#Casestudy Tôi Đi Bầu Cử - Sự kiện chính trị dưới góc nhìn truyền thông

Phủ sóng từ SMS điện thoại đến các MXH Youtube, Facebook, Instagram, TikTok, Tôi Đi Bầu Cử là một chiến dịch truyền thông cho sự kiện chính trị nổi bật và đáng học hỏi của VTV Digital.
Ý Như
29/05/2021
#Casestudy Tôi Đi Bầu Cử - Sự kiện chính trị dưới góc nhìn truyền thông

Chúng ta vẫn thường bắt gặp câu chuyện người Việt xôn xao vì bầu cử Tổng thống Mỹ trên khắp các trang MXH. Vấn đề đáng chú ý là chuyện bầu cử nước nhà lại chưa được công chúng quan tâm nhiều đến thế. 

Nếu như trở lại 5 năm về trước, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, chắc chắn chúng ta sẽ không thấy được những tấm phiếu cử tri được “check-in” hàng loạt trên MXH, hay các ca khúc cổ vũ tinh thần bầu cử được lên Top Trending Youtube, TikTok. Nhưng năm 2021, cộng đồng mạng Việt Nam đã được thấy những điều chưa từng có tiền lệ này nhờ chiến dịch Tôi Đi Bầu Cử của VTV Digital. Vậy điều gì đã làm nên thành công của chiến dịch Tôi Đi Bầu Cử, hãy cùng The Influencer tìm hiểu!

1. Truyền thông nhà nước có dấu hiệu tích cực

Nguyên nhân chính giúp truyền thông nhà nước đang ngày càng được đẩy mạnh và có hiệu quả hơn không thể không kể đến Covid-19 và công cuộc chuyển đổi số mà nó đã thúc đẩy tạo ra. Không thể phủ nhận, đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của mọi người bị đảo lộn, nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, chính trong đại dịch, nhu cầu, thói quen tiêu dùng của người dân đã thay đổi đáng kể. Từ việc nhiều người vẫn giữ thói quen mua sắm offline, dùng tiền mặt, nay hầu hết mọi người đều phải chuyển sang hình thức online do các đợt cách ly xã hội, hàng quán đóng cửa...

Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông nhà nước trong suốt năm 2020 - năm Covid thứ nhất - đã đạt được những thành công đáng chú ý khiến truyền thông nhà nước có những góc nhìn mới và được chú ý hơn. Tiêu biểu nhất có thể kể đến các chiến dịch của Bộ Y tế như Ở Nhà Vẫn Vui trên nền tảng TikTok 


Hưởng ứng việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 tháng 3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, TikTok và Bộ Y Tế phối hợp cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Truyền Thông Số Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và IGV Group đã khởi động chiến dịch “Ở Nhà Vẫn Vui” (#onhavanvui) kêu gọi người dùng ở nhà để cùng chung tay phòng chống dịch bệnh. Chiến dịch kêu gọi mọi người cùng chia sẻ những hoạt động thú vị ở nhà của mình qua các hashtag #onhanoitro, #onhakhoemanh, #onhahocbai, #onhalamdep… Các video trong chiến dịch được Kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7 chọn đưa vào chương trình “Ở nhà mùa dịch”. Chiến dịch có sự góp mặt của các KOL tên tuổi như Amee (hát ca khúc chủ đề của hashtag challenge), Hồ Ngọc Hà, Quỳnh Anh Shyn… và nhanh chóng thu hút hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ lượt xem. Tính đến cuối tháng 5/2021, sau một năm ra mắt, hashtag challenge này đã vượt mốc 11 tỷ lượt xem.

Những nguyên nhân này chính là tiền đề để các hoạt động truyền thông nhà nước chuyển mình, trẻ trung hơn, dễ tiếp cận hơn và thu hút công chúng hơn. 

2. Tại sao lại là Gen Z? 

Tất nhiên, đi bầu cử là trách nhiệm và cũng là quyền lợi của người dân. Đối tượng của bầu cử là tất cả công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên. VTV triển khai không tí hoạt động cho các nhóm đối tượng khác nhau trên nhiều nền tảng từ Zalo, Facebook, Youtube cho đến TikTok, Instagram (IG). Mỗi mạng xã hội sẽ có một nhóm người dùng riêng. Đơn cử như Zalo tập trung nhóm đối tượng trung niên, còn TikTok hay Facebook thường là “đất” của thế hệ Millennials và thế hệ Z.

Tuy nhiên, đối tượng truyền thông chính của chiến dịch Tôi Đi Bầu Cử là thế hệ Z. Đây là hai khái niệm cần làm rõ trước tiên. 

Vậy, tại sao lại là thế hệ Z? 

  • Thứ nhất, thế hệ Z chưa có nhận thức đầy đủ về bầu cử. Anh Lê Quang Minh - giám đốc VTV24 từng chia sẻ: “Không phải các bạn trẻ không quan tâm tới chính trị hay những sự kiện hệ trọng của đất nước, mà mình phải truyền tải thông điệp như thế nào đến với họ, gặp gỡ họ trên nền tảng nào”. Đối tượng GenZ dù đã đủ tuổi đi bầu cử, nhưng lại có mặc định “Biết gì đâu mà bầu?”. Chính vì vậy các hoạt động truyền thông nhà nước cần nói cho thế hệ Z để họ “biết”. 
  • Thứ hai, phần nhiều thế hệ Z cũng chưa có trải nghiệm với bầu cử nên họ có hứng thú đối với việc bầu cử.
  • Thứ ba, nếu tiếp cận thế hệ Z đúng cách, đúng nội dung, họ sẽ là nhân tố tiềm năng trong việc lan tỏa chiến dịch bằng việc nhấn share, comment tag bạn bè, tham gia các thử thách và các cuộc bàn tán… 

3. Các hoạt động triển khai chiến dịch Tôi Đi Bầu Cử của VTV Digital

3.1. Call-to-action SMS từ Hội đồng bầu cử Quốc gia

Đầu tiên, VTV Digital có hoạt động tác động diện rộng để toàn dân chú ý, hưởng ứng hoạt động bầu cử 2021. Tuy nhiên, thay vì sử dụng các hình thức loa phường hay hô hào khẩu hiệu, băng rôn trên các con phố như trước kia, VTV Digital đã gửi các tin nhắn SMS kêu gọi hành động đến người dân. Rõ ràng đây là một cách làm không phải mới nhất nhưng sẽ có hiệu quả tác động đến nhận thức của người dân bởi hầu hết mọi người đều có điện thoại di động - mọi chiếc điện thoại đều có chức năng nhắn tin. Tin nhắn được cập nhật liên tục có thể khiến nhiều người phải thốt lên “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Quill Cloud

Tin nhắn từ Hội đồng bầu cử quốc gia đến người dân.

3.2. Phủ sóng Youtube với Bài Ca Bầu Cử và TikTok với Vũ Điệu Đi Bầu

“Hôm nay tôi đi bầu, vì tương lai của chúng ta

Bạn cũng vậy nhé, đi thôi 5 năm có 1 lần

Đi, ta cùng đi ta cùng đi

Ta cùng nhau đi bầu”

Trong đầu bạn có đang hiện lên giọng ca của AMEE khi đọc câu hát vừa rồi? Bài Ca Bầu Cử mang giai điệu hân hoan và lời nhạc dễ nhớ, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin và ý nghĩa của việc bầu cử cho người nghe. Mặc dù MV thuộc dạng lyric video, không ghi hình trực tiếp, nhưng màu sắc, hình ảnh được kết hợp rất nổi bật và hiện đại với tone màu đỏ - vàng - xanh phù hợp với một sự kiện trọng đại như bầu cử. Ca khúc phát trên Youtube đã ghi nhận hơn 400.000 lượt xem sau khoảng một tuần ra mắt. Con số này không phải quá lớn so với các sản phẩm nghệ thuật đại chúng, nhưng vẫn thể hiện được công chúng đã có sự quan tâm hơn đến sản phẩm truyền thông chính trị. Nếu lướt tìm các chủ đề chính trị trên Youtube bạn sẽ khó lòng thấy các video đạt được con số này chỉ trong 1 tuần. 


Giống như nhiều chiến dịch truyền thông khác hiện nay, sau khi phát hành ca khúc chủ đề trên Youtube, VTV Digital mang Bài Ca Bầu Cử lên TikTok với Vũ Điệu Đi Bầu kết hợp cùng dancer Quang Đăng - chủ nhân của điệu nhảy chống dịch Ghen Cô Vy đình đám. Hashtag challenge Vũ Điệu Đi Bầu mang màu sắc vui tương, các động tác nhảy dễ thực hiện và đặc biệt dễ thương, thể hiện sự thân thiện của một sự kiện chính trị tưởng như khô khan. Sau khoảng 1 tuần ra mắt, hashtag challenge #vudieudibau thu về 20M lượt xem, #toidibaucu thu về 29,9M lượt xem. 


Đặc biệt, hợp tác Amee, Quang Đăng là một cách thức để Tôi Đi Bầu Cử tiếp cận tốt hơn đến giới trẻ. Nguyên nhân bởi họ là những nghệ sĩ:

  • Có tệp người hâm mộ chính là giới trẻ
  • Có vị trí nhất định trong cộng đồng qua nhiều sản phẩm viral
  • Có nền tảng mạng xã hội đông đảo người theo dõi: Amee có 1.7M followers trên IG, 1,7M followers trên TikTok, 365k followers trên Facebook; Quang Đăng có 210k followers trên IG, 924k followers trên TikTok, 965k followers trên Facebook. 

3.3. Kết hợp với các fanpage Comic Strip

Ngoài các thông tin về dịch bệnh COVID-19 thì Tôi Đi Bầu Cử cũng chiếm trọn spotlight trên Facebook bằng việc hợp tác với nhiều Fanpage Comic Strip nổi tiếng như: Thỏ Bảy Màu (2.6M followers), Bà Già Kêu Ca (1M followers), Thăng Fly Comics (1,4M followers), Én (500k followers)... Đây là những trang truyện tranh hài hước, bắt trend nên được đông đảo giới trẻ biết đến, quan tâm, yêu thích. Các Fanpage Comic Strip có thể gọi là các KOL dành cho giới trẻ.

Cụ thể, VTV đã đăng tải một bài viết có hình ảnh quy tụ hàng loạt các nhân vật comic đình đám cầm trên tay phiếu bầu đi bầu cử trên fanpage Trung tâm Tin tức VTV24. Bài đăng nhắc nhở mọi người đừng quên lịch bầu cử: “Các bạn thân mến, chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày toàn dân đi bầu cử. Dù ai đi ngược về xuôi nhớ ngày bầu cử 23 tháng này nhé!”

Quill Cloud

Hình ảnh các nhân vật comic đình đám đi bầu cử (Nguồn: Trung tâm tin tức VTV24)

Bài đăng đã thu hút hàng chục nghìn lượt reacts, hàng trăm lượt chia sẻ cùng nhiều bình luận thích thú, hưởng ứng bầu cử:

- Coi sao thì coi đó nhớ đi bầu cử

- Con Thỏ với con Én đi bầu cử kìa

- VTV thâu tóm hết comic Việt Nam à?

- Bức ảnh toàn nhân vật tầm cỡ!

3.4. Tương tác với thế hệ Z trên IG

Nếu truy cập vào tài khoản IG @vtv24news, các bạn sẽ thấy sự “năng suất” trong nỗ lực tương tác của VTV đối với khán giả. Việc tận dụng linh hoạt công cụ của IG từ Đố vui kiến thức qua Story cho tới “Từ điển Bầu cử” trong từng photo post khiến công chúng không chỉ được nghe về chiến dịch mà còn được trực tiếp tương tác, cập nhật thông tin thường xuyên, chính xác. 

Tạm kết:

Truyền thông nhà nước đang có một cú chuyển mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Điều đó là dấu hiệu tích cực cho việc nâng cao tiếng nói chung của người dân trong các sự kiện hệ trọng của đất nước. Bằng việc nhanh chóng, linh hoạt sử dụng các công cụ marketing hiện đại như SMS, Facebook, IG, Youtube cho đến TikTok, các hoạt động chính trị, nhà nước hứa hẹn sẽ ngày càng tiếp cận được công chúng tốt hơn, thân thiện hơn và vẫn đảm bảo đúng thông tin, đúng mục đích. 

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa