#Backstage - Biên kịch Minh Kiên: “Nếu MV hay, bài hát cũng trở nên đáng nhớ hơn”

“Mình đến với việc viết với một lý do đơn giản : Được sáng tạo từ hai thứ cơ bản nhất, là giấy trắng và câu chữ…”
Eloise
16/05/2023
#Backstage - Biên kịch Minh Kiên: “Nếu MV hay, bài hát cũng trở nên đáng nhớ hơn”

Biên kịch Minh Kiên ghi dấu ấn với khán giả Việt qua các sản phẩm giải trí như MV Ez Papa (JustaTee), Có Ai Thương Em Như Anh (Tóc Tiên), Hết Thương Cạn Nhớ (Đức Phúc), Shay Nắng (AMEE),... và các dự án thương mại: Một Điều Chưa Nói (PUBG Mobile Việt Nam), Lời Bố Hứa (Viettel),... Trong mảng sáng tạo và chỉ đạo nghệ thuật, Minh Kiên cũng ghi dấu ấn với dự án quảng cáo cho ViettelPay, Panasonic, The Pizza Company, Realme. Chia sẻ cùng The Influencer, Minh Kiên hồi tưởng về bước ngoặt đến với viết lách và hành trình tìm ra công thức sáng tạo uy tín để khán giả thích thú tới tận cuối video. 

Từ chàng hướng dẫn viên du lịch ôm mộng làm phim…

Trước đây Minh Kiên theo học chuyên ngành gì? Liệu đó có phải một ngành học liên quan đến phim ảnh và nghệ thuật?

Mình theo học một chuyên ngành hoàn toàn không liên quan đến phim ảnh và nghệ thuật: Du lịch. Mình yêu thích phim ảnh từ khi còn học cấp hai và duy trì sở thích đó bằng cách viết những bài chia sẻ quan điểm cá nhân về phim. Cứ như vậy cho tới khi mình nhận ra, bản thân luôn tự nhận thích phim ảnh, mê nghệ thuật nhưng chưa bao giờ dám làm điều gì phục vụ cho đam mê ấy. “Như vậy là quá hèn nhát…” - mình đã nghĩ như thế trong suốt thời gian chuẩn bị tốt nghiệp Đại học và e sợ một ngày nào đó trong tương lai sẽ nuối tiếc, dằn vặt bởi không có cơ hội chạm đến lĩnh vực mình yêu thích. 

Cơ duyên trở thành biên kịch tới khi mình biết đến cuộc thi phim ngắn cho những “tay ngang” như mình. Mình thành lập một nhóm đầy đủ các vị trí trong đoàn phim để tham gia cuộc thi. Nghe đến đây chắc hẳn bạn đang tưởng tượng một “happy ending” với giải xuất sắc, đứng trên bục vinh quang với hoa tươi và những lời chúc mừng nhưng không, nhóm mình ra về trắng tay (cười). Tuy vậy, mình nghĩ rằng đã chiến thắng bản thân một cách thuyết phục tại giải phim này bởi kịch bản đầu tay khi ấy chính là bước ngoặt để mình trở thành một biên kịch. 

Đối với Kiên, ý tưởng đến từ đâu?

Nếu là một sản phẩm quảng cáo thì ý tưởng đến trực tiếp từ đề bài (brief) của khách hàng. Đề bài đã có sẵn thông tin về sản phẩm, mong muốn của nhãn hàng và mục đích của chiến dịch, sản phẩm. Đây là nguồn ý tưởng chính xác và đầy đủ nhất cho một kịch bản quảng cáo. 

Đối với những sản phẩm khách hàng để mình thỏa sức sáng tạo, ý tưởng chính là tất cả những gì mình thấy được truyền cảm hứng mỗi ngày. Đó có thể là hình ảnh hết sức đời thường: gia đình quây quần bên bữa cơm chiều, nắng hạ chiếu qua ô cửa sổ,... cho tới ý tưởng từ truyện tranh, video, hình ảnh hoặc một chi tiết rất nhỏ mình đã từng nghe thấy, nhìn thấy trên mạng. Đôi khi xem lại những bản thảo, sản phẩm cũ, mình cũng nảy ra một vài ý tưởng hay ho. 

Vậy khó khăn khi biến ý tưởng thành một kịch bản hoàn chỉnh là gì?

Ý tưởng là viên gạch đầu tiên, là gốc rễ, là vạch xuất phát của một sản phẩm hoàn thiện. Vậy nên nó rất ngắn gọn, dễ hiểu, thú vị, mới nghe sẽ thấy khả thi và dễ thực hiện. Tuy nhiên khi triển khai thành kịch bản hoàn chỉnh cần phải có câu chuyện, có mở đầu, có diễn biến và kết thúc, có nhân vật, có tình huống. Mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn gấp hàng nghìn lần ý tưởng ở trang nháp. Điều đó đồng nghĩa với việc mình phải chấp nhận khi hoàn thiện kịch bản chi tiết, đó không còn là ý tưởng, ấn tượng ban đầu nữa. 

Làm kịch bản quảng cáo khá nhiều, Kiên có một công thức cụ thể nào với thể loại này không?

Như mình đã nói bên trên, mỗi kịch bản quảng cáo có một đề bài riêng, đồng nghĩa với việc sẽ có những yêu cầu riêng, sản phẩm riêng, tính cách thương hiệu riêng và cả người đại diện nhãn hàng cũng có gu rất riêng. Chẳng có một công thức nào có thể giải được tất cả các bài toán sáng tạo. Có chăng, đó chính là luôn giữ tinh thần làm tốt nhất có thể trong mọi dự án để bản thân và khách hàng cảm thấy thỏa mãn với kết quả cuối cùng.

So với âm nhạc hay các loại hình nghệ thuật khác, phim ảnh khó chạy theo xu hướng thịnh hành vì đòi hỏi nhiều khâu sản xuất. Vậy có phải cứ “chạy theo trend’ đồng nghĩa với ‘lạc hậu’ không?

Nửa có nửa không. Thời đại bây giờ “trend” đến và đi rất nhanh, có “trend” chỉ tồn tại 3 ngày, cũng có “trend” tuổi thọ tới nửa tháng. Trong khi đó, các sản phẩm phim ảnh đòi hỏi quá trình chuẩn bị tương đối dài từ khâu lên ý tưởng, hoàn thành kịch bản tới casting (tuyển diễn viên), ghi hình và hậu kỳ. Nếu lựa chọn “đu trend”, đến khi sản phẩm hoàn thành liền trở thành bộ phim “hết hạn sử dụng”. Tuy nhiên, nếu biết tiếp cận xu hướng đó khác đi, khai thác chúng ở một góc độ phù hợp với câu chuyện, lựa chọn tỉ lệ xuất hiện hợp lý là có thể đưa chi tiết ấy vào sản phẩm một cách duyên dáng và khéo léo. 

… tới công thức sáng tạo “uy tín” cho hàng loạt MV đình đám làng nhạc Việt 

Mình thấy Kiên có hai khách hàng chính là nghệ sĩ và nhãn hàng. Sự khác biệt khi làm việc cùng hai vị khách này thế nào?

Nghệ sĩ là một cá nhân, nhãn hàng là một tập thể. Nghệ sĩ có sự nhạy cảm, bay bổng nên dễ đồng điệu, thấu hiểu và sẵn sàng thử những ý tưởng mới lạ thậm chí điên rồ của mình. MV hay, bài hát cũng trở nên đáng nhớ hơn. Đặc biệt, do đặc thù công việc của các bạn khá bận rộn nên mình chỉ trao đổi khoảng 1-2 lần về kịch bản cho tới khi hoàn thành sản phẩm.

Ngược lại, tự do sáng tạo sẽ bị giới hạn khi mình đã có đề bài cụ thể cho trước. Các nhãn hàng mong muốn nhận lại một ý tưởng táo bạo, hay ho nhưng vẫn phải đảm bảo sự phù hợp với hình ảnh, tính cách của thương hiệu. Họ quan tâm nhiều về sự xuất hiện của sản phẩm trong câu chuyện, thông điệp gắn với hình ảnh của thương hiệu ra sao. Quá trình làm việc cũng rất khác biệt. Vì phải làm việc với một tập thể chuyên nghiệp nên từ khâu ý tưởng đến phác thảo kịch bản, hoàn thiện các chi tiết đều phải thuyết trình qua các buổi họp để mọi người có cái nhìn tổng quan đầy đủ.

Về mặt chi phí thì sao, có sự chênh lệch giữa hai bên này chứ?

Không, mặt chi phí thường như nhau. Tuy nhiên, khi nghệ sĩ không có quá nhiều kinh phí cho việc sản xuất MV và mình cảm thấy hứng thú và yêu thích sản phẩm đó, mình sẵn sàng giảm phần lớn chi phí, thậm chí không lấy thù lao phần kịch bản để hỗ trợ các bạn. Còn đối với nhãn hàng, chi phí cố định cho một kịch bản đã nằm trong ngân sách của chiến dịch nên mặt tài chính thường không có nhiều thay đổi.

Ngoài là một biên kịch, Kiên còn là một đạo diễn sáng tạo cho một số MV/ TVC quảng cáo. Hai vị trí này có sự thay đổi và khác biệt thế nào?

Khi mình là biên kịch, công việc của mình là triển khai ý tưởng thô sơ ban đầu của khách hàng thành một câu chuyện chi tiết, thêm thắt tình huống, hoàn chỉnh nhân vật. Đảm nhiệm vị trí đạo diễn sáng tạo, mình sẽ phải trực tiếp tham gia vào phần xây dựng ý tưởng ban đầu, lên định hướng sáng tạo mình thấy phù hợp với dự án và chỉnh sửa cùng team. 

Ở thời điểm hiện tại, sau 9 năm làm nghề - bạn cảm nhận thế nào về sự thay đổi thị hiếu của khán giả ở Việt Nam qua từng giai đoạn?

Khán giả đã thông minh hơn rất nhiều. Cách đánh giá của người xem về quảng cáo vừa khắt khe vừa cởi mở hơn. Mọi người sẵn sàng đón nhận nếu câu chuyện quảng cáo đủ thú vị, đủ cảm xúc chứ không phòng thủ, định kiến đến nỗi thấy quảng cáo là lập tức bỏ qua như trước đây. Về sản phẩm nghệ thuật, mình thấy khán giả - đặc biệt là thế hệ gen Z có kiến thức và cảm nhận rõ ràng với từng loại hình nghệ thuật khác nhau, họ đưa ra những nhận xét, quan điểm cá nhân rất sâu sắc, chứng tỏ tầm hiểu biết sâu rộng chứ không chỉ đơn thuần là bình luận khen chê thường thấy. 

Bạn thấy bản thân mình đang ở giai đoạn nào trong sự nghiệp? Kiên có ý định sẽ lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh hoặc truyền hình và đang “thai nghén” một kịch bản nào đó chăng?

Sau hơn 9 năm làm nghề, thú thực mình cảm thấy bản thân vẫn đang ở vạch xuất phát của sự nghiệp. Bởi vì có rất nhiều ý tưởng, thể loại mới mình muốn thử nhưng chưa có cơ hội thực hiện. Mình rất muốn được hợp tác với các hãng phim truyền hình và dự án điện ảnh. Khoảng 5-6 năm trước, Kiên đã chắp bút một bản thảo của riêng mình, tuy nhiên do công việc bận rộn và tính trì hoãn nên mình vẫn chưa hoàn thành. Rất mong có thể sớm ra mắt tác phẩm này và được mọi người đón nhận!

Cảm ơn Minh Kiên vì cuộc trò chuyện này và rất mong chờ được thưởng thức thêm những dự án tiếp theo của bạn trong tương lai.

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa