Tranh của Nguyễn Ngọc Liêm luôn mang đến cho người xem một cảm giác dễ chịu. Gọn gàng, tĩnh lặng và nhẹ nhàng, những xúc cảm và rung động rất tinh tế của đời sống được Nguyễn Ngọc Liêm đưa vào tranh một cách đầy xúc tích. Một bông hoa, một đĩa quả, một khung cửa sổ giữa trưa hè hay một mỏm đá vững chãi giữa biển khơi,... tất cả đều là những mảnh ghép nhỏ bé từ bức tranh đời sống nhiều ngổn ngang, giống như cái níu tay thật nhẹ người xem hãy chậm lại và lặng yên quan sát, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi mà!Có lẽ cũng vì thế mà vài năm trở lại đây, Nguyễn Ngọc Liêm là một trong những họa sĩ được các bạn trẻ cực kỳ yêu thích.
Để chạm đến ngày hôm nay là một hành trình không hề dễ dàng, khi Liêm cũng phải trải qua cả một khoảng thời gian dài kiên trì theo đuổi công việc sáng tác đầy thử thách cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó không chỉ là một hành trình vật lộn để tìm cách mưu sinh với hội họa, cân bằng giữa cuộc sống và đam mê - mà còn là hành trình của một người nghệ sĩ chân chính, luôn đau đáu đi tìm ngôn ngữ của riêng mình.
Có thể nói trong hội họa hiện đại, anh là một trong những họa sĩ rất tiên phong trong việc chủ động kể câu chuyện của mình và xây dựng một brand name riêng.
Theo quan điểm của tôi: Để tạo ra một bức tranh mà chỉ đẹp và giống thì là không đủ. Thời còn đi học, điều đó được chấp nhận vì chúng là một phần của việc học tập, sự độc đáo là không cần thiết và được nhường chỗ cho những tiêu chí khác. Barem điểm số khi đó được chia đều có bố cục, màu sắc, không gian, giải phẫu, tính nhịp điệu… và rất ít ở trong đó được dành cho sáng tạo. Vẽ những bức tranh để thỏa mãn những tiêu chí trên cũng không sao, nhưng một bức tranh vượt ra khỏi môi trường học tập thì cần mang trong mình sự độc đáo và tính riêng tư. Thậm chí, tính riêng tư còn cần được đặt lên hàng đầu, nhìn vào phải biết tác giả là ai. Hoặc đôi khi chẳng cần biết tên, nhưng ít nhất cũng cảm nhận được tư duy và cá tính của người vẽ ra bức tranh đó. Một bức chưa đủ thì 10 bức phải thấy được điều ấy. Tôi đã trải qua một thời gian khá vất vả để làm được những thứ mình mong muốn bây giờ. Những bức tranh trước đó của tôi không hề tệ, nhưng chúng chẳng khác gì những bài học ở trường. Vậy nên với tôi chúng không đại diện cho sự sáng tạo.
Việc đi tìm được cái tiếng nói sáng tạo đấy có phải điều đầu tiên và quan trọng nhất mà một người nghệ sĩ trẻ nên làm trong những ngày đầu sự nghiệp của mình?
Tôi không biết các bạn trẻ khác có suy nghĩ thế nào, nhưng với cá nhân tôi thì đó chắc chắn là điều quan trọng nhất. Chúng ta ai cũng có một thế giới riêng, với một đời sống riêng, vậy nên những gì ta truyền tải cũng cần thể hiện được sự riêng tư đó.
Cách trình bày và giải quyết vấn đề thì mỗi người có một cách khác nhau, nhưng tôi nghĩ còn một điều quan trọng nữa, đó là sự lao động chăm chỉ và miệt mài. Làm nghệ thuật giống với mọi ngành nghề khác, phải tích lũy bằng lao động và tin rằng đến một lúc nào đó, sự nỗ lực đấy sẽ bùng phát nhưng với điều kiện rằng mình đã nỗ lực đủ nhiều. Hãy chân thành với cảm xúc và trung thực với con đường của mình. Bạn có thể lòe bịp bất cứ ai nhưng đừng lòe bịp với bản thân mình. Bạn có thể dùng bất kỳ kỹ xảo và thủ thuật để tồn tại với nghề cũng là đáng quý, nhưng đến khi đối diện với bản thân sau một ngày lăn lộn bên ngoài thì hãy chân thành mà tự hỏi: Mình làm vậy đã được chưa? Vẽ tranh như vậy đã được chưa? Tranh mình vẽ được người ta thích, nhưng chính mình đã thấy nó ổn chưa? Tôi luôn mở rộng sự chân thành và trung thực của mình để xem liệu mọi thứ đã đạt đến trạng thái lý tưởng chưa? Tất nhiên, bán được tranh đã là thành công, nhưng ngoài giá trị về mặt thương mại và vật chất, vẫn còn đó giá trị về nghệ thuật và lý tưởng mình theo đuổi mà.
Để có được sự chân thành và trung thực đó, chắc hẳn người nghệ sĩ cần rất nhiều sự tự soi chiếu?
Tôi nghĩ là vậy. Việc tự soi chiếu và dằn vặt sẽ làm cho tác phẩm của bất cứ nghệ sĩ nào cũng có một sức hút và hồn cốt riêng, ý tứ không bị rơi vào phô trương, nhạt nhẽo và nhàm chán. Những tự vấn đó sẽ thổi sức sống vào tác phẩm, và nếu thiếu đi tự vấn, những bức tranh sẽ chỉ là một thứ gì đó lặp đi lặp lại.
Anh nghĩ rằng việc khán giả khi nhìn và tranh của anh và nhận ra: Ồ! Đây là Liêm! - sẽ là một thành công hay một áp lực?
Tôi cho rằng đấy là thành công, bởi tôi luôn muốn một bức tranh có tiếng nói và cá tính của riêng mình, để dẫu không có bảng tên hay chữ ký, nhưng khán giả nhìn vào vẫn biết là tranh của ai. Đối với tôi, đó là một trong những điều thiết yếu nhất để làm nghề, một điều đầu tiên phải có của người nghệ sĩ.
Nhưng đâu đó anh có sợ mình sẽ bị đóng khung khi đề cao sự nhất quán?
Sự đóng khung chỉ xảy ra khi sáng tạo cạn kiệt. Nhất quán không có nghĩa là cũ kỹ và cứ đi theo một lối mòn. Hãy hiểu sự nhất quán ở đây là bạn có một mục tiêu phát triển hợp lý và buộc phải theo đuổi nó. Trên hành trình đó, bạn cần luôn đổi mới, cập nhật và tìm tòi, thử nghiệm để mài giũa cho phương pháp của mình càng ngày càng tinh xảo hơn, nhưng vẫn đảm bảo được việc truyền tải tư tưởng của bạn theo một trình tự bạn đã đề ra cho mình.
Vậy khi đã có một lộ trình nhất quán, thử thách của anh trong sáng tạo ở thời điểm hiện tại là…
Chắc có lẽ là về tâm lý thôi. Là một nghệ sĩ, việc giữ cho mình một tâm lý vững vàng là tối quan trọng. Khi tâm lý bấn ổn, ta không thể làm việc mạch lạc và mạnh mẽ được. Dĩ nhiên sức mạnh về thể chất cũng cần thiết, nhưng sức khỏe về tinh thần, với những suy nghĩ và cảm xúc tác động rất nhiều đến tác phẩm.
Nghệ sĩ lại là những người có tâm lý rất dễ xao động. Tôi không biết mọi người thì sao, nhưng trên phương diện cá nhân thì cảm xúc của tôi rất nhạy cảm và dễ chông chênh.
Có rất nhiều nghệ sĩ hiện đại đã nhận ra những thách thức đó về mặt cảm xúc để rèn cho mình sự kỷ luật.
Tôi cho rằng mình đã rèn luyện được sự kỷ luật đó. Mỗi người sẽ có một khung làm việc và sự thực hành kỷ luật khác nhau, bản thân tôi cũng sẽ dành một khoảng thời gian liên tục để tập trung sáng tác. Tôi đưa ra cho mình những kế hoạch lớn, sau đó triển khai thành những kế hoạch nhỏ và từ đó mới bắt đầu từng bước theo đuổi lộ trình đã đặt ra.
Tôi chưa bao giờ trễ bất cứ một deadline nào một khi đã đưa ra timeline chi tiết với bản thân, hoặc thậm chí đối tác. Đây là yếu tố tiên quyết tôi đặt lên đầu tiên khi làm việc, thậm chí còn hơn cả yếu tố chuyên môn. Đôi khi, chuyên môn về thẩm mỹ sẽ rất khó để phân định, nhưng việc đảm bảo deadline là thứ đầu tiên ta phải làm được, đó là điều tối quan trọng trong bất cứ ngành nghề nào chứ không chỉ nghệ thuật, bởi đó là điều tạo nên uy tín của mỗi người. Tôi coi việc tạo ra sự kỷ luật như vậy sẽ giúp ta có một khung giờ làm việc hiệu quả, tạo được niềm tin cho cộng sự và đối tác. Quan trọng hơn, nó tạo ra năng lượng làm việc khi luôn đốc thúc ta để chạy hết công suất.
Nhưng đôi khi deadline và kỷ luật cũng là kẻ thù của sáng tạo đấy!
Đó là việc người nghệ sĩ phải giải quyết đầu tiên khi bắt tay vào làm việc và tìm ra cách cân bằng. Nếu ta chỉ sáng tạo để đủ số lượng hay tác phẩm ra đời chỉ để đối phó thì rất không nên!
Anh nghĩ điều gì khiến tranh của mình nhận được sự đồng cảm lớn đến vậy với các bạn trẻ?
Có lẽ là tính chân thật và giản đơn xuyên suốt chăng? Tôi không phải người thích đề cập đến những vấn đề hay cách thể hiện quá to tát, thường chỉ thích tiếp cận những điều gần gũi hàng ngày mà thôi. Bên cạnh đó, cách trình bày và kỹ thuật vẽ của tôi cũng truyền tải sự dung dị đó một cách chân thật và nhẹ nhàng nhất. Chắc bởi vậy nên người ta dễ tiếp cận và cảm thấy đồng cảm.
Làm thế nào để sự sáng tạo của anh luôn mới mẻ trong mỗi tác phẩm?
Đó là một vấn đề mà tôi luôn phải tìm tòi: Đơn giản nhưng không được phép đơn điệu. Thống nhất những không được lặp đi lặp lại.
Như đã chia sẻ, với tôi thì mỗi tác phẩm cần phải có sự thống nhất với một tinh thần chung, nhưng chúng phải có một hơi thở và sức sống riêng. Cùng một chủ đề nhưng ta phải khai thác được trăm ngàn cách khác nhau, một bông sen nhưng có thể vẽ thành ngàn bông sen khác nhưng vẫn chung một tinh thần đấy. Đó là câu chuyện về trạng thái, về tinh thần, và góc tiếp cận. Và để làm được, người nghệ sĩ cần có sự trung thực và chân thành để khai thác được sức sống và trạng thái của chủ thể, của bông hoa sen. Chỉ khi làm được điều đó, bức tranh mới tạo ra được sự đồng cảm với người xem. Bởi tranh cũng vậy mà thi ca hay văn chương cũng vậy, đều là cách để người nghệ sĩ bày tỏ một trạng thái hay suy ngẫm của mình.
Vậy những gì anh phơi bày về mình thông qua những bức tranh nói lên điều gì về con người của anh?
Tranh của tôi rất đơn giản, cũng giống tôi là một người không đặt nặng chuyện làm nghệ thuật phải truyền tải những thông điệp thật to tát. Tôi trình bày thế giới, đời sống và suy nghĩ của mình thông qua những hình ảnh và sự vật hàng ngày. Mọi người có thể thấy ở đó cách tôi đối diện với khó khăn hay các vấn đề trong cuộc sống đều rất tinh giản và bình dị. Ngay cả những điều phức tạp tìm đến tôi cũng sẽ đơn giản hóa chúng, giải quyết từ dễ đến khó. Quá trình đấy diễn ra không hề dễ dàng, ta buộc phải đầu tư vào tư duy và suy nghĩ, phải chọn lọc làm sao để khi đến bước cuối cùng, đọng lại vẫn là những gì cốt lõi nhất. Một bức tranh đạt yêu cầu với tôi phải thật sự mạch lạc và ít công sức bỏ ra. Càng ít công sức vẽ mà càng mạch lạc về nội dung thì càng đạt yêu cầu.
Nhân nói về đạt yêu cầu: Tác phẩm mà anh cảm thấy tự hào nhất từ trước đến giờ là tác phẩm nào?
Chắc là sẽ không có tự hào nhất đâu, chỉ có một bức tranh là cột mốc bẻ ngoặt sự nghiệp của tôi thôi. Đó là một bức tranh đã giải đáp được mọi khúc mắc trước đây của tôi với công việc này. Bức tranh đó vẽ phong cảnh đối diện phòng vẽ của tôi, với một bức tường nhà màu vàng của người hàng xóm. Mọi thứ rất đơn giản nhưng càng nhìn lại càng thú vị. Sự đơn điệu và nhàm chán đó nhìn một lúc lại tạo ra giá trị và vẻ đẹp riêng. Bức tranh đó đánh dấu điều mà trước đây tôi không làm được: Tạo ra những nét vẽ rất mảnh, dài và đều, đi theo một tuyến tính và kỷ luật như cách tôi đặt ra cho mình. Một nét vẽ không chỗ to hay nhỏ mà phẳng tuyệt đối như được vẽ bằng AI. Đó là một bức vẽ mà tôi cho rằng tương đối đặc biệt, thậm chí đặc biệt nhất trong suốt sự nghiệp của tôi từ trước đến nay.
Nhắc đến hội họa, nhiều người vẫn nghĩ rằng đây là một lĩnh vực có phần cực đoan hơn những mô hình nghệ thuật khác. Theo anh, sự cực đoan đó là điều nên giữ để hội họa có một cộng đồng chất lượng và cao cấp, hay ta nên cởi mở hơn để hội họa có thể trở nên đại chúng và ai cũng có thể tiếp cận dễ dàng?
Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng mọi câu trả lời ở đây đều dựa trên một góc nhìn cá nhân, của riêng tôi và không là mẫu số chung cho bất cứ ai. Tôi nghĩ, nghệ thuật cực đoan là điều bắt buộc phải có. Nhưng cực đoan không được sự một sự bảo thủ mà nên là thứ gì đó công chúng có thể tiếp cận. Ta có một lý tưởng bất di bất dịch nhưng vẫn nên để cho công chúng một khoảng không để chạm tới. Nói nôm na thì nó cũng giống như kể chuyện - kể một câu chuyện hay thế nào cho người ta hiểu mới là tốt nhất. Biết mình làm gì và trình bày ra sao để cả những người bình dân nhất cũng hiểu chứ không chỉ những người trong giới mới hiểu được. Quan điểm của tôi là một khi bức tranh đã tìm đường ra tới công chúng, thì một người ở bất kỳ ngành nghề nào khác cũng có thể đồng cảm.
Anh có nghĩ là để tìm được một điểm cân bằng giữa sự cực đoan của mình và sự đồng cảm của khán giả - đâu đấy cần một chút may mắn?
Tôi nghĩ bất cứ thứ gì mình đạt được cũng cần may mắn hết, không chỉ là sự cân bằng giữa cái cực đoan của mình và góc nhìn của khán giả đâu. Trước đây, tôi vốn không tin vào may mắn, nhưng đến một thời điểm thì tôi đã bắt đầu tin vào nó rồi. Việc lao động dĩ nhiên chiếm một phần rất lớn, tới 90% của cả quá trình, nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần thôi. May mắn là điều kiện đủ để hoàn thiện hành trình đấy. Nhưng lạ kỳ ở chỗ, may mắn chỉ đến với những người lao động cật lực, nó sẽ không dành cho những đối tượng chỉ ngồi chờ nó đến. Có chăng sẽ không bền và biến mất ngay tức khắc, cũng chẳng để lại một giá trị nào quá lớn lao.
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này.