?
Đó là thời điểm mình mới nghỉ công việc đã gắn bó suốt 3 năm để đi làm đúng chuyên ngành. Mọi thứ với mình đều mới mẻ, chính mình cũng rất hoài nghi và tự ti. Đăng Nam Travel Blog, với mình, là cơ hội cuối cùng để mình kiểm chứng năng lực của bản thân.
Đến bây giờ mình vẫn đang vừa làm vừa thử. Mình không dám chắc nó sẽ trở thành một kênh như thế nào. Nhưng mình sẽ tiếp tục viết ra những trải nghiệm và câu chuyện của mình, và cố gắng giữ được giá trị quan trọng nhất, ấy là sự chân thành. Mình có sao nói vậy, và cố gắng vận dụng tối đa kiến thức nền về văn hóa, lịch sử… của bản thân để mang đến những bài viết khách quan, sâu sắc cho độc giả, chứ không dừng lại những bức ảnh check-in đăng lên cho đẹp.
Thật lòng, thời kỳ mới làm kênh, mình rất hạn chế chụp ảnh mình. Mình ngại, và muốn đặt chủ thể chính là khung cảnh ấy, là địa phương ấy. Nhưng rồi đến một thời điểm mình nhận ra nếu không chủ động lên hình thì không ai biết kênh này là kênh của mình. Đấy là mặt khác của việc làm social và truyền thông: Nhiều khi mình phải rùm beng lên một tí thì người khác mới nhớ đến mình. Mình không biết một khi đã hòa nhập với cuộc đời ấy, mình có còn là mình của bây giờ nữa hay không; nhưng mình sẽ cố gắng giữ những giá trị cốt lõi, nguyên bản.
Hôm trước, mình cũng thấy Nam đăng một chuỗi story về kiến trúc bạn quan sát được ở Huế…
Mình không dám nhận là chuyên gia, nhưng đúng là mình có hứng thú với kiến trúc và văn hóa. Lúc mới lập kênh, mình thậm chí còn có ý định làm về văn hóa Hà Nội - nơi mình sinh ra, lớn lên và dành rất nhiều tình cảm. Nhưng phản hồi của người xem lại không được như mình kỳ vọng. Mình cho rằng đây không phải ngách nội dung mà phần đông độc giả quan tâm; cộng đồng cũng cần có sẵn một nền tảng kiến thức cơ bản để hiểu những nội dung ấy một cách sâu sắc. Vậy nên mình quyết định cứ đi đi, thăm thú các tỉnh thành khác, chụp ảnh thiên nhiên, lấy đó làm hướng tiếp cận độc giả.
Khi đặt chân đến một miền đất mới, Nam muốn tìm kiếm điều gì?
Điều đó tùy vào địa điểm mình đến. Chẳng hạn, mình không đến Đà Lạt để tìm niềm vui kiểu… tưng bừng, mà muốn được thư giãn, hòa mình vào thiên nhiên. Hay khi lên các tỉnh miền núi Đông Bắc, ấy là mình muốn tìm về với núi rừng, với bản sắc của những dân tộc bản địa. Mỗi nơi chốn lại cho mình một cảm xúc khác nhau.
Nhưng phải thật lòng chia sẻ, dù đặt tên cho kênh là “Đăng Nam Travel Blog”, đến giờ mình mới thỏa mãn được chữ “blog", còn mình chắc chắn không đi du lịch nhiều như các bạn travel blogger khác. Có rất nhiều điểm đến nổi tiếng mình chưa hề đặt chân tới: Đà Lạt, Cao Bằng, Hà Giang… Đôi khi mình cũng thấy hơi yếu kém vì chưa đi đủ nhiều. Nhưng không sao cả, không phải cứ đi đủ 63 tỉnh thành, đặt chân đến 40 quốc gia trước năm 30 tuổi thì bạn mới được gọi là một travel blogger đủ sâu sắc.
Trong quá trình xây kênh, khó khăn lớn nhất của Nam là gì? Và bạn đã có cách vượt qua nó hay chưa?
Chắc chắn là có, nhưng khi theo dõi các anh chị travel blogger đi trước, thì mình thấy những khó khăn của mình cũng không phải điều gì quá to tát. Một ví dụ điển hình là áp lực tìm ra sự khác biệt trong những điểm đến quen thuộc. Nhà nhà người người đi Đà Lạt, làm thế nào để mình sản xuất ra một nội dung thật mới mẻ về Đà Lạt đây? Làm thế nào để tìm ra tuyến nội dung đủ nổi bật để kênh mình lên xu hướng? Đây thực chất là mối bận tâm lớn của mình, bởi nếu mình có khả năng tạo ra những nội dung phù hợp với tích cách của kênh mà vẫn tiếp cận được thật nhiều khán giả, thì đấy là điều tốt mà!
Mình không thấy Nam nhắc đến tài chính. Đó không phải một điều lấn cấn với bạn?
Mình thì không coi tài chính là một vấn đề khó khăn, bởi nói trắng ra thì… dù làm travel blogger hay không, chúng mình vẫn đi du lịch thôi mà! Nhìn dưới góc độ thoải mái xông xênh, tiền đi du lịch vừa là chi phí xây dựng kênh, vừa mang lại cho mình trải nghiệm. Còn tất nhiên, nhìn dưới góc độ business thì mình… lỗ. Toàn bộ chi phí cho những chuyến du lịch đều do mình tự chi trả. Kênh của mình hiện vẫn còn khiêm tốn về quy mô, nên mình cũng chưa có nhiều cơ hội hợp tác với nhãn hàng để có nguồn tiền phát triển kênh bền vững. Mình vẫn đang phải làm song song những kênh social khác để có thu nhập xoay vào “nuôi" kênh travel blog.
Đúng là khi theo dõi các bạn travel blogger, câu hỏi thường thấy nhất là: “Chắc phải có điều kiện lắm mới làm travel blogger được?” Bởi cái khó của nghề này là, nếu không tự đi, tự trải nghiệm thì… chẳng có nội dung nào để sáng tạo. Nam đã có kế hoạch để kênh của mình phát triển bền vững?
Đó cũng là điều mình hay tự hỏi. Mạng xã hội là một môi trường rất khó đoán định, và rất khó để mình khẳng định chắc nịch rằng kênh của mình có khả năng phát triển bền vững với những giá trị vốn có hay không. Mình nghĩ là… tùy duyên thôi, còn việc của mình là cố gắng hết sức vì nó. Dù gì mình cũng đã dồn công sức vào xây kênh suốt 1 năm trời, và hiện giờ mình chưa thể buông bỏ được.
Nhìn một cách tích cực, nếu mình đủ kiên trì, lượng followers sẽ tăng lên, mình sẽ có thêm cơ hội hợp tác, mình có thêm vốn xây kênh, thế là kênh của mình sẽ bền vững. Sau một thời gian, mình phải thẳng thắn nhìn vào kênh dưới góc độ sinh lời, chứ không thể bông đùa quá lâu được. Bây giờ kênh của mình mới dừng lại ở mức… có thể bù lỗ chứ chưa hề có lãi. Trước mỗi chuyến đi, mình đều phải tính toán sau cho tiết kiệm nhất về chi phí, rồi sau đó tính toán làm nội dung thế nào cho viral. Bởi dẫu sao một kênh có vài bài viral cũng có sức nặng hơn kênh có nhiều bài tốt, nhưng chỉ số chỉ ở tầm trung.
Nam cảm thấy mình hợp với kiểu du lịch nào? Những miền đất như thế nào có thể khiến Nam cảm thấy là mình, thấy tràn trề cảm hứng sáng tạo nội dung?
Như mọi người có thể thấy, Instagram của mình có tone chủ đạo là màu xanh lá, pha một chút vàng và nâu. Mình đã định hình palette màu ngay từ ban đầu. Mình thích gần gũi với thiên nhiên, nên cho mình ở homestay, khách sạn hay resort mình đều hài lòng. Mình cũng không quá khắt khe trong chuyện nhận booking, chỉ cần họ làm “đến nơi đến chốn" với concept họ chọn. Nếu mình thực sự cảm nhận được cái tâm của địa điểm lưu trú, mình sẽ hào hứng hợp tác và không tiếc lời khen ngợi.
Nam nghĩ tính cách nào của mình trở nên cực kỳ hữu ích khi đi du lịch?
Sự tò mò! Trước mỗi chuyến đi, mình đều tò mò muốn biết nơi này có gì, và khác gì với nơi mình sinh sống. Mình từng kể chuyện này trên Instagram, ấy là mình có thói quen check sơ đồ vệ tinh trên Google Maps để xem xung quanh điểm du lịch của mình có gì hay ho thú vị không. Đôi khi mình sẽ khám phá ra những địa điểm thú vị mà chưa nhiều khách du lịch cho vào check-list.
Đã bao giờ nội dung của Nam nhận về những comment tiêu cực? Bạn có tổn thương vì điều đó?
Có chứ, đương nhiên là có. Cái nghề mình đang làm được mệnh danh là “làm dâu trăm họ” mà. Thật ra đó không phải điều gì quá ghê gớm để mình phải kể ra. Ngày xưa thì mình thấy bực mình, rồi nghĩ bụng “sao lại comment thế nhỉ?”, “thiếu tư duy phản biện quá" (cười). Bây giờ thì mình nghĩ đơn giản, ở đâu cũng có người này người kia. Dĩ nhiên với những bình luận mất lòng nhưng lại mang tính góp ý, xây dựng, thì mình thật lòng muốn nói lời cảm ơn. Còn những bình luận chỉ nhằm công kích thì mình chọn không tiếp lời.
Phản hồi mà Nam không muốn nghe nhất là gì?
Có lẽ là… “bạn không sáng tạo!” Đặc biệt nếu lời nhận xét ấy đến từ đại diện một nhãn hàng, thì niềm đau càng nhân lên, bởi đó là sự nhìn nhận của ngành. Hoặc nếu rất nhiều bạn cùng nói rằng mình không sáng tạo, thì có lẽ mình phải nghiêm túc suy nghĩ lại. Như đã nói khi nãy, mình không dám nhận bản thân là người sáng tạo, mình chỉ cố gắng tạo ra những khác biệt nhỏ cho kênh Đăng Nam Travel Blog của mình mà thôi.
Một phản hồi khác có thể khiến mình thấy không thoải mái khi nghe là “kênh của Nam giống kênh của một ai đấy". Với mình, trong thời đại ai cũng có thể làm content, việc sáng tạo ra một ý tưởng nguyên bản là rất khó. Mình thẳng thắn thừa nhận rằng quá trình sáng tạo của mình là quá trình tìm đọc, tích cóp từ rất nhiều kênh travel blog khác của những người đi trước. Dĩ nhiên, trong quá trình “cóp nhặt" này, mình vẫn phải giữ được giá trị cốt lõi của kênh, và chủ động lắng nghe cộng đồng để thay đổi sao cho phù hợp.
Cho đến thời điểm hiện tại, Nam nghĩ thành công lớn nhất của mình là gì?
Mình có một lời thề trước khi làm kênh, đó là nếu có một đơn vị truyền thông mời mình phỏng vấn, mình sẽ không bao giờ nói mình làm Đăng Nam Travel Blog vì đam mê. Với mình, đó là một câu trả lời rất sáo rỗng. Mình rất thành thực khi nói rằng mình xây kênh vì mục đích tài chính.
Mình đồng ý rằng thật sự có những người làm vì đam mê, nhưng riêng mình làm gì cũng phải có lợi nhuận - không ra tiền thì cũng phải có nội dung, trải nghiệm. May mắn là đến thời điểm này, Đăng Nam Travel Blog đã gần hòa vốn; và đó cũng là cái “cớ" hợp lý để mình vừa làm việc, vừa có thêm nhiều trải nghiệm du lịch. Chẳng hạn, trong chuyến đi Huế vừa rồi, mình được chứng kiến biết bao công trình kiến trúc kỹ vĩ, được thử biết bao món ăn ngon rẻ, được ngắm hoàng hôn tuyệt mỹ, ngắm phượng, sen, bằng lăng… Sau một chuyến đi, mình lời lãi như vậy đấy!