JanSport - thương hiệu ba lô của Mỹ, đã thực hiện nghiên cứu để xem đối tượng mục tiêu Gen Z của họ cảm thấy như thế nào về sự ảnh hưởng của COVID và họ có thể giúp đỡ bằng cách nào.
Insight: 7 trong số 10 người tham gia nói rằng sức khỏe tinh thần đang đè nặng họ, trong khi ba trong số 10 người nói rằng họ cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng gần như mỗi ngày. Vì vậy chiến dịch #LightenTheLoad được tạo ra để thúc đẩy các cuộc trò chuyện cởi mở giữa các bạn trẻ về sức khỏe tinh thần.
Thông điệp: JanSport đã tạo ra nhiều cách thức khác nhau để triển khai cho chiến dịch này, như đường dây nóng để tư vấn, trợ giúp cho các bạn trẻ, tổ chức các talkshow trực tiếp với chuyên gia trên Instagram,... Hành động này đã giúp các kiến thức về sức khỏe tinh thần được lan rộng và tác động trực tiếp đến người quan tâm tới nó. Đặc biệt, JanSport đã thực hiện một loạt những video về những người trẻ trò chuyện về sức khỏe tinh thần. Những video này đã kết nối mọi người thông qua những hành trình chăm sóc tinh thần, về các chủ đề như trầm cảm và lo lắng, xung đột gia đình,... Hãng đã cung cấp cho thế hệ Gen Z một nơi được thể hiện tiếng nói bên trong con người, cũng như cảm giác được lắng nghe, thấu hiểu.
Dave (kênh truyền hình đến từ nước Anh) và CALM (Campaign Against Living Miserably - một tổ chức từ thiện tại Anh) đã trở thành đối tác từ năm 2018. Mục tiêu của sự hợp tác này là nhằm khuyến khích các cuộc trò chuyện tích cực về sức khỏe tinh thần.
Insight: Simon Gunning - giám đốc điều hành CALM cho biết rằng họ đã nhận được hơn 12.000 giờ nói chuyện với mọi người và 645.240 tin nhắn trò chuyện được trao đổi xung quanh các chủ đề như cô lập, lo lắng về sức khỏe, căng thẳng tài chính và suy nghĩ tự tử. Họ nhận thấy được mọi người đều đang đấu tranh cho chính cuộc sống của mình.
Thông điệp: Dave, CALM và Murdock (một thợ cắt tóc ở London có nhân viên được đào tạo về sức khỏe tinh thần) đã tạo thêm động lực cho mọi người và giúp họ vượt qua một số thời điểm khó khăn bằng sự hài hước, vui vẻ. Họ đã tạo ra các thông điệp khuyến khích mọi người chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc với nhau, và nếu bạn không thể, hãy cứ gọi đến cho CALM. Các thông điệp này xuất hiện trong các cửa hàng của Murdock, quảng cáo truyền hình, podcast,... Bên cạnh đó đối với họ, hài hước là yếu tố quan trọng để nâng cao sức khỏe tinh thần trong mọi cuộc trò chuyện, dù là với bạn bè, thợ cắt tóc hay ai đó ở đầu bên kia của CALM.
TBWA\London đã hợp tác với nền tảng truyền thông dành cho nam giới - The Book of Man để tạo ra chiến dịch về các cuộc gọi điện video.
Insight: 80% người Anh cho biết làm việc tại nhà có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của họ, từ đó họ quyết định cải thiện vấn đề này.
Thông điệp: Bạn bị mắc kẹt trong một cuộc gọi điện video căng thẳng? TBWA sẽ giúp đỡ bạn bằng Sound the Excuse với một số lý do “kỳ lạ” như con mèo của bạn nôn mửa, một chú chim bồ câu bay vào qua cửa sổ, một người bạn cùng phòng bị mắc kẹt trong nhà vệ sinh… Bằng cách tạo ra những lý do có vẻ “khó đỡ” nhưng đầy hài hước này, TBWA đã mang lại cảm giác dễ chịu và thư giãn cho những ngày phải làm việc tại nhà.
Vào tháng 5 năm 2019, Heads Together (một website về sức khỏe tinh thần) hợp tác với FA (giải bóng đá loại trực tiếp ở Anh) để khởi động một chiến dịch nhằm tạo ra cuộc trò chuyện lớn nhất về sức khỏe tinh thần từng thấy.
Insight: Nghiên cứu trước khi phát hành chiến dịch cho thấy nguyên nhân tử vong phổ biến nhất ở nam giới dưới 45 tuổi là tự tử. Chiến dịch thảo luận về sự kỳ thị chung đối với sức khỏe tinh thần, cũng như sự thiếu hiểu biết về cách hỗ trợ những người bị bệnh này, trong đó đặc biệt là nhóm nam giới - người ít có khả năng yêu cầu sự hỗ trợ.
Thông điệp:
Hoàng tử William - người phát ngôn chính của chiến dịch, đã thúc đẩy những cuộc hội thoại cởi mở hơn về sức khỏe tinh thần ở nam giới. Chiến dịch hy vọng sẽ khuyến khích nhiều người đàn ông cảm thấy thoải mái khi nói về sức khỏe tinh thần của họ và từ đó có thể nhận hỗ trợ từ bạn bè, gia đình để vượt qua những giai đoạn khó khăn. Bên cạnh tin tức quốc gia, tầm ảnh hưởng toàn cầu của FA, trận chung kết FA Cup năm nay thậm chí còn được đổi tên thành Heads Up FA Cup để hỗ trợ chiến dịch chăm sóc sức khỏe tinh thần kéo dài cả mùa giải.
See Me - chương trình quốc gia của Scotland nhằm chấm dứt kỳ thị và phân biệt đối xử về sức khỏe tinh thần, đã xác định nơi làm việc là nơi thường xảy ra những thách thức về vấn đề này. Để giải quyết nó, họ đã tiến hành một cuộc thăm dò của YouGov nhằm xác định nguyên nhân cơ bản của sự kỳ thị và phân biệt đối xử, với 1.165 công nhân Scotland về thái độ của họ đối với sức khỏe tinh thần.
Insight: Kết quả cho thấy 48% số người không nói với sếp của họ về những lo lắng về sức khỏe tinh thần vì sợ mất việc. Ngoài ra, 55% cho rằng ai đó tại nơi làm việc của họ có vấn đề về sức khỏe tinh thần sẽ không thể tiết lộ điều đó vì sợ bị điều động nhân sự hoặc khó để thăng chức. Các phát hiện đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nói chuyện để chống lại nỗi sợ hãi này, bằng cách sử dụng câu đơn giản nhưng mạnh mẽ “Bạn có ổn không?’’
Thông điệp: Chiến dịch đã sử dụng một video dựa trên một bài thơ, miêu tả những trạng thái, suy nghĩ hàng ngày của con người, khiến mọi người nhận ra vấn đề và hỏi nhau rằng “Bạn có ổn không?’’. Video này đã ra mắt vào tháng 11 năm 2015, được chiếu trong rạp chiếu phim, đài phát thanh và các nền tảng trực tuyến như Facebook, YouTube… Thành công của chiến dịch nằm ở chỗ, See Me đã xác định yếu tố sợ hãi và giải quyết vấn đề này bằng cách sử những điều câu hỏi đơn giản trong cuộc sống - “Bạn có ổn không?’’. Đặc biệt, nó khiến mọi người suy nghĩ lại về tầm quan trọng và sức mạnh của câu nói này.
Đầu năm nay, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Instagram - Kevin Systrom đã phát hiện ra mọi người thường xuyên chia sẻ hình ảnh, câu chuyện về sức khỏe tinh thần của bản thân dưới nhiều hashtag khác nhau. Điều này đã giúp cho những căn bệnh thường không thể nhìn thấy lại có thể dễ dàng tiếp cận thông qua ảnh và video.
Insight: Instagram đã khởi động chiến dịch #HereForYou vào tháng 5 năm ngoái, nhằm mục đích khuyến khích cộng đồng hỗ trợ nhau tốt hơn và tìm kiếm được sự trợ giúp thích hợp, lan tỏa sự ủng hộ rộng rãi hơn.
Thông điệp: Video dài một phút giới thiệu các Instagramers kể về quá khứ đấu tranh với chứng rối loạn ăn uống, trầm cảm và ý định tự tử. Chiến dịch đã sử dụng hashtag #HereForYou và khiến nó trở nên phổ biến. Sự thiết thực và giá trị lan tỏa đã mang lại thành công cho chiến dịch này. Nó chính thức hóa vai trò của mọi người trong việc kết nối với sự giúp đỡ mà họ cần, cuối cùng là phát triển cả một cộng đồng.
Vào tháng 9 năm ngoái, TheLADBible Group đã khởi động một chiến dịch xã hội kéo dài 3 tháng mang tên UOKM8? nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe tinh thần của nam giới.
Insight: Bằng cách tạo ra các video và bài viết dành cho giới trẻ, TheLADbible Group tin rằng các bạn trẻ sẽ chịu mở lòng hơn và chia sẻ những nỗi lo mà họ đang phải gánh chịu.
Thông điệp: Chiến dịch được phát động với sự tham gia của các nam Influencer, bao gồm cả vận động viên thể dục dụng cụ Olympic Louis Smith, nói về những trải nghiệm trầm cảm của chính mình. Bên cạnh đó, họ cũng phát triển nhiều bài viết về sức khỏe tinh thần, thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác. Những hành động này nhằm khuyến khích nam giới trở nên cởi mở và dũng cảm nói lên thể trạng tâm lý của mình, từ đó mọi người tương tác với nhau, chia sẻ kinh nghiệm sống thực tế, giúp đỡ lẫn nhau, đưa ra lời khuyên.
Time to Change là một tổ chức từ thiện vận động chống lại sự kỳ thị về sức khỏe tinh thần. Năm nay, tổ chức này ra mắt In Your Corner, một chiến dịch kéo dài 5 năm lấy cảm hứng từ 12 tháng nghiên cứu về thái độ của nam giới và thanh niên đối với sức khỏe tinh thần.
Insight: Chiến dịch này tạo ra một số hiểu biết về rào cản ngăn cản nam giới nói về sức khỏe tinh thần của họ.
Thông điệp: Chiến dịch In Your Corner được khởi động với một bộ phim về ba anh chàng - những người luôn tích cực hỗ trợ và lắng nghe người bạn đời của mình. Từ đó, họ nhận thấy được thái độ và hành vi có thể ảnh hưởng như thế nào đến trải nghiệm của người khác về các vấn đề sức khỏe tinh thần và mỗi góc nhìn có thể tạo ra sự khác biệt. Chiến dịch khai thác rằng nam giới có khả năng tránh nói về sức khỏe tinh thần trong mọi cuộc trò chuyện, cho dù nó liên quan đến bản thân họ hay bạn bè, gia đình. Thông qua sự hài hước, duyên dáng, campaign này sẽ khắc phục cảm giác khó xử, từ đó truyền cảm hứng cho mọi người chia sẻ cảm xúc của mình với những người khác.
Harrow là chính quyền địa phương đa dạng về sắc tộc thứ 9 ở Anh và xứ Wales, với hơn 40 cộng đồng dân tộc khác nhau. Họ nhận ra rằng 27% các trường hợp sức khỏe tinh thần trong khu vực thuộc cộng đồng người da đen và dân tộc thiểu số (BME).
Insight: Mind đã thực hiện đánh giá nhu cầu sức khỏe tinh thần với các cộng đồng BME ở Harrow, bao gồm các cuộc hội thảo và gặp gỡ trực tiếp. Họ phát hiện ra rằng trong nhóm người châu Á, nhiều người chuyển sang tôn giáo và tin rằng đức tin giúp họ đối phó với cuộc sống hàng ngày, hơn là việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ và các nhà cung cấp dịch vụ về sức khỏe tinh thần.
Thông điệp: Bằng cách sử dụng hình ảnh về sự đa dạng từ các cộng đồng đặc biệt, cùng với khẩu hiệu mang tính mạnh mẽ - People Like Us, chiến dịch đã chuyển tải thành công thông điệp rằng các vấn đề sức khỏe tinh thần không chỉ ảnh hưởng đến một “kiểu người” và sự giúp đỡ đó có thể được tìm thấy ở từng cá nhân cộng đồng dân tộc hoặc tôn giáo riêng. Họ đã sử dụng những tấm áp phích, tờ rơi, tạo ra quảng cáo trên đài phát thanh địa phương, thực hiện các cuộc hội thảo,... nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tinh thần. Bên cạnh đó, một trang web mới - peoplelikeus.info cũng được phát triển. Website này cung cấp mọi thông tin cần thiết về chiến dịch, các post phân tích về sức khỏe tinh thần cũng như chi tiết về các dịch vụ trợ giúp.
Young Minds cung cấp hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho những người trẻ tuổi trên khắp nước Anh, hướng dẫn họ vượt qua những thử thách và giúp cải thiện khả năng phục hồi tinh thần, trong số đó là chiến dịch Wise Up.
Insight: Wise Up giúp làm sáng tỏ chiều sâu của vấn đề trong trường học, cũng như phạm vi nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe tinh thần (chẳng hạn như áp lực thi cử, mạng xã hội và bắt nạt).
Thông điệp: Bằng cách đặt tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần ngang hàng với thành tích học tập ở trường học, Wise Up đã tìm cách thu hút sự chú ý và nhấn mạnh đến hiệu quả hoạt động đối với học sinh. Chiến dịch diễn ra dưới dạng video, bên cạnh đó là những báo cáo nhằm thu hút sự chú ý của công chúng cũng như cơ quan thanh tra trường học của Chính phủ, Ofsted. Wise Up đã kêu gọi chữ ký từ công chúng ủng hộ yêu cầu của mình đối với các sáng kiến của chính phủ, cụ thể là Ofsted nên tăng sự chú ý về sức khỏe tinh thần trong các trường học. Họ đã gửi một bức thư với 10.000 chữ ký cho Thủ tướng Chính phủ và đưa ra báo cáo Wise Up tại quốc hội, tạo ra làn sóng mạnh mẽ về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần trong trường học.
Tham khảo bài viết: 10 mental health campaigns that are making a difference