Bài viết lần đầu được đăng tải trên trang nx notes của Nguyễn Ngọc Thiên Nhi - một người viết, đồng tác giả/dịch giả của 4 đầu sách về marketing, tâm lý trẻ em và gia đình. Thiên Nhi cũng là người điều phối các chương trình thực hành chiêm nghiệm, biểu đạt, phát triển năng lực liên văn hoá.
Quá trình sáng tạo có xu hướng giống như một đường xoắn ốc ngoằn ngoèo, hơn là một đường thẳng tắp. Nếu bạn không phải là một người nhiều ý tưởng, vẫn có ti tỉ cách rèn luyện óc sáng tạo và trí tượng. Tuy nhiên, thực chất là ngay đến những người được xem là sáng tạo nhất hành tinh cũng có lúc bế tắc.
Miyazaki Hayao — một trong những họa sĩ truyện tranh và đồng sáng lập xưởng phim hoạt hình Studio Ghibli, từng chia sẻ một ngày làm việc đầy trắc trở của ông. Rất nhiều lần ông muốn bỏ cuộc, nhưng rồi lại quay lại bàn vẽ. Xem loạt ảnh phóng sự đấy xong, tôi nhận ra: “Ồ, thì ra đến ông ấy cũng vò đầu bứt tóc trong lúc sáng tạo, cũng chán ghét bản thân, cũng tự vò nát những ý tưởng khó khăn lắm mới nghĩ ra.”
Tôi cũng từng thế, không chỉ trong viết lách, mà còn mở rộng ra bối cảnh giảng dạy — điều phối, làm kinh doanh — truyền thông — tiếp thị. Khi “tắc não”, có thể bạn sẽ trải qua những giây phút hoài nghi năng lực của mình.
Vậy nên, thay vì chia sẻ 100 cách giúp bạn sáng tạo hơn, tôi muốn đào sâu vào quá trình hình thành và thực thi ý tưởng. Hiểu về quá trình này giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về việc mình đang ở đâu, nơi chúng ta cần phải đi và cách để đạt được điều đó.
Bài viết này giới thiệu đến bạn 06 giai đoạn trong quá trình sáng tạo, được lược dịch từ quyển sách The Copy Workshop — Workbook (Bruce Bendinger, 2002), kết hợp với một số nguồn sách vở, nghiên cứu, và quan sát của bản thân tôi. Mời bạn cùng đọc và thảo luận!
Càng nghiên cứu, càng có nhiều dữ liệu, chất liệu nạp vào, bạn càng có khả năng tạo ra kết nối từ những điều tưởng chừng không liên quan. Ở giai đoạn này, não trái sử dụng ngân hàng ký ức để đúc rút kiến thức và kinh nghiệm trong quá khứ, sau đó, tạo ra những ý tưởng sơ khởi.
Hoạt động gợi ý: Nghiên cứu trên Google, lướt Facebook group, lắng nghe thảo luận của đối tượng mục tiêu, viết nhật ký, viết tự do, vẽ mindmap.
Câu hỏi gợi mở cho giai đoạn này:
Đây có thể được xem là giai đoạn bức bối và thất vọng. Không phải lúc nào bạn cũng có đáp án rõ ràng cho mọi câu hỏi (và điều đó không hẳn là tệ đâu!). Sau nhiều nỗ lực tìm tòi và suy nghĩ, có thể bạn vẫn không tìm được giải pháp. Khi đó, não trái không biết phải làm gì với đống thông tin sẵn có. Đó là lúc chúng ta cảm thấy khó chịu, vỡ mộng, mất tập trung, thấy mình chả nghĩ ra được cái gì hay ho cả.
Hoạt động gợi ý: Thư giãn đầu óc như nghe nhạc, đi dạo, gội đầu, và đi... vệ sinh. Bạn cũng có thể tìm đọc những người thực hành sáng tạo bạn yêu thích, và học hỏi cách họ vượt qua giai đoạn này. Lưu ý là không phải ai là chuyên gia hoặc nổi tiếng thì phương pháp của họ cũng hợp với bạn. Hãy trải nghiệm và chọn lọc để tránh bế tắc thêm.
Câu hỏi gợi mở cho giai đoạn này:
Bây giờ, não phải bắt đầu đào sâu vào làm việc với thông tin bạn có, chuẩn bị biến chúng thành những màn kết hợp mới mẻ. Để làm được điều này, tâm trí của bạn cần được nghỉ ngơi. Các ý tưởng cần có thời gian để ngấm vào não bạn, và có không gian để tự va vào nhau.
Hoạt động gợi ý: Tạm gác vấn đề sang một bên, thử làm một điều gì đó khác, như: trò chuyện với bạn bè, đi chợ, ăn kem.
Câu hỏi gợi mở cho giai đoạn này:
Ở bước này, có thể bạn sẽ bắt gặp khoảnh khắc Aha! (Aha! moment). Công tắc của bóng đèn ý tưởng đã được bật lên! Giải pháp xuất hiện! Bạn biết mình cần làm gì! Những điều trước đấy không liên quan đến nhau, bỗng có sự kết nối và hình thành nên ý tưởng mới. Rất nhiều ý tưởng mới.
Hoạt động gợi ý: Viết xuống tất cả những ý tưởng mới và một vài dòng ghi chú để mô tả chúng. Bạn có thể rèn luyện một số kỹ thuật để ghi lại, kết nối và phát triển ý tưởng, ví dụ như viết chiêm nghiệm (reflective writing). Kể cả ý tưởng không lọt vào danh sách “hữu ích” ngay lúc này, nhưng biết đâu lại phù hợp vào lúc khác. Hãu lưu trữ chúng vào “thư viện ý tưởng” của riêng bạn!
Câu hỏi gợi mở cho giai đoạn này:
Đây là một giai đoạn khó nhằn khác: quyết định xem ý tưởng của bạn có phải là một ý tưởng tốt không. Bạn cần vận dụng tinh thần phản biện, phê phán của não trái để xem xét ý tưởng của mình: xác định tính khả thi, lọc ra ý tưởng tốt, loại bỏ ý tưởng không phù hợp với mục tiêu ban đầu, và cân nhắc các lựa chọn thay thế.
Hoạt động gợi ý: (1) Nghiên cứu thị trường hoặc nghe ngóng từ đối tượng mục tiêu để có cái nhìn thực tế. (2) Lắng nghe và tập phát hiện những ý tưởng tốt từ người khác, cụ thể là mentor, những chuyên gia có chuyên môn liên quan đến điều bạn đang ấp ủ.
Câu hỏi gợi mở cho giai đoạn này:
Bạn đã có mọi thứ trong tay: một ý tưởng tốt, được thẩm định bằng những cái đầu lý trí và phù hợp với mục tiêu dự án. Đây là giai đoạn triển khai, cụ thể và chi tiết mọi thứ. Kế hoạch và ý tưởng tốt mà thực thi “í ẹ” thì rất đáng tiếc, đừng lơ là ở bước này!
Hoạt động gợi ý: lập kế hoạch chi tiết, phân bổ nguồn lực, thực hiện từng bước một cách cẩn thận. Hãy trau chuốt chi tiết, thu thập phản hồi từ người dùng, liên tục cải tiến sản phẩm.
Câu hỏi gợi mở cho giai đoạn này:
Nguồn hình ảnh: Pinterest — June Letters
Về cơ bản, quá trình sáng tạo xuất phát từ việc khám phá ra điều gì đó mới mẻ bên trong chính mình, chia sẻ phát hiện đó đến thế giới bên ngoài và quan sát người khác trải nghiệm chúng. Quá trình này hàm chứa rất nhiều sự đối lập: giữa thế giới bên trong và bên ngoài; giữa việc mộng mơ và thực tế; giữa sự điên rồ và có phương pháp. (Gregoire, 2019)
Chính vì vậy, 06 giai đoạn nêu trên không phải lúc nào cũng diễn ra một cách có trật tự và tuyến tính. Trong lúc thư giãn ở giai đoạn 2, não bạn bỗng loé sáng và bật ra một ý tưởng hay ho bất ngờ, và bạn ngay lập tức có thể nhảy sang bước 4.
Trong trường hợp mắc kẹt quá lâu trong bước 2 và 3, nghĩ mãi không chạm được tới giai đoạn 4, thì có thể là do giai đoạn chuẩn bị chưa vững vàng. Bạn cần quay lại để ngâm cứu và nạp thêm nhiên liệu, thay nhớt, đổ xăng cho chiếc xe ý tưởng này chạy êm hơn.
Dù là sáng tạo một cách có ý đồ, có chiến lược, có khuôn khổ, có những ràng buộc, nhưng mình vẫn cảm thấy vui, cảm thấy được "sống" nhờ liên tục đẻ ý tưởng mới. Chúc bạn tận hưởng hành trình sáng tạo của riêng mình!
Kết nối với Thiên Nhi tại đây.