Nghệ thuật đã truyền cảm hứng cho cô như thế nào?
Tôi không nghĩ về nghệ thuật như một thứ riêng biệt, độc lập. Nghệ thuật, với tôi, là một phần của sự theo đuổi cuộc sống đầy sáng tạo. Nghệ thuật có thể được xem như một hệ thống giao tiếp phức tạp. Nghệ thuật cho phép con người kể chuyện từ những tạo vật - những bức họa, điêu khắc, sắp đặt và trải nghiệm. Nghệ thuật bắt nguồn từ cộng đồng: Chúng ta tạo ra mọi thứ và tập hợp quanh đó để kể những câu chuyện. Chúng ta cũng ấp ủ một niềm đam mê nguyên thủy: Được sáng tạo, được ghi lại dấu ấn cá nhân trên cuộc đời này, bằng mọi hình thức, phương tiện có thể. Với một số người, niềm đam mê ấy dữ dội và cuộn trào hơn. Với tôi, sáng tạo chưa bao giờ là một sự lựa chọn; tôi luôn biết rằng sứ mệnh của tôi là phải tạo ra một điều gì đó.
Work Room Four được vận hành như thế nào?
Một trong những điều phức tạp nhất của việc vận hành một không gian nghệ thuật thuần túy là câu chuyện về tính thương mại. Rất khó để dựng nên một triển lãm có khả năng sinh lời tại một nơi mà nghệ thuật đương đại vẫn còn đang phát triển. Đây là thực tế; dù là một thực tế rất đáng buồn. Nếu muốn tạo nên một không gian nghệ thuật, bạn phải đảm bảo nơi ấy có thể kiếm ra tiền để có thể duy trì lâu dài. Bản thân tôi cũng tự mình kiểm nghiệm điều đó trên hành trình làm nghề của mình. Nếu bạn không phải một người cực kỳ giàu có, theo đuổi nghệ thuật là sự lựa chọn rất đỗi khó khăn. Tôi không sinh ra trong một gia đình “trâm anh thế phiệt", nên rõ ràng tôi phải làm việc để kiếm tiền (cười).
Tuy nhiên, tôi không muốn gò bó mình trong một cuộc sống văn phòng bình thường. Tôi biết rằng mình muốn đến nơi làm việc và tạo ra một thứ gì đó mới mỗi ngày. Sự sáng tạo là yếu tố không thể thiếu khi vận hành một phòng triển lãm. Nó hiện diện trong quá trình chúng tôi tạo nên những sản phẩm nghệ thuật cho cửa hàng nhỏ của Work Room Four. Chúng tôi sở hữu một agency thiết kế để phụ trách những công việc thiết kế thương mại - và đó cũng là nguồn thu lớn nhất để chúng tôi vận hành. Bên cạnh đó, Work Room Four vẫn định kỳ tổ chức các buổi workshop để chia sẻ kiến thức và hiểu biết nghệ thuật tới cộng đồng. Tất cả những hoạt động này đều bổ trợ cho nhau, và tôi khó có thể tưởng tượng việc vận hành một mảng bất kỳ nếu thiếu đi những mảng còn lại. Ngay cả khi bạn là một họa sĩ truyền thống và chỉ tập trung vào một phương tiện duy nhất: vẽ tranh, thì bạn vẫn được đại diện bởi một phòng tranh nào đó - đơn vị sẽ giúp bạn thực hiện tất cả những công việc về quảng cáo, truyền thông. Bạn vẫn sẽ tham gia, không ít thì nhiều, vào quá trình đóng khung, trưng bày các tác phẩm của mình tại phòng tranh, triển lãm. Với tôi, đó cũng là điều mà các họa sĩ nên làm.
Work Room Four hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ Việt Nam trưng bày tác phẩm của mình dưới những hình thức nào?
Ngoài bộ sưu tập tranh được trưng bày cố định, Work Room Four cũng tổ chức những buổi triển lãm riêng nhằm thu hút cộng đồng ghé thăm. Chúng tôi sẽ đưa ra chủ để cụ thể và mời các nghệ sĩ đóng góp tác phẩm của mình.
Về phương diện hỗ trợ nghệ sĩ, Work Room Four vận hành như một không gian nghệ thuật tự gây quỹ độc lập. Chúng tôi cung cấp không gian phòng tranh, tổ chức và điều phối buổi triển lãm, và cố gắng hết sức để giới thiệu tác phẩm của nghệ sĩ tới thị trường tiềm năng. Đồng thời, Work Room Four cũng trực tiếp đảm nhiệm toàn bộ các khâu truyền thông và tổ chức, từ việc trưng bày, thiết kế, quảng cáo, dựng banner, thậm chí là trợ giúp giám tuyển.
Tôi cho rằng khả năng đánh giá nghệ thuật của khán giả Việt đang ngày càng phát triển. Họ đang tích cực tìm hiểu về cách thức thưởng thức nghệ thuật, và chủ động tìm kiếm thông tin về các buổi triển lãm. Vậy thì, câu hỏi đặt ra ở đây là: Chúng tôi có thể cung cấp thêm những thông tin nào cho họ? Chúng tôi có thể sắp đặt tốt hơn ở những đâu? Làm thế nào để tương tác với người xem và biến việc xem tranh trở thành một trải nghiệm thú vị, đáng nhớ? Và đặc biệt, làm sao để họ còn muốn quay lại nơi này và càng hứng thú thưởng thức nghệ thuật? Chúng tôi muốn khán giả được tận hưởng những trải nghiệm xem tranh thật tốt đẹp, và tiếp tục muốn ghé thăm thêm nhiều phòng tranh khác.
Có lẽ đó là một thử thách lớn với các phòng tranh: Làm thế nào để thu hút thật nhiều khách hàng tiềm năng đến thưởng tranh, và về nhà với một bức tranh mới trên tường…
Ồ, đó thực sự là một điều rất rất khó! Không người mua nào giống người mua nào. Nếu từng đi shopping với bạn bè, bạn sẽ nhận ra có ba kiểu người như sau: Kiểu người sẽ thử tất cả nhưng không mua gì ngay mà sẽ quay lại mua… sau 2 tuần; kiểu người sẽ mua tới tấp không cần suy nghĩ; và kiểu người sẽ chỉ đi tới cửa hàng ngó nghiêng và gần như chẳng mua món nào. Ba nhóm hành vi ấy cũng là điển hình của nhóm người mua tranh.
Chúng tôi cũng tiếp cận khách hàng theo hai nhóm cụ thể. Chúng tôi có những khách hàng nước ngoài thường có mặt tại Việt Nam vào những thời điểm cụ thể trong năm để làm việc với các tổ chức và đại sứ quán. Chúng tôi cũng có một thị trường nội địa, với những khách hàng hiểu biết rất sâu về các các nghệ sĩ bản địa, các xu hướng về nghệ thuật, hội họa, thưởng tranh, cũng như sự phát triển của nghệ thuật đương đại ở Việt Nam.
Khi bán tranh cho những nhóm đối tượng nói trên, chúng tôi phải cân nhắc rất nhiều yếu tố: Họ sẽ treo tranh ở đâu? Họ đang sống một mình hay sống cùng ai khác? Gia đình họ có yêu thích phong cách này không? Tôi hiểu rằng phần đa khách hàng đều mong muốn rằng những người thân yêu trong gia đình đều cảm thấy hài lòng với những bức tranh họ chọn để treo trong nhà; bởi lẽ một tác phẩm nghệ thuật có khả năng thay đổi xúc cảm của không gian sống. Có những khách hàng sẽ bị lay động bởi câu chuyện đằng sau tác phẩm, và cũng có những khách hàng chỉ đơn thuần muốn lựa chọn một bức tranh khiến họ cảm thấy thoải mái, thư giãn mỗi khi ngắm nhìn.
Tôi nghĩ, có lẽ lần đầu mua tranh là một trải nghiệm vô cùng hào hứng và đáng nhớ với các vị khách; nhất là khi họ mua tại những phòng tranh như Work Room Four hoặc Manzi. Họ biết mình đang trực tiếp ủng hộ cho những người làm nghệ thuật chân chính. Mua tranh là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với mua xe, mua nhà; đó là một hành trình đong đầy cảm xúc. Với những phòng tranh như chúng tôi, càng rõ ràng về chân dung khách hàng, chúng tôi càng dễ dàng thấu hiểu họ.
Ngoài ra, ngân sách cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình khách hàng đưa ra quyết định mua tranh. Thông thường, người mua tranh hẳn phải có một khoản để dành đủ dư dả để chi trả cho một món đồ, mà theo quan niệm truyền thống, không có giá trị sử dụng. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn cho rằng nghệ thuật cũng có chức năng và vai trò cụ thể. Bên cạnh niềm vui, nghệ thuật có khả năng thay đổi thế giới quan và biến ngôi nhà của bạn trở thành một không gian đáng sống hơn. Tôi đã chứng kiến nhiều người mua trẻ tuổi với ngân sách không quá dư dả bắt đầu hành trình sưu tầm nghệ thuật bằng những tác phẩm nhỏ - một khởi đầu rất đáng mừng.
Cô vừa nhắc đến một ý rất hay: Vai trò của nghệ thuật trong cuộc sống hàng ngày. Cô có thể chia sẻ kỹ hơn về điều này được không?
Theo tôi, nghệ thuật là yếu tố cần thiết trong một xã hội đa diện, một nền văn hóa phát triển và cân bằng. Nghệ thuật, về cơ bản, là cách con người bộc bạch những cảm xúc, suy tư, quan điểm cá nhân phức tạp và chia sẻ chúng với những người khác, mong tìm được sự đồng cảm. Nếu không có khán giả, thì không có nghệ thuật.
Nhiều người nhìn nhận hội họa là một lĩnh vực tương đối cực đoan. Chúng ta nên giữ lại sự cực đoan ấy để đảm bảo một cộng đồng thưởng thức chất lượng, hay nên đưa hội họa trở thành điều mà bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận được?
Tôi không nghĩ chúng ta nên xem hội họa là một thứ gì đó độc quyền, chỉ dành riêng cho một nhóm người. Ngược lại, hội họa xứng đáng được nói về, được hiểu, và được tiếp cận bởi tất cả mọi người. Dĩ nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc hội họa không thể thể hiện những suy tưởng phức tạp.
Rất nhiều người không muốn mình trông thật… ngốc nghếch khi đứng trước một tác phẩm hội họa. Họ không muốn bước vào một không gian triển lãm mà lóng ngóng không biết bắt đầu từ đâu, phải xem những gì. Họ sợ nhất là được hỏi: “Bức tranh này có nghĩa là gì?” Lần tới ghé thăm một phòng tranh hay quan sát một bức tranh mà bạn không hiểu, thay vì sợ hãi hay áp lực, bạn hãy thư giãn và tự đối thoại với bản thân. Hãy từ tốn quan sát những chi tiết ở trước mắt, từ trên xuống dưới, và quan sát cả dòng cảm xúc của bạn khi ngắm nhìn tác phẩm. Nó khiến bạn thấy hạnh phúc, hay hào hứng, hay buồn bã, hay bối rối? Và vì sao - là do hình khối, màu sắc, hay kích thước? Hãy bắt đầu bằng những câu hỏi như thế. Ngắm tranh, với tôi, là một cách để bạn hình thành nên những quan điểm riêng của mình. Khi nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật, đôi khi, họ không muốn tất cả người xem cùng hiểu một nghĩa giống họ, mà là để mỗi khán giả tự có những suy tưởng mang tính cá nhân.
Vậy có nghĩa là, chúng ta không cần hiểu hội họa để yêu thích và trân trọng hội họa?
Ồ không. Tôi nghĩ có rất nhiều điều thuộc về hội họa sẽ trở nên hữu ích nếu bạn có cơ hội tìm hiểu - nhưng đó không phải điều kiện bắt buộc để thưởng tranh. Bạn hoàn toàn có thể thưởng thức hội họa khi chưa có nền tảng kiến thức. Hoặc có thể một tác phẩm sẽ khiến bạn đủ sự tò mò để bắt đầu tìm hiểu sâu hơn: Nghệ sĩ làm nên tác phẩm này là ai? Đâu là những nghệ sĩ thuộc trường phái tương tự?... Hành trình học về hội họa sẽ bắt đầu một cách tự nhiên như thế.
Mỗi tác phẩm là sự phản chiếu thế giới quan và suy nghĩ nội tâm của người tạo ra nó. Vậy nên nhiều họa sĩ coi tranh vẽ là nơi để thể hiện quan điểm và gửi gắm những thông điệp sâu sắc tới cộng đồng. Đó có nên là điểm xuất phát của các tác phẩm hội họa?
Điều đó phụ thuộc vào giai đoạn phát triển và của từng họa sĩ và cá tính cố hữu của họ. Có người tìm cảm hứng từ thế giới nội tâm của mình. Có người sáng tác từ những suy tưởng trừu tượng. Có người lại chú tâm quan sát thế giới bên ngoài, tìm linh cảm từ những gì đang diễn ra xung quanh họ.
Điều quan trọng nhất khi làm nghệ thuật, với tôi, đó là nghệ thuật thực thụ phải có khả năng lay động khán giả. Khi đứng trước tác phẩm, sẽ thật tuyệt nếu người xem cảm nhận được một điều gì đó, dù họ có thích tác phẩm ấy hay không.
Chẳng hạn, bạn có thể thấy ở Work Room Four chúng tôi trưng bày khá nhiều bức vẽ hoa. Chúng không có một thông điệp hay ẩn ý lớn lao; nhưng điều đặc biệt là: chúng được vẽ ra bởi một nghệ sĩ chuyển giới trẻ có hoàn cảnh gia đình tương đối phức tạp. Bạn đã một mình lên Hà Giang - quê của bà mình - để luyện tập bằng cách vẽ lại tất cả những loài hoa trong khu vườn của bà mình. Bạn ấy hiện diện ở đó, tại một vùng núi không mấy trù phú của Việt Nam, với một người bà thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số. Bạn đang đi tìm con đường cho mình trên thế giới rộng lớn này. Đó là một câu chuyện thú vị. Những bức tranh bạn vẽ vừa đơn thuần là vẽ hoa, vừa lớn lao hơn một bức vẽ hoa đơn thuần.
Cô đánh giá như thế nào về thị trường nghệ thuật và thế hệ họa sĩ trẻ của Việt Nam?
Ồ, tôi nghĩ nghệ thuật Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển. Mọi người vẫn đang tìm hiểu về nghệ thuật, về cách bày trí tranh ảnh trong không gian sống của mình. Thiết kế nội thất đương đại mới chỉ phát triển trong khoảng 10 năm qua. Trước đây, những món nội thất mà người Việt Nam đặt trong nhà hầu hết đều mang phong cách, hoa văn truyền thống. Những tác phẩm hội họa đương đại gần như lạc lõng trong tổng thể ngôi nhà của người Việt. Tôi hiểu rằng ở thời đó, nghệ thuật đương đại không phải ưu tiên của mọi người, cho đến khi thế hệ trẻ lớn lên, tự chủ về kinh tế và đã sở hữu không gian sống của riêng mình. Thế hệ người lớn cũng trở nên đương đại hơn, táo bạo hơn trong phong cách thẩm mỹ. Họ cởi mở hơn trong việc đưa nghệ thuật đương đại vào ngôi nhà của mình.
Tôi nghĩ đó là điều cần thiết nếu chúng ta muốn chứng kiến thêm nhiều họa sĩ Việt được đại diện tại các thị trường và triển lãm quốc tế. Nhiều nghệ sĩ Việt đã vươn lên vị trí nổi bật, trở thành một phần của câu chuyện văn hóa toàn cầu, và kiếm được tiền từ việc bán tranh.
Tôi cũng hy vọng được thấy nhiều hơn những không gian công cộng và ít hơn những phòng tranh nghệ thuật vận hành theo mô hình lợi nhuận. Tại Anh, bạn không cần mất phí để vào tham quan các phòng tranh và bảo tàng lớn. Nghệ thuật, vì thế, trở thành một thứ mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận; và điều này đã thực sự cải thiện số lượng khách ghé thăm các không gian nghệ thuật tại Anh. Công chúng có cái nhìn tôn trọng hơn với các tác phẩm nghệ thuật, hiểu về những hành vi ứng xử phù hợp tại phòng tranh, triển lãm. Nhu cầu của tất cả mọi người đều được thỏa mãn.
Tuy nhiên, thật lòng tôi hy vọng rằng phòng tranh không chỉ là nơi mọi người đến để check in, quay phim, chụp ảnh bản thân. Điều đó không có nghĩa là tôi phản đối việc dùng điện thoại tại đây. Thi thoảng tôi vẫn dùng điện thoại để tìm đọc thêm thông tin ngay trong buổi triển lãm. Tôi cũng sẽ chụp ảnh để ghi nhớ những tác phẩm mà tôi ấn tượng. Nhưng thú thật tôi không quá thoải mái với việc mọi người “biểu diễn" trước ống kính tại không gian này để phục vụ mục đích “sống ảo" cá nhân. Chúng ta nên có những bộ nghi thức riêng cho không gian này để giữ gìn sự tĩnh lặng của nghệ thuật.
Tại các hội nhóm về tranh ảnh, nghệ thuật trên mạng xã hội, nhiều người thẳng thắn thể hiện những quy chuẩn của họ về nghệ thuật, và đặc biệt hướng về những nghệ sĩ không chuyên: Hội họa là thế này, hội họa không phải thế kia, sao lại gọi đây là hội họa?… Theo cô, những bình luận như vậy liệu có công bằng?
Tôi nghĩ, rất dễ để ai đó nói ra lời chỉ trích. Rất dễ để đưa ra một quan điểm. Rất dễ để nói rằng: “Đây là sai, kia mới là đúng". Nhưng rất khó để trở thành một nghệ sĩ.
Về bản chất, những lời phê bình rất quan trọng trên hành trình phát triển của nghệ sĩ, nhưng phê bình một cách mù quáng thì không. Hãy đảm bảo bạn đã tích lũy đầy đủ thông tin trước khi đưa ra một lời phản bác, góp ý. Trên mạng xã hội, rất nhiều thông tin bị cắt ghép ra khỏi bối cảnh ban đầu, rất nhiều thứ bị lấy đi khỏi ống kính của đời sống thực thụ. Sự phán xét bỗng chốc trở thành một điều quá dễ dàng mà bất kỳ ai cũng có thể làm.
Cá nhân tôi rất hứng thú với những người đủ khiêm tốn để học và tiến về phía trước, hơn là những người lúc nào cũng hoàn hảo. Một người nghệ sĩ không bao giờ là phiên bản hoàn hảo nhất, mà sẽ luôn phát triển năng lực của mình - và đó chính là điều thú vị nhất khi chúng ta theo dõi họ. Tôi không bao giờ muốn nhìn thấy một nghệ sĩ tiếp tục làm nghệ thuật như cách họ đã làm từ 10 năm về trước. Đó là một tư duy quá mức đáng thất vọng!
Một số họa sĩ từng chia sẻ về những khó khăn khi theo đuổi lĩnh vực này. Lý do lớn nhất đến từ câu chuyện muôn thuở: tài chính. Họ mất nhiều năm tháng học hội họa, nhưng lại không thể kiếm tiền nuôi sống bản thân bằng nghề này. Nhiều người trong số họ phải làm cùng lúc nhiều nghề để có thêm thu nhập. Một số người thậm chí đã từ bỏ. Đó là một thực tế rất đáng buồn…
Thực sự rất rất buồn. Đâu đó tôi vẫn có niềm tin rằng những nghệ sĩ ấy sẽ luôn tìm được con đường quay trở về với nghệ thuật. Tôi hy vọng chúng ta được dạy, được học nhiều hơn về giá trị của nghệ thuật, hội họa và cách tạo nên chúng. Tôi đã nghe nhiều người nói: “Bức tranh này quá đắt". Không, tôi thật tâm cho rằng hội họa không hề đắt đỏ. Chỉ đơn giản là khách hàng đó không muốn chi trả cho một thứ mà họ cảm thấy không có công năng cụ thể nào.
Có người tìm đến phòng tranh và hỏi: “Vì sao bức này lại đắt tới vậy? Tôi có được giảm giá không?” Thi thoảng tôi sẽ hỏi lại: “Vậy bạn có chấp nhận làm việc cật lực trong 2-3 tháng để tạo ra một thứ gì đó mà không biết liệu mình có nhận được tiền từ nó không, rồi dũng cảm treo nó lên tường mặc cho người khác đánh giá, chỉ trích? Và rồi điều bạn nhận lại là câu hỏi: Có được giảm giá hay không?”
Cũng có những khách hàng muốn trả một mức thấp hơn hẳn giá niêm yết chỉ bởi… bức tranh đó có kích thước nhỏ. Hãy thử tưởng tượng một ngày sếp bạn bước vào văn phòng và nói: “Tôi không hài lòng với công việc của anh trong tháng này. Khối lượng công việc quá ít.” - điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy thế nào?
Tôi rất mong mọi người có thể dừng việc hỏi xin giảm giá mỗi lần ghé một phòng tranh, nhất là tại những phòng tranh độc lập. Tôi biết rằng những phòng tranh lớn luôn có một phòng thương lượng (negotiation room), nhưng với những phòng tranh nhỏ như Work Room Four, chúng tôi rất nỗ lực làm việc với nghệ sĩ để đưa ra được một mức giá hài lòng nhất cho cả khách hàng lẫn nghệ sĩ. Nếu không thể chi trả cho một bức tranh, bạn vẫn hoàn toàn có thể ủng hộ cộng đồng hội họa bằng việc ghé thăm các buổi triển lãm, mua nước, hay thậm chí là chia sẻ cảm nghĩ của mình cho bạn bè và rủ họ cùng thưởng thức không gian nghệ thuật này với mình.
Với cá nhân cô, Work Room Four có ý nghĩa như thế nào?
Đây là nơi chúng tôi mang các nghệ sĩ đến gần nhau hơn và tạo ra một không gian sáng tạo. Tôi đã khởi tạo Work Room Four một cách gần như không tính toán. Không gian tại Zone 9 cho chúng tôi một không gian đủ rộng để tạo nên một điều gì đó. Ban đầu, tôi chỉ muốn tạo ra các buổi triển lãm, và nếu được thì vận hành một vài workshops ở giai đoạn bắt đầu. Nhưng rồi tôi nhanh chóng nhận ra mô hình này không khả thi về mặt tài chính, trừ phi bạn hoàn toàn tập trung vào việc tổ chức các lớp học. Mà điều đó lại đi ngược với mong muốn của tôi. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, cá nhân tôi cảm thấy hạnh phúc vì có cơ hội làm việc cùng các nhà sáng tạo trẻ của Việt Nam, cho họ một không gian làm việc sáng tạo.
Tôi cũng mong rằng một số dự án… lạ kỳ của chúng tôi đã mang đến niềm vui cho mọi người. Work Room Four là nơi bất kỳ ai đều có thể tới, chia sẻ quan điểm khác biệt về môi trường hội họa tại Việt Nam, và thỏa sức chiêm ngưỡng đa dạng phong cách nghệ thuật đương đại của các họa sĩ Việt, với trải nghiệm không hề thua kém những phòng tranh tại các thủ phủ lớn khác trên thế giới.
Câu hỏi cuối cùng: Điều cô yêu nhất ở không gian này là gì?
Ồ, đây là lần đầu tiên tôi nhận được câu hỏi này (cười). Thú thật với bạn, tôi chưa từng có văn phòng của riêng mình. Tôi thích sự linh hoạt của không gian này. Tôi vẫn luôn muốn sở hữu một không gian rộng lớn nơi chúng tôi có thể làm vô vàn điều thú vị cùng lúc. Nơi chúng tôi có thể tổ chức triển lãm và làm workshop tất cả các ngày trong tuần. Chúng tôi may mắn có một cộng đồng rất thú vị ở nơi đây. Chúng tôi có không gian riêng cho đội ngũ thiết kế, một nơi để làm bất cứ điều gì chúng tôi mong muốn.
Cám ơn cô Claire Driscoll vì một cuộc trò chuyện thú vị!