Nếu văn học phản ánh hiện thực thì điện ảnh chính là “văn học" ở dạng sắc nét và hiện thực hoá qua hình ảnh sống động trên màn hình thay vì chỉ nằm trong trí tưởng tượng của con người.
Bàn về những bộ phim nặng đô nhất đối với diễn viên trong giới điện ảnh, có lẽ đó là những bộ phim mô tả tâm lí nhân vật phức tạp, phim về nhân vật có thật hay dựa trên câu chuyện có thật. Diễn viên thành công chính là biến nhân vật của mình thành phiên bản sống động nhất bước ra khỏi trang giấy, kịch bản.
Điện ảnh không chỉ đơn thuần là nghệ thuật, điện ảnh là tấm gương soi chiếu cuộc sống. Đã có nhiều bộ phim khắc họa lại những nhân vật có sức ảnh hưởng ghi dấu trong lòng khán giả, tiêu biểu phải kể đến chính là màn hóa thân xuất sắc của Eddie Redmayne trong hai bộ phim huyền thoại về cuộc đời nhà vật lý học Stephen Hawking (The Theory of Everything) hay Lili Elbe, một trong những người đầu tiên được biết tới đã giải phẫu chuyển đổi giới tính (The Danish Girl).
Bên cạnh đó, các bộ phim lột trần những vấn nạn xã hội dựa trên câu chuyện có thật được đánh giá cao nhờ tiếng nói nhân quyền mạnh mẽ, có thể kể đến nạn ấu dâm trong Hope (2013) hay vụ cưỡng bức rúng động Hàn Quốc trong Don’t Cry Mommy (2012). Không chỉ vậy, chuỗi phim lên án về bạo lực học đường cũng được các nhà làm phim tập trung khai thác, nhiều tác phẩm gây ấn tượng như Reasons Why (2017), Cyberbully (2015), Angry Mom (2015), Silenced (2011)...
Không chỉ tái hiện lại sự kiện có thật đã từng xảy ra, các bộ phim còn được xây dựng thêm những chi tiết mới để truyền tải thông điệp nhân văn đến với người xem, góp tiếng nói của nghệ thuật vào đời sống.
Sự lột xác và lối diễn đa dạng chính là thước đo cho các diễn viên hạng A. Nhiều ngôi sao lớn của vũ trụ điện ảnh Hollywood nền điện ảnh châu Á đã từng hy sinh cả ngoại hình, thậm chí là sức khoẻ thể chất và tinh thần để có thể hoàn thành trọn vẹn vai diễn của mình. Dưới đây là một số ví dụ điển hình về sự “xả thân” hết mình vì vai diễn của các diễn viên nổi tiếng thế giới.
Leonardo DiCaprio trong The Revenant (2015): Leonardo DiCaprio nhận tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp nhờ The Revenant. Tuy nhiên, tài tử khó có thể quên được trải nghiệm khi đóng phim. “Chàng Jack” phải nhai gan bò rừng sống, qua đó phá bỏ chế độ ăn chay mà bản thân theo đuổi. Làm việc ở cái lạnh -30 độ C khiến anh phải làm mọi thứ để không bị hạ thân nhiệt hay mắc bệnh. Bộ da gấu mà DiCaprio mặc bị ngấm nước sau nhiều lần đắm mình dưới sông khiến việc di chuyển trở nên khó khăn hơn gấp bội. Chẳng có gì ngạc nhiên khi tài tử phải nghỉ ngơi vài năm sau The Revenant và chỉ mới tái xuất màn ảnh qua Once Upon a Time in Hollywood (2019).
Anne Hathaway trong Les Misérables (2012): Nhân vật Fantine trong Les Misérables nổi tiếng bi kịch khi cô buộc phải bán thân xác, rồi cả răng lẫn tóc để nuôi con gái. Dù là người đề nghị cạo đầu thật với đạo diễn Tom Hooper, Anne Hathaway lại không hề chuẩn bị cho chấn thương tâm lý sau đó. Cùng việc giảm hơn 11kg, cô liên tục ngồi trong không gian tối để thực sự cảm nhận nỗi đau của Fantine. “Miêu nữ” mô tả hậu quả trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Tôi rơi vào tình trạng tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi về nhà, tôi bị choáng ngợp trước sự hỗn loạn của thế giới này. Tôi đã mất nhiều tuần để tìm lại chính mình”. Vai diễn cuối cùng mang về cho Hathaway giải Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc.
Heath Ledger trong The Dark Knight (2008): Một trường hợp nổi tiếng của việc vai diễn gây tác động lớn đến diễn viên chính là Heath Ledger. Để hóa thân thành Joker trong bom tấn của Christopher Nolan, cố tài tử đã nhốt mình trong phòng khách sạn suốt một tháng và viết nhật ký từ câu chuyện quá khứ cùng các ghi chú về tên tội phạm thành phố Gotham. Ledger cũng tiết lộ trong một bài phỏng vấn rằng anh không thể ngừng suy nghĩ và chỉ ngủ hai tiếng một ngày. Ngay cả khi bản thân đã kiệt sức, đầu óc anh vẫn tiếp tục hoạt động. Vài tháng trước khi phim chính thức ra mắt, nam diễn viên qua đời do dùng thuốc quá liều.
Jamie Foxx trong Ray (2004): Khi được chọn đóng chính trong bộ phim tiểu sử về Ray Charles, Jamie Foxx phải thay đổi rất nhiều để thể hiện trọn vẹn hình ảnh nghệ sĩ nhạc soul. Anh giảm đến gần 14kg, nhưng cân nặng không phải là thử thách lớn nhất. Ray Charles bị mù từ năm bảy tuổi. Do đó, tài tử da màu quyết định gắn mí mắt giả để đánh mất thị giác thực sự thay vì chỉ đeo kính râm. Foxx buộc phải nhắm mắt 14 tiếng một ngày, nhiều lúc cảm thấy hoảng loạn do chứng sợ không gian kín. Thần kinh của nam diễn viên cứ thế trở nên yếu ớt dần trong quá trình ghi hình.
Adrien Brody trong The Pianist (2002): Cách Adrien Brody vào vai nghệ sĩ dương cầm Władysław Szpilman là điều hiếm có diễn viên nào dám thử. Anh đã bán toàn bộ nhà cửa, xe hơi, rồi chia tay bạn gái lâu năm để thực sự thấu hiểu cảm giác đánh mất tất cả của nhân vật. Khoảnh khắc khủng khiếp khi Szpilman chứng kiến mọi thứ thân thuộc sụp đổ đã mang về tượng vàng Oscar cho tài tử. Suốt một năm sau khi The Pianist ra mắt, Brody rơi vào trạng thái trầm cảm. Nam diễn viên đồng thời phải tìm cách phục hồi thể lực sau thời gian dài ăn uống thiếu chất.
Chris Hemsworth trong In the Heart of the Sea (2015): Chris Hemsworth thực sự khiến công chúng sốc nặng khi từng chia sẻ hình ảnh gầy guộc, tóc tai bù xù của anh khi vào vai một thủy thủ cố gắng sinh tồn suốt 90 ngày trên biển. Trong bốn tuần, Chris Hemsworth đã giảm khoảng 15kg bằng cách chỉ nạp vào cơ thể 500 calories một ngày với trứng luộc và salad. Sau khi quay Heart of the Sea, nam tài tử lập tức phải tăng cân và tăng cơ trở lại để tiếp tục vào vai Thor trong Avengers: Age of Ultron (2015).
Nicole Kidman trong Moulin Rouge! (2001): Nicole Kidman từng bị ngã gãy xương trên phim trường Moulin Rouge!. Xương sườn vừa lành, người đẹp gặp chấn thương tương tự khi yêu cầu tổ phục trang thít chiếc corset đang mặc chặt hết cỡ. “Thiên nga Australia” mong nàng Satine mong manh, kiều diễm của mình có được vòng eo con kiến chỉ 48cm như Scarlett O’Hara trong Gone with the Wind (1939).
Tạm kết:
Các diễn viên quốc tế khẳng định đẳng cấp của mình khi có thể hoá thân xuất thần với đa dạng vai diễn khiến khán giả bất ngờ vì không nhận ra diện mạo trước đó. Hiện nay, một cái tên đình đám đang nổi lên trong giới điện ảnh đó chính là Hàn Quốc. Có thể thấy, điện ảnh Hàn không chỉ thành công bởi sự chỉn chu về kịch bản, đầu tư bối cảnh mà còn bởi sự “nhập vai” xuất sắc của diễn viên. Gần đây nhất phải kể đến nữ diễn viên Lee Yeon gây sốt cộng đồng yêu phim khi vào vai cậu bé tội phạm 13 tuổi trong Toà án vị thành niên. Quay lại với nền công nghiệp phim ảnh Việt, chúng ta đã có những dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn chưa đủ sâu và sắc về cả nội dung lẫn hình ảnh cũng như bị còn gặp nhiều giới hạn kiểm duyệt để có thể bứt phá. Việt Nam cần xem xét và có những bước đi vượt khỏi “vùng an toàn” trong tương lai.