Gần đây, một TikToker nổi tiếng bỗng bị đưa tên trong một bài “bóc phốt” với nội dung liên quan đến vay mượn content. Người đăng bài cho biết không có mục đích ném đá thẳng thừng mà đặt ra vấn đề cần lý giải liên quan đến tính chất của công việc sáng tạo của các TikToker, KOLs nói chung. Người này cho rằng có thể do dịch bệnh không thể ra ngoài mà các TikToker được dịp cho ra đời các nội dung “lười ” hơn, chỉ việc sao chép y nguyên clip của người khác mà không ghi nguồn.
Đây không phải là lần duy nhất trên TikTok xuất hiện những drama “ăn cắp chất xám” dưới mác đu trend. Nhưng liệu có quy chuẩn nào dành cho các Content Creator về vấn đề này? Thế nào là content đu trend hợp lệ và thế nào là “ăn cắp chất xám”?
1. Ranh giới giữa bắt trend và đạo nhái
“Bắt trend” là một cụm từ đã quen thuộc với giới trẻ, đặc biệt là những bạn sử dụng TikTok hằng ngày. Khi một video lên xu hướng với nội dung thu hút và dễ làm theo, rất nhanh sẽ có những video với nội dung tương tự và mang mác đu trend. Rất khó để vạch rõ ranh giới giữa đạo ý tưởng và bắt trend, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển nội dung trên mạng xã hội.
Với những hashtag challenge có sẵn trên TikTok, chúng ta hoàn toàn có thể tự nhiên sử dụng ý tưởng và phần nhạc hiệu của challenge đó để tạo những video tương tự video gốc nhằm lan tỏa thông điệp nào đó.
Còn “bắt trend” trên TikTok có thể là làm theo, bắt chước một video bất kì được lên mục xu hướng của TikTok. Bắt trend yêu cầu người tạo video biết rõ người tạo ra xu hướng đó là ai, ghi nguồn và xin phép chủ video gốc. Còn đạo nhái thì không.
Không phải lúc nào chúng ta cũng phân biệt trắng đen rõ ràng trong những trường hợp này.
Những nội dung thú vị ở trên Youtube hay đặc biệt là TikTok vẫn đang được sản xuất, “xào nấu” lại mỗi ngày, mỗi giờ. Vẫn có nhiều content creator giữ được chất riêng của mình khi mượn ý tưởng của những Youtuber, TikToker khác. Thế nhưng có rất nhiều video, đặc biệt là với những content dễ nhái lại như trên TikTok, lại là nơi nổ ra những drama “đạo nhái” với nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này.
2. Làm thế nào để không còn gắn mác “đạo nhái”
Điều đáng buồn là những người đi lấy sự sáng tạo của người khác có thể là bất kỳ ai từ TikToker, YouTuber hay KOL có tiếng. Điều này xuất phát từ suy nghĩ TikTok là nền tảng chung nên mọi người có thể thoải mái chia sẻ, làm lại nội dung. Tuy nhiên, đối với những người sáng tạo nội dung gốc, việc biện minh bằng mác "đu trend" là sự thiếu tôn trọng.
Nếu những loại video như vậy được chấp nhận và bắt đầu lan rộng, thì mạng xã hội dành cho sự sáng tạo sẽ tràn ngập những nội dung lặp lại và không còn động lực nào cho những nhà sáng tạo chân chính.
Mỗi nội dung ra đời sẽ khó để lường trước được độ viral, dù là content đó thuộc lĩnh vực nào đi chăng nữa. Theo mình, nếu quyết định chạy theo trend gì, hãy luôn cố gắng đưa vào đó những yếu tố cá nhân mới mẻ. Content thu hút là content đủ mới lạ để gây sự chú ý và cũng phải đủ thân quen để nhiều người có thể cảm thấy đồng cảm. Ví dụ với những video POV: mình thấy một vài tiktoker Việt Nam dù lấy kịch bản từ nước ngoài nhưng vẫn cố gắng Việt hóa, thay đổi một vài chi tiết để phù hợp với người Việt. Ngoài ra, POV của mỗi bạn dù có credit thì vẫn có những nét diễn xuất riêng và cố gắng làm thật tròn vai của mình.
3. Ghi nguồn dễ hơn bạn tưởng
Việc các bạn TikToker bỏ qua việc viết nguồn vì có thể không nhớ hoặc không biết ai là người đầu tiên tạo ra trend. Nhưng đã là một người có sức ảnh hưởng, việc đi tìm nguồn cho nội dung gốc hoặc ghi tên chính xác người tạo ra trend là một trách nhiệm không thể chối bỏ. Trên nền tảng TikTok có một luật bất thành văn là ghi ib (inspired by), dc (dance credit) hoặc tag thẳng tài khoản tạo ra trend. Đây là cách thể hiện sự tôn trọng với người sáng tạo nội dung. Điều này đã phổ biến đối với các bạn TikToker nước ngoài và hiện nay dần được các bạn TikToker ở Việt Nam chú ý đến nhiều hơn.
Đó là sự tôn trọng nhất định cần phải có đối với những người đã bỏ chất xám ra để làm video. Nhiều bạn TikToker cho rằng việc chú thích nguồn thì làm giảm uy tín của nội dung video, hay tệ hơn là giảm tương tác. Khi phân tích tâm lý người xem theo góc nhìn chuyên gia, việc chú thích nguồn thực tế không hề làm giảm uy tín của người tạo ra video. TikTok là một mạng xã hội mở, người xem cũng không mất quá nhiều công để kiểm tra nguồn của ý tưởng đó
Nguồn: Vietnam Booking KOLs