emagazine image
emagazine image

Khi thế giới và Việt Nam bước vào giai đoạn “bình thường mới”, các hoạt động đầu tiên của điện ảnh bắt đầu quay trở lại. Rạp chiếu phim mở cửa, các bộ phim mới sau bao ngày vắng bóng lại được trình làng, những dự án tiềm năng rục rịch ấn định ngày ra mắt công chúng. Giữa những ngày tháng “hồi sinh” đáng nhớ của nền điện ảnh sau 2 năm gần như chững lại hoàn toàn do đại dịch, The Influencer khởi xướng chiến dịch #BackStage, với mong muốn tìm hiểu những câu chuyện phía sau ánh hào quang màn ảnh, những câu chuyện hậu trường mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu.


Nhân vật đầu tiên mà chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc là Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn của hàng loạt bộ phim ăn khách như “Em là bà nội của anh”, “Cô gái đến từ hôm qua” và sắp tới đây là “Em và Trịnh”. Anh là người đam mê phim ảnh từ nhỏ nhưng phải đến 36 tuổi mới có bộ phim đầu đời, rồi nhanh chóng khẳng định một vị trí đặc biệt trong nền điện ảnh trẻ Việt Nam. Cùng lắng nghe những bộc bạch về hành trình anh đến với điện ảnh và những trải nghiệm làm nghề của anh.


emagazine image


Tôi nghĩ rằng tôi bắt đầu có tình yêu với điện ảnh từ rất nhỏ. Mẹ tôi vốn là kế toán của một công ty xuất khẩu và phát hành phim Việt Nam. Từ năm tôi 3 tuổi, gia đình tôi đã chuyển đến sống ở trong khuôn viên cơ quan mẹ. Ngay trong khuôn viên cơ quan, người ra thường xuyên tổ chức các chương trình chiếu phim ngoài trời cho gia đình công nhân viên chức cũng như những người sống ở trong khu vực ấy đến xem. Trong những buổi chiếu kiểm duyệt phim, tôi cũng thường xuyên lẻn vào trong phòng máy chiếu và xem phim qua một ô cửa nhỏ. Sau này lớn hơn một chút thì đến thời xem phim bằng băng đĩa video. Cơ quan mẹ tôi cũng sở hữu một kho băng phim khổng lồ. Hầu như ngày nào tôi cũng lên đó, mượn băng về nhà, xem đủ các thể loại phim trên đời từ châu u đến châu Á, từ phim hành động đến phim hoạt hình.


Lúc tôi còn nhỏ xíu, tôi đã thấy phim ảnh là một điều gì đó rất thú vị. Xem phim, tôi thấy mình như được sống ở một thế giới khác, trải nghiệm nhiều cuộc đời khác, và bắt đầu có ước mơ đến những vùng đất mới. Hồi đó tôi còn nhỏ lắm, nhìn thấy người châu Âu trên phim ảnh, ăn mặc khác thường, nói những ngôn ngữ hoàn toàn khác, tôi thấy thật sự kỳ thú. Phim ảnh cũng khiến cho cả đám đông nhiều người khác nhau, nhiều độ tuổi khác nhau,.. có thể cùng ngồi một chỗ, cùng khóc, cùng cười trước một chiếc màn hình rộng.

emagazine image


Tại lễ trao giải Oscar năm 1998, bộ phim “Good Will Hunting” đoạt rất nhiều giải thưởng. Khoảnh khắc Ben Affleck và Matt Damon lên sân khấu nhận giải là khoảnh khắc vô cùng xúc động với tôi. Khi đó tôi 19 tuổi và đã tự nói với mình rằng: Khi nào bằng tuổi 2 người này, mình phải đoạt giải Oscar. Đó là một ước mơ thật ngốc nghếch của thời trẻ nhưng có lẽ cũng chính khoảnh khắc đó, tôi bắt đầu nghĩ rằng mình muốn trở thành một nhà làm phim.


Tôi nghĩ là cuộc đời đưa đẩy thôi. Khi thi Đại học, tôi đậu cả 3 trường là Luật, Kiến trúc và Bách khoa, trong đó Luật là trường tôi đạt điểm cao nhất. Thế nhưng, tôi quyết định chọn học Kiến trúc, một trong những lý do là vì tôi biết rằng Luc Besson và James Cameron - hai đạo diễn mà tôi cực kỳ ngưỡng mộ, đều xuất thân từ kiến trúc. Suy nghĩ tưởng như ngốc nghếch nhưng lại đưa tôi đến một quyết định vô cùng đúng đắn.


Kiến trúc và điện ảnh thật ra rất gần nhau về mặt tư duy, đều đòi hỏi người làm phải sử dụng kỹ thuật để tạo ra nghệ thuật. Cả hai ngành này đều tạo ra một không gian để con người được sống trong đó. Kiến trúc sư tạo ra một không gian vật lý. Còn người làm điện ảnh tạo ra một không gian phim ảnh để khán giả đến xem rồi chìm đắm vào trong không gian ấy. Cả kiến trúc sư vào đạo diễn đều rất cần sự thấu hiểu con người, hiểu hành vi sống, hiểu tâm lý của đối tượng mục tiêu thì mới làm ra một sản phẩm chất lượng. Vì vậy, quãng thời gian học kiến trúc cũng vun bồi cho tôi rất nhiều tư duy hữu ích cho việc làm phim sau này.

emagazine image

Giai đoạn tôi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc cũng là thời điểm Internet bắt đầu phát triển mạnh tại Việt Nam. Với đam mê điện ảnh từ nhỏ, tôi bắt đầu chia sẻ các suy nghĩ, bình luận phim ảnh trên các forum và dần dần được nhiều người biết đến từ đó. Bút danh Phan Xine cũng bắt đầu từ thời điểm này. Sau đó, tôi được mời làm CTV cho các báo, rồi theo thời gian lên vị trí thư ký toà soạn cho tờ “Điện ảnh kịch trường”.


Mặc dù luôn nói là muốn làm phim, nhưng suốt một thời gian dài tôi làm báo, viết bài bình luận phim, chứ không trực tiếp làm bất cứ điều gì trong ngành phim ảnh cả. Nhiều anh chị lớn trong ngành bảo tôi rằng “Linh muốn làm phim thì Linh phải làm phim thôi, chứ cứ làm báo thì bao giờ mới làm phim được”. Mãi đến năm 2005, tôi mới dũng cảm nghỉ việc làm báo và thực sự dấn thân vào thị trường làm phim, bắt đầu từ những việc rất nhỏ như làm poster cho phim, marketing cho phim, làm những công việc hậu trường, sửa lỗi chính tả trên kịch bản… Sau đó không lâu, tôi nhận được học bổng của quỹ Ford để đi học làm đạo diễn tại trường University of Southern California (USC), đó có lẽ là bước tiến quan trọng đầu tiên để tôi đi đến vị trí đạo diễn sau này.

emagazine image


Cũng có khó khăn đấy! Điều khó nhất là buông bỏ được công việc cũ, một công việc tương đối dễ dàng so với năng lực của tôi vào thời điểm đó, chức vị cao, lại đem lại nguồn thu nhập tương đối tốt. Trong suốt một thời gian dài, tôi tự nói với bản thân rằng: Thôi mình cứ viết báo để kiếm sống, đến khi nào cơ hội làm phim tới thì mình sẽ bắt đầu. Nhưng cách làm này không ổn. Nếu như cứ viết báo hoài, tư duy của mình mãi mãi là tư duy của một người phê bình, không thể giống với tư duy của một người làm phim.


Người phê bình phim họ chỉ thấy được tác phẩm sau khi đã hoàn thiện, còn người làm phim là phải xây dựng mọi thứ từ đầu. Người làm phê bình rất khó để ngồi xuống viết kịch bản phim bởi họ không có tư duy xây dựng, họ hầu như chỉ có tư duy đánh giá. Trong giai đoạn chuyển đổi này, tôi phải học cách phân tích tác phẩm dưới góc nhìn của một người làm phim: làm thế nào để tôi kiến tạo được cảm xúc này, làm thế nào để tôi tạo ra được tình huống này, làm thế nào để đẩy được cao trào của bộ phim… Thay vì đơn thuần là đánh giá các tác phẩm phim ảnh, tôi phải học cách đặt câu hỏi về cách làm trong từng tình huống, dù là nhỏ nhất.

emagazine image


Khi quyết định từ bỏ công việc làm báo vốn đang rất thuận lợi, tôi đang ở tuổi 27. Tôi cho mình thời hạn đến 35 tuổi để thử sức với chuyện làm phim. Tôi nghĩ đơn giản rằng, nếu chẳng may có thất bại, 35 tuổi vẫn không quá trễ để làm lại từ đầu. Đến năm 36 tuổi, tôi mới có được bộ phim đầu tay “Em là bà nội của anh”.

emagazine image

Trên cả chặng đường, cũng có những lúc tôi thất vọng về cuộc sống, những lúc rơi xuống đáy khi thấy bạn bè xung quanh đều đã thành công trong sự nghiệp, có một cuộc sống đủ đầy. Tôi cũng có đôi lần thất vọng khi thấy có những người bạn thân thiết đi ngược lại với những lý tưởng mà chúng tôi đã từng làm với nhau. Nhưng chính những khoảnh khắc xuống đáy đó, tôi lại thấy mừng vì biết mình không thể rớt xuống sâu hơn được nữa, từ đây chỉ còn một đường đi lên mà thôi. Kể cả trong những lúc thất vọng đó, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng việc chọn làm phim là một quyết định sai lầm. Tôi thấy mình may mắn vì có một đam mê và biết rất rõ mình muốn gì.


Với cá nhân tôi, việc khó khăn nhất là làm sao mình giữ được tầm nhìn với một bộ phim. Một bộ phim là tác phẩm của tập thể, nhưng đồng thời cũng là tác phẩm của bản thân người đạo diễn. Trên thực tế, ở những vị trí khác nhau, mọi người rất dễ có những tầm nhìn khác nhau về cùng một bộ phim: có người nghĩ rằng đây là một phim nhỏ, có người nghĩ đây là một bộ phim lớn, có người cho rằng đó là một bộ phim nghệ thuật, có người lại nghĩ đó là một phim thương mại… Mỗi người có một cảm nhận, một quan điểm khác nhau, việc của người đạo diễn là làm sao cho tất cả mọi người cùng hiểu bộ phim giống như cách đạo diễn hiểu, và cùng chung tay thực hiện bộ phim đó với cùng một tầm nhìn.

emagazine image

Đó thực sự là một cuộc chiến đấu. Mà cuộc chiến lớn nhất đôi khi lại diễn ra giữa chính người đạo diễn và người sản xuất - hai người có quyền lực lớn nhất của một đoàn làm phim. Có thể thời điểm bắt đầu, cả hai đã thống nhất với nhau rất rõ ràng về mọi việc. Nhưng càng về cuối, khi bộ phim ngày càng hiện rõ, một trong hai mới nhận ra rằng bộ phim đang đi lệch so với tưởng tượng của họ. Đạo diễn muốn bộ phim hay theo góc nhìn của đạo diễn. Nhà sản xuất lại muốn bộ phim hay theo góc nhìn của nhà sản xuất. Khi hai người không thể đồng thuận với nhau, xung đột phát sinh và sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng bộ phim.


Nếu người đạo diễn may mắn có một người sản xuất hiểu họ và sẵn sàng đồng hành cùng họ, đó là điều rất tuyệt vời. Tuy nhiên với cá nhân tôi, khó tính và cá tính khá mạnh, nên không phải lúc nào tôi cũng tìm được một nhà sản xuất vừa đủ giỏi, vừa đủ thấu hiểu và cùng tầm nhìn để làm việc cùng. Vậy nên đến thời điểm này, nếu có thể, tôi sẽ tự mình kiêm luôn việc làm đạo diễn và sản xuất cho các bộ phim của tôi.


Tôi nghĩ một đạo diễn giỏi là người làm được những bộ phim hay. Suy cho cùng, người ta chỉ đánh giá đạo diễn thông qua tác phẩm của họ. Một nhà đạo diễn mà biết cách làm vui lòng nhà sản xuất, nhưng cuối cùng bộ phim lại không tốt. Hoặc, một nhà đạo diễn giống như một “con quái vật” trên trường quay, nhưng cuối cùng bộ phim của họ lại xuất sắc. Tôi sẽ chọn người thứ hai để trả lời cho câu hỏi “Ai là một đạo diễn giỏi”.

emagazine image

Đương nhiên, cái hay, cái tốt của một bộ phim đôi khi rất cảm tính, và mỗi người sẽ có một thang đo, một bộ tiêu chí khác nhau. Đối với tôi, một bộ phim hay là khi tôi nhìn thấy được tầm nhìn của người đạo diễn, nhìn thấy được tư tưởng, ngôn ngữ điện ảnh mà họ gửi vào trong tác phẩm của mình. Tôi không đánh giá quá nhiều ở mặt doanh thu, đó chỉ là một tiêu chí bề nổi để đánh giá mức độ thành công của một bộ phim.


Tôi thấy bản thân mình đã thay đổi khá nhiều. Với tôi, mỗi một bộ phim đều là một bước tiến gần hơn với những giấc mơ lớn của tôi về điện ảnh. “Em và Trịnh” là một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của tôi.

emagazine image

Về nội dung, khác với những bộ phim trước, bộ phim này lấy cảm hứng từ cuộc đời của một con người thật, một người rất nổi tiếng và được nhiều người ngưỡng mộ. Thách thức cho người làm phim ở đây là làm sao vừa lột tả được đúng tính chất của những câu chuyện thật, vừa tạo ra được câu chuyện mình muốn kể. Về cách làm phim, đến với “Em và Trịnh”, tôi bắt đầu truyền tải những biểu tượng, những ẩn dụ trong phim. Tôi cũng tìm cách phá những cấu trúc phim ảnh khuôn mẫu, những khung hình truyền thống, những lối kể chuyện thông thường. Cách tôi lựa chọn diễn viên, sử dụng âm nhạc bài hát cũng vậy, tất cả đều chứa đựng những dụng ý mới.

emagazine image


Trước đây khi tôi đi học ở USC, các thầy cô luôn luôn nói với chúng tôi một điều rằng: “In the end, it's just a movie” (Cuối cùng thì nó cũng chỉ là một bộ phim mà thôi). Ban đầu tôi thấy quan điểm này rất mắc cười, tôi tưởng rằng người ta phải ca ngợi tình yêu điện ảnh, phải sống chết với bộ phim của họ chứ. Nhưng không, nó chỉ là một bộ phim mà thôi, đừng vì nó mà hy sinh mọi thứ, đừng vì nó mà hy sinh sức khoẻ bản thân hay các mối quan hệ. Bài học này được dạy hoài mà nhiều khi tôi vẫn thi trượt.


Một phần vì quá yêu bộ phim của mình, một phần vì cá tính mạnh nên đôi khi tôi không thể tách rời, vì những quan điểm khác biệt trong công việc mà ảnh hưởng đến những mối quan hệ, mất đi những tình bạn đẹp. Với tôi, đó là điều đáng buồn nhất.

emagazine image


Như bạn cũng biết, tôi xuất thân từ người làm phê bình điện ảnh, nên tôi hiểu về những bài nhận xét ngoài kia. Một bài phê bình điện ảnh không nói lên bản chất của bộ phim, mà nói lên bản chất của chính người viết. Ai cũng quyền được khen, được chê một bộ phim, và điều đó phản ánh con người họ hơn là phản ánh bộ phim.

emagazine image

Với vô vàn khán giả ngoài kia mà mình chẳng biết là ai, những nhận xét của họ không ảnh hưởng gì đến cuộc đời của mình. Tôi chọn rằng sẽ tôn trọng những suy nghĩ của họ, cho dù họ khen hay chê bộ phim. Khi bộ phim đã được công chiếu, bộ phim không còn nằm trong sự bảo vệ của người đạo diễn nữa. Tất cả những điều có thể làm thì mình đã làm hết sức trước khi bộ phim được ra mắt rồi.


Thật ra trong mùa lockdown, tôi không có lo lắng gì cả, ở nhà lại thấy mình có nhiều thời gian hơn để làm những việc muốn làm. Tuy nhiên sau khi hết lockdown, nhìn vào tình hình rạp chiếu phim thì tôi cũng thấy có chút lo lắng. Vì nhiều lý do, mọi người không còn muốn ra rạp nhiều như trước nữa. Nhưng rồi tôi cũng nhận ra rằng, đây là quy luật chung của cả thế giới và là thứ mình không thể nào kiểm soát được.


Việc của mình là nhận biết được những khó khăn, và tìm một con đường khác. Bây giờ, khi phim chiếu rạp hạn chế hơn, việc tìm kiếm nguồn tài chính cho những bộ phim lớn chắc chắn sẽ càng nan giải. Vậy, chúng ta có thể tìm cách làm những bộ phim với nguồn kinh phí thấp hơn, nghĩ hướng hợp tác với các nền tảng OTT, hoặc gây quỹ theo cách khác.


Ví dụ với “Em và Trịnh”, chúng tôi đã bắt đầu có những hoạt động thử nghiệm đưa blockchain vào trong điện ảnh. Thời gian gần đây, tôi cũng phải “cắp sách đi học”, đi gặp các chuyên gia tư vấn đề blockchain, đọc các casestudy thành công trên thế giới trong việc ứng dụng blockchain vào trong điện ảnh. Tôi nghĩ rằng, tất cả các mô hình về kinh tế đều đang và sẽ thay đổi rất nhanh. Nếu mình chỉ ngồi đây nhìn những con số rồi than khóc thì cuối cùng chắc chắn mình sẽ bị bỏ lại. Thay vào đó, mình cần học cách trở thành người đi trước.

emagazine image


Nói thật là tôi không biết đâu (cười). Đại dịch Covid vừa rồi cho chúng ta thấy một điều rằng: chúng ta không thể đoán được điều gì sắp xảy ra. Tương lai của nền điện ảnh có lẽ cũng là một ẩn số mà phải chờ đến tương lai chúng ta sẽ cùng biết. Thế nhưng trong giai đoạn sắp tới, tôi nghĩ rằng việc sản xuất những bộ phim lớn đòi hỏi nguồn kinh phí cao sẽ gặp khá nhiều khó khăn. Đó là một điều đáng buồn. Nhưng tôi cũng tin rằng, những cơ hội mới sẽ đến, những chuyển biến tích cực ở nhiều khía cạnh khác cũng sẽ diễn ra.


Ví dụ, cuối tháng 9 năm ngoái (2021), tôi có tổ chức một buổi hội thảo “Ai góp ý giơ tay” để nhằm đưa ra những đề xuất thay đổi Luật điện ảnh. Tại thời điểm đó, nhiều người nói với chúng tôi rằng: tại sao lại làm cái này, cũng có thay đổi được gì đâu, tại sao lại biến mình trở thành kẻ thù của những người có quyền… Bản thân tôi là người sống với lý tưởng hồn nhiên, nghĩ rằng điều mình làm là đúng và mình làm cho một tương lai tốt đẹp hơn thì cứ làm thôi. Đợt phim Tết vừa rồi, nhiều người cũng thắc mắc rằng sao phim Việt dạo này thoáng thế, những bộ phim như “Bẫy ngọt ngào", “Chuyện ma gần nhà”... đều không bị cắt. Nhưng không nhiều người nhớ rằng, ngay trước đấy đã có một cuộc đấu tranh và rõ ràng, những quan điểm ý kiến được chúng tôi đưa ra tại hội thảo đã được Cục điện ảnh lắng nghe một phần nào đó. Đó là những tín hiệu tốt cho những sự thay đổi. Vậy nên tôi tin rằng, nếu như tất cả mọi người có một niềm tin rằng, điện ảnh Việt Nam có thể phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn, những sự thay đổi tích cực chắc chắn sẽ diễn ra. Miễn là chúng ta phải thực sự làm một điều gì đó.

emagazine image

Cảm ơn những chia sẻ của anh Nhật Linh.

The Influencer rất ngóng chờ được xem “Em và Trịnh” cũng như những bộ phim khác của anh trong thời gian sắp tới.

emagazine image

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa