Bạn thực sự hiểu độc giả của mình tới đâu?

Trong bối cảnh nội dung thương hiệu cá nhân ngày càng cạnh tranh và đa dạng, việc hiểu rõ đối tượng khách hàng của bạn không chỉ là lựa chọn; đó là một yếu tố cần thiết tuyệt đối để thành công. Vậy, bạn đã hiểu độc giả của mình tới đâu?
Hương Mai
03/04/2024
Bạn thực sự hiểu độc giả của mình tới đâu?

Hãy tưởng tượng: Bạn có những phát hiện đột phá, chuyên môn sâu sắc, bài viết đầy tâm huyết nhưng không ai để lại phản hồi. Một trong những lý do bạn nên xem xét là liệu đó có phải thông tin độc giả cần, quan tâm hay không. Viết điều không ai quan tâm giống như là hét vào không trung vậy.

Đây là lúc việc nắm vững hiểu biết về đối tượng khách hàng trở thành vũ khí bí mật, là chìa khóa mở cánh cửa tới tâm trí và trái tim của khán giả mục tiêu. Nó cho phép bạn xâm nhập vào thế giới của họ, tìm ra những điểm chung và tạo nên sự kết nối tinh thần giữa bạn và họ. Thông qua những hiểu biết về họ, bạn sẽ tạo ra nội dung dựa trên sự thấu hiểu, không chỉ xây dựng một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ mà còn làm cho người xem cảm thấy gần gũi và chia sẻ cảm xúc với bạn.

Hôm nay, tôi sẽ hướng dẫn bạn làm điều đó. 

Bước 1: Xác định đối tượng độc giả mục tiêu của bạn

Trước khi bạn có thể kết nối với đối tượng khách hàng của mình, bạn cần hiểu rõ đối tượng mà bạn muốn tiếp cận là ai. Thông tin đầu tiên cần phải có là nhân khẩu học của khách hàng như: tuổi tác, giới tính, nơi họ sống, công việc của họ.

Ví dụ: Độc giả mục tiêu của bạn ở đây sẽ là các chuyên gia, solopreneur hoặc các tác giả trẻ mong muốn sở hữu một cuốn sách, trở thành tác giả. Họ là người thuộc độ tuổi 28 - 35, đã có 5-8 năm kinh nghiệm chuyên môn, thuộc tầng lớp trí thức và làm việc tự do, sinh sống trên khắp thế giới, đều là người Việt v.v. họ có điểm chung là quan tâm tới việc làm thế nào trở thành tác giả, viết một cuốn sách.

Một lưu ý nhỏ trước là hãy tưởng tượng mẫu khách hàng tiềm năng của mình là một người cụ thể và đặt tên cho họ. Nó giúp bạn dễ dàng hình dung người này là người thật chứ không chỉ là một khái niệm hay do bạn tự đoán ra. Bạn sẽ cảm thấy bạn biết họ như bạn biết bạn bè của mình, và điều đó sẽ giúp việc phục vụ họ tốt hơn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Ví dụ, đại diện nhóm độc giả:

  • Kiểu khách hàng 1 - CEO Phương Mai
  • Kiểu khách hàng 2 - Chuyên gia Thảo Trang 

Tiếp đến, bạn tạo file ghi chép về audience/customer persona - người mua hàng/độc giả lý tưởng sẽ giúp bạn hiểu dễ theo dõi những thông tin mà độc giả mong muốn được nghe, tìm hiểu và đạt được.

Vì vậy, khi bạn viết một bài blog mới, bài đăng Facebook mới, bản tin, bạn sẽ có thể xem hồ sơ khách hàng lý tưởng của mình và cố gắng đặt mình vào vị trí của họ để có thêm những ý tưởng hiệu quả. Bạn có thể tự hỏi: Phương Mai có cần hoặc thích điều này không? Thảo Trang sẽ quan tâm hoặc thấy có liên quan đến điều này không?

Tuy nhiên, thông tin nhân khẩu học rất quan trọng, nhưng nó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Rất nhiều bạn mô tả tính cách người mua lý tưởng của họ là: phụ nữ, từ 25-34 tuổi, sống ở miền Nam. Đó là một mô tả rất chung chung, quá mơ hồ và sẽ không giúp bạn tạo ra những bài viết thu hút hay một thương hiệu uy tín. Hãy lưu ý tới những thông tin thật cụ thể như ví dụ mà tôi đã tô đậm.

Nếu không, bạn sẽ cảm thấy mình như Chí Phèo, chửi cả làng nghe nhưng ai cũng bảo chắc nó chừa mình ra. Bạn sẽ tự hỏi tại sao mặc dù tôi viết nhiều bài nhưng lại không có ai quan tâm bài viết của tôi?

Đó cũng là lý do tại sao chúng ta tới bước số 2. Đó là cân nhắc về đặc điểm tâm lý học, điểm đau, mong muốn, mục tiêu và sở thích. Bạn hiểu về đối tượng khách hàng của mình càng nhiều, bạn càng có thể cung cấp thông tin, nội dung đáp ứng nhu cầu của họ.

Bước 2: Phân tích độc giả của bạn

Việc xác lập mối quan hệ với độc giả giống như theo đuổi người yêu của mình vậy. Bước đầu là xác định người mà chúng ta thích, muốn gắn bó. Sau đó, để tán đổ họ, bạn phải nắm được sở thích, thói quen, mong muốn, gout, tất cả những gì thuộc về họ và đưa cho họ những thứ họ muốn một cách có chiến lược. Chỉ có vậy bạn mới có thể đi từ làm quen, hiểu, yêu và thuyết phục được họ đồng thời khiến họ không muốn xa rời chúng ta.  

Kể cả bạn đã từng làm rồi thì cũng đừng bỏ qua nhé, hãy cập nhật thêm thông tin vì rất có thể “người yêu” của bạn đã thay đổi. Và ở đây, tôi sẽ hướng dẫn để bạn áp dụng chúng trong góc độ tạo nội dung để từ đó bạn sẽ tìm ra được những ý tưởng hiệu quả. 

Một vài câu hỏi dành cho bạn: 

  1. Những nhu cầu hoặc thách thức chính mà độc giả của bạn đang đối mặt là gì? Tại sao điều đó khiến họ gặp khó khăn? (Hãy liệt kê ra nhiều nhất có thể và đặt 05 câu hỏi tại sao để khai thác sâu hơn những khó khăn của họ) 
  2. Họ có mong muốn hoặc khát khao đạt được điều gì hay thay đổi điều gì (liên quan tới ngách bạn đang theo đuổi). Tại sao họ muốn đạt được nó? Việc đạt được điều này sẽ khiến họ cảm thấy thế nào? Lúc đó họ sẽ trở thành ai?
  3. Điều gì đang là trở ngại của họ khiến họ không thể đạt được thứ họ muốn?
  4. Bạn dự định giúp họ giải quyết những nhu cầu, mong muốn hoặc thách thức này thông qua kỹ năng hoặc chuyên môn của mình như thế nào?
  5. Bạn đang tiếp cận và kết nối với họ như thế nào? Thông qua kênh hoặc nền tảng nào? 
  6. Hãy thử nghĩ, làm thế nào có thể tiếp cận, tương tác với họ một cách hiệu quả hơn?
  7. Độc giả của bạn, họ thích tiêu thụ loại hình nội dung nào? (video, chữ, hình ảnh?) 
  8. Phong cách nói chuyện, tông giọng mà họ thích là gì? (Gần gũi, chân thành, dí dỏm, chuyên môn, có chiều sâu, sâu sắc?). Đó có phải cách mà bạn nói hàng ngày không, có phù hợp với bạn không? 
  9. Bạn sẽ điều chỉnh phong cách giao tiếp, chia sẻ nội dung để giao tiếp hiệu quả hơn với họ mà vẫn được là mình?

Bước 3: Phân loại thông tin 

Dựa vào thông tin bạn đã thu thập, hãy xác định xem thông tin bạn đang có thuộc loại nào. Tất nhiên có nhiều cách thức để phân loại, nhưng cá nhân tôi thì thường phân loại dữ liệu trong sáng tạo nội dung với 3 loại: hy vọng và ước mơ, đau đớn và sợ hãi, hay rào cản và mơ hồ. Từ 3 thứ này bạn sẽ biết tận dụng, chuyển thể thành những nội dung phù hợp.

  • Hy vọng và ước mơ: Những thông tin liên quan đến hy vọng và ước mơ thường xuất phát từ sự khao khát của độc giả đối với tương lai tốt đẹp hơn. Đây có thể là mục tiêu, ước mơ, hoặc niềm tin vào một điều tốt lành.
  • Đau đớn và sợ hãi: Là thông tin liên quan đến đau đớn và sợ hãi thường là những cảm xúc mạnh mẽ mà độc giả đang trải qua. Chúng có thể là sự lo lắng, nỗi đau khó tả hoặc nỗi sợ hãi về tương lai.
  • Rào cản và điều mơ hồ: Thông tin liên quan đến rào cản và điều mơ hồ thường là những trở ngại ngăn cản độc giả tiến xa hơn trong cuộc sống hoặc công việc. Đây có thể là sự không chắc chắn về tương lai, sự mơ hồ về quyết định hoặc rào cản về kiến thức.

Tiếp nối ví dụ về nhóm đối tượng mong muốn trở thành tác giả sách ở trên:

  • Ước mơ: Mong ước có thể sở hữu một cuốn sách mang tên mình, trở thành tác giả
  • Lo lắng và sợ hãi: Họ lo lắng kỹ năng viết chưa đủ để hoàn thành một bản thảo. Họ sợ bản thân chưa đủ chuyên môn để viết sách.
  • Rào cản và nỗi đau: Họ không biết hoàn thành một cuốn sách thì trải qua giai đoạn nào. Họ không biết cách tìm nhà xuất bản và đề xuất bản thảo.

Giờ thì có lẽ bạn đã hiểu hơn về độc giả của mình rồi đó. Từ những thông tin này, bạn tiếp tục suy nghĩ xem làm thế nào để tôi giải đáp, hoặc hỗ trợ độc giả, truyền cảm hứng cho họ thông qua nội dung của tôi.

Bước 4: Làm thế nào để tôi biết những thông tin này?

Đừng dừng lại và chỉ tưởng tượng mà thay vào đó, bạn hãy thật sự tìm kiếm, quan sát, khám phá thông tin xung quanh họ, chú tâm hơn đến những đề tài, ngách lĩnh vực của bạn.

Ở bước này chúng ta hãy lắng nghe cẩn thận và liệt kê hết tất cả những quan sát của bạn về độc giả mục tiêu. Điều này có thể bao gồm những thách thức trong công việc, cuộc sống cá nhân, sự phát triển cá nhân, hoặc bất kỳ lĩnh vực nào liên quan đến nội dung bạn sáng tạo. Sau đây sẽ là một vài cách đơn giản để bạn tìm kiếm thông tin cho bảng chân dung khách hàng. 

  • Gửi khảo sát: Gửi một bản khảo sát ngắn dễ tạo và dễ sử dụng (chẳng hạn như Google form) và hỏi khán giả những câu hỏi mở để giúp bạn hiểu họ rõ hơn. Sau khi nhận được phản hồi, bạn có thể tiến thêm một bước nữa và mời một số người trong số họ tham gia một cuộc phỏng vấn ngắn.
  • Tiến hành phỏng vấn: Đây là một bài tập thực sự hiệu quả vì nó giúp bạn đặt thêm câu hỏi và thực sự hiểu được độc giả của mình. Bạn có thể phỏng vấn khách hàng hoặc khách hàng trước đây hoặc những người sẽ là khách hàng tiềm năng của bạn. Hãy hỏi họ những câu hỏi mà bạn chưa biết trả lời thế nào và xem họ giải thích bằng lời của mình như thế nào. Sau đó hãy nhớ sử dụng những từ ngữ đó trong thông điệp, nội dung của bạn. Điều này sẽ khiến họ cảm thấy được thấu hiểu và lắng nghe. Bạn nên tặng thẻ quà tặng, ưu đãi, tài liệu để cảm ơn vì cuộc trò chuyện kéo dài 15 phút. Suy cho cùng, mọi người đều bận rộn, vì vậy nếu họ dành thời gian cho bạn thì đó là một vấn đề lớn.
  • Thực hiện một cuộc thăm dò: Tôi cá rằng bạn đều đang có độc giả trên Instagram hoặc Facebook. Nếu có thì chúc mừng bạn, bạn có thể làm một cuộc điều tra và hỏi họ mọi thứ. Nếu như bạn không biết thì mọi người THÍCH nói về bản thân họ và việc nhấp chuột vào một cuộc thăm dò là điều gần như không thể cưỡng lại được (hãy thừa nhận đi, bạn nhấp vào nó bất cứ khi nào bạn nhìn thấy nó!). Hãy sử dụng thực tế tâm lý này để làm lợi thế cho bạn và hỏi họ xem họ thích hay không thích điều gì, họ thích điều gì hoặc họ đấu tranh với điều gì.
  • Theo dõi mạng xã hội và diễn đàn: Mạng xã hội và các diễn đàn là nơi mà độc giả thường chia sẻ về những vấn đề họ đang gặp phải. Theo dõi và tham gia vào các cuộc trò chuyện để nhận biết các điểm đau phổ biến, đâu là nội dung mà họ đang quan tâm, đâu là những chủ đề đang được bàn tán v.v…

Trên đây là hướng dẫn các bước giúp bạn thấu hiểu và xây dựng chân dung độc giả mục tiêu cho bất cứ cá nhân nào đang muốn tiến gần hơn đến với khán giả của mình. Hy vọng nó sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong hành trình xây dựng sức ảnh hưởng. Nếu bạn gặp khó khăn, hoặc có câu hỏi, hãy liên hệ với tôi qua các kênh thông tin phía dưới nhé. Tôi rất vui nếu hỗ trợ được cho bạn. 

Cảm ơn bạn đã theo dõi và lắng nghe chia sẻ của Mina.


Bạn có thể kết nối thêm với Mina tại: 

Fanpage: https://www.facebook.com/heyminablog
Trang Facebook cá nhân: https://www.facebook.com/huongdozy/
Website: huongmai.co 
Bản tin: visibleyou.vn

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa