#Backstage: Nhìn vào bức tranh thị trường điện ảnh Việt Nam

Những “câu chuyện hậu trường” đặc biệt được kể bởi những “nhân vật hậu trường” có tầm ảnh hưởng sẽ mang đến những quan điểm có chiều sâu về điện ảnh mà công chúng không có nhiều cơ hội để lắng nghe, thưởng thức, phản biện.
Mai Chi
21/03/2022
#Backstage: Nhìn vào bức tranh thị trường điện ảnh Việt Nam

Trong những năm gần đây, nền điện ảnh Việt Nam liên tục gặt hái những thành tựu đầy triển vọng. Đơn cử, Bố già - bộ phim đạt kỷ lục doanh thu trong nước với con số 420 tỷ đồng ấn tượng - đã cho thấy bước tiến đáng nể khi chinh phục các thị trường quốc tế như Singapore, Malaysia, Melbourne, hay nhiều thành phố lớn của Mỹ như California, Texas, New York, Washington… 

Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam cũng nhận được cái gật đầu của các nhà phát hành phim nước ngoài. Lật mặt 5: 48h xuất hiện tại Mỹ, Canada, Australia; Thiên thần hộ mệnh của đạo diễn tài ba Victor Vũ cũng “chào sân” khán giả Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Ireland, Czech, Australia cùng một số nước trong khu vực ASEAN. Dù chưa chính thức ra mắt tại nước nhà, dự án phim kinh dị Bóng đè của đạo diễn Lê Văn Kiệt cũng “chắc suất” phát hành tại 25 quốc gia. Không dừng lại ở đó, các sự kiện điện ảnh quốc tế có chuyên môn và uy tín cũng bắt đầu xuất hiện “dấu chân” của các nhà làm phim Việt. Điển hình là thắng lợi đầy danh giá của Ròm với giải thưởng New Currents Award tại LHP Quốc tế Busan. Đây là những dấu hiệu cho một “kỷ nguyên mới” của điện ảnh Việt - khi những tác phẩm của Việt Nam, do người Việt Nam chắp bút, mang hơi thở và “quốc hồn” đất Việt tạo được chỗ đứng trên thị trường điện ảnh quốc tế nói chung và trong lòng khán giả quốc tế nói riêng. 

Tuy nhiên, với sự “tấn công” đầy bất ngờ của dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm qua, toàn ngành công nghiệp sản xuất phim ảnh thế giới chao đảo. Nhiều dự án phim bom tấn đầy tiềm năng chịu cảnh “đắp chiếu”, hoãn chiếu, hoãn đầu tư, thậm chí bị hủy vô thời hạn. Vốn là “tụ điểm vui chơi” sôi động, các rạp chiếu phim rơi vào cảnh “vườn không nhà trống”: Không phim mới xếp hàng ra mắt, không khán giả tấp nập ghé thăm. 


Quill Cloud

Mùa hè tháng 5/2021 đã qua đi trong sự nuối tiếc của các nhà sản xuất, nhà phát hành, đoàn làm phim và những người ủng hộ phim Việt khi các thành phố lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội lần lượt tạm dừng hoạt động các rạp chiếu phim và nhiều dịch vụ không thiết yếu khác. Những bộ phim như Thiên thần hộ mệnhTrạng Tí chỉ kịp thu về 40 tỷ đồng và 20 tỷ đồng trước khi ngừng chiếu. Có tới hơn 15 bộ phim chiếu rạp đã được nhà sản xuất quảng bá rầm rộ, sẵn sàng cho ngày công chiếu phải hoãn lại chờ lịch phát hành mới như Bẫy ngọt ngào, Rừng thế mạng, Người lắng nghe, 578: Phát đạn của kẻ điên, 1990, Chìa khóa trăm tỷ, Dân chơi không sợ con rơi, Bí mật thiên đường, Người tình, Tim hằn vết sẹo… gây không ít khó khăn cho ngành điện ảnh.

Nhận định về bức tranh điện ảnh Việt Nam nửa đầu năm 2021, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho hay: "Trước đây phim bình thường kiếm doanh thu 10 tỷ, 20 tỷ dễ dàng ở thị trường Việt Nam. Nhưng trong năm vừa rồi phim ở mức vậy ở mức thấp. Phim thất bại thảm hại tăng lên nhiều. Quá trình này tiếp tục diễn ra khi cạnh tranh của nền tảng trực tuyến càng phát triển khi khán giả họ có thể ở nhà xem phim chất lượng cao tại sao họ lại ra rạp xem phim chất lượng tồi mất thời gian, tiền bạc".

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc năm 2021 của điện ảnh Việt chỉ toàn những gam màu u tối. Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, vẫn còn đây những tác phẩm “vượt lên số phận” để chạm tới những kỷ lục doanh thu đáng tự hào. Thành công vang dội nhất thuộc về Bố già - bộ phim do Trấn Thành và Vũ Ngọc Đăng đồng đạo diễn, do chính Trấn Thành thù vai chính - với những lần xác lập kỷ lục phòng vé lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Với doanh thu ấn tượng 420 tỷ đồng, Bố già xứng đáng với danh xưng “phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại”. Không chỉ chiến thắng về doanh thu, kịch bản của Bố già cũng nhận được sự khen ngợi của giới chuyên môn, với 4 giải thưởng quan trọng tại LHP Việt Nam lần thứ 22. 

Quill Cloud

Cùng với Bố già, Lật mặt 48h Gái già lắm chiêu V cũng cho thấy những điểm sáng trong bức tranh tương đối ảm đạm của nền điện ảnh Việt thời dịch. Sau 2 lần dời lịch chiếu do dịch, bộ phim của đạo diễn Lý Hải chính thức cán mốc 150 tỷ đồng chỉ sau 2 tuần khởi chiếu. Thành tích này đánh dấu mức doanh thu cao nhất trong toàn bộ 5 phần của series Lật mặt, cho thấy uy tín của “thương hiệu” Lý Hải cùng năng lực và tâm huyết ngày một đi lên của nam đạo diễn qua các phần. Với Gái già lắm chiêu V, dù không đạt được mức doanh thu như kỳ vọng - xét về khía cạnh thương hiệu của series ăn khách này, bộ phim vẫn được ghi nhận tích cực về yếu tố chuyên môn với thành tích 3 cúp vàng tại LHP Việt Nam. 

Với tín hiệu đáng ăn mừng từ việc mở cửa rạp chiếu phim tại TP.HCM vào 19/11/2021 và mới đây, các rạp tại Hà Nội từ 10/02/2022, năm 2022 là một năm đáng mong chờ của điện ảnh Việt Nam với tổng cộng 25 phim Việt dự kiến ra mắt công chúng với đa dạng thể loại: hành động, kinh dị, gia đình, hài, tình cảm và tâm lý, bao gồm cả những bộ phim đã dời lịch hoặc hoãn chiếu trong 2021 quay lại rạp chiếu phim như 1990, Chìa khóa trăm tỷ, Trạng Tí phiêu lưu ký, Em và Trịnh, Thanh Sói


Quill Cloud

Không nền công nghiệp nào có thể tồn tại mà không có thị trường, và điện ảnh không nằm ngoài thực tế đó, khi thị hiếu khán giả Việt chính là nền móng vững chắc để nền công nghiệp phim ảnh Việt Nam soi chiếu theo và phát triển bền vững hơn trong tương lai. Trước khi dịch bệnh xảy ra, đến rạp phim đã trở thành một hình thức giải trí vô cùng quen thuộc; hàng ngàn thanh niên Việt đi xem phim tại các cụm rạp như CGV, Lotte vào cuối tuần đã trở thành điều hết sức bình thường. Điện ảnh và rạp chiếu phim đã trở thành “cặp bài trùng” giải trí của người tiêu dùng Việt Nam. 

Đáng nói, khi điện ảnh Việt mới “chập chững” những bước tiến đầu tiên vào sân chơi quốc tế, thị trường nội địa chính là “cơ hội sống còn” gần như duy nhất của các tác phẩm Việt. Và như thể, khán giả Việt Nam có vai trò tối quan trọng trong sự thành bại của mọi bộ phim chiếu rạp. Các kế hoạch truyền thông cho dự án phim mới phải phóng chiếu theo thị hiếu và nhu cầu của khán giả, lịch chiếu phim tại rạp được điều chỉnh theo mức độ yêu thích và dữ liệu “chi tiền” của người xem. Do đó, chúng ta cần, và luôn cần nhiều hơn những bộ phim Việt chất lượng để tạo niềm tin cho khán giả, khiến họ có cái nhìn tích cực và thái độ mong chờ hơn với các bộ phim Việt, được sản xuất bởi các nhà đạo diễn và nhà sản xuất Việt. 

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, “Việt Nam hiện đang có một nền tảng hạ tầng kỹ thuật cho điện ảnh rất tốt và một thị trường đang lên.”

Môi trường điện ảnh Việt Nam và địa hạt mơ ước của nhiều nhà làm phim nước ngoài, và là mảnh đất màu mỡ để các tài năng trẻ nắm bắt, tận dụng và phát triển.

“Các nhà làm phim Việt Nam cùng với những xuất phẩm của mình, phải đưa ra cho thế giới những hình ảnh mới mẻ về đất nước và con người Việt Nam [...] vẽ ra được những chân dung chân thực, đa chiều về Việt Nam hôm nay.”

Đó là nhiệm vụ lớn của nền điện ảnh Việt - thể hiện tính cách riêng biệt và tiếng nói đặc thù của Việt Nam trong nền điện ảnh thế giới thông qua những “di sản” của các thế hệ làm phim. 



Quill Cloud

Nền điện ảnh Việt Nam đã trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Trong khoảng thời gian 2016-2019, Việt Nam có khoảng 42-56 phim được phát hành tại rạp hàng năm. Năm 2020, khi dịch Covid chính thức bùng phát, các rạp phim Việt chỉ có khoảng 24 phim được chiếu. Năm 2021, số lượng dự án phim còn ít ỏi hơn nữa; hầu hết đều dời lịch chiếu sang 2022 hoặc chưa ấn định ngày chính thức xuất hiện, do những bất ổn trong tình hình dịch bệnh. Việc các rạp phim phải tạm ngừng hoạt động do quy định giãn cách xã hội cũng khiến cho thị trường điện ảnh “lao đao”. 

Cho đến đầu năm nay, những dấu hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện trở lại. Rạp chiếu phim chính thức được mở cửa, những bộ phim mới được ra mắt, các dự án tiềm năng rục rịch ấn định ngày ra mắt công chúng. Các phòng chiếu công chiếu các bộ phim bom tấn luôn kín chỗ cho những suất chiếu giờ vàng dịp cuối tuần. 

Trong bối cảnh khởi sắc của thị trường điện ảnh Việt Nam, The Influencer khởi xướng chiến dịch #BackStage, với mong muốn tìm hiểu những câu chuyện sau ánh hào quang màn ảnh, những nhân vật làm những công việc thầm lặng phía sau một bộ phim. Họ có thể không xuất hiện trong bất cứ cảnh quay nào, không được báo chí quan tâm như những diễn viên chính, nhưng không có họ, bộ phim sẽ không thể được thành hình. 

Quill Cloud

Trong khuôn khổ chiến dịch, The Influencer có cơ hội trò chuyện với những người có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng nói chung và thị trường điện ảnh nói riêng. Những “câu chuyện hậu trường” của họ chính là bước đệm để nâng cao nhận thức xã hội về lĩnh vực điện ảnh, mang đến những quan điểm có chiều sâu về điện ảnh mà công chúng không có nhiều cơ hội để lắng nghe, thưởng thức, phản biện. 


Bài phỏng vấn đầu tiên của chiến dịch #Backstage sẽ chính thức ra mắt vào 9h ngày 24/03/2022 trên trang tin và các nền tảng mạng xã hội của The Influencer. Thân mời bạn đón đọc và chia sẻ quan điểm! 

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa