emagazine image
emagazine image
emagazine image
emagazine image
emagazine image

Những ngày đầu năm mới 2025 với chúng tôi rất bận rộn. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ ký cam kết kinh doanh cho năm 2025 – những cam kết đầy thách thức với mục tiêu tăng trưởng rất cao. Chẳng hạn, đơn vị mà tôi trực tiếp phụ trách cam kết đạt mức tăng trưởng hơn 60% trong năm nay.

Trong hai năm qua, chúng tôi đã duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng, khoảng 60-65% mỗi năm. Khi kinh doanh ở quy mô lớn, chúng tôi thường lấy GDP quốc gia làm chuẩn để xây dựng mục tiêu. Ví dụ, nếu GDP Việt Nam năm qua đạt 7%, thì kế hoạch kinh doanh tối thiểu của chúng tôi phải gấp 3 lần con số đó, tức là 21%. Tôi rất vui được chia sẻ rằng, năm 2024 vừa qua, tập đoàn FPT đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khoảng 20%, một kết quả không dễ dàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Tuy nhiên, nếu chúng tôi muốn vươn lên là những đơn vị "làm rất tốt,” kế hoạch tăng trưởng cần gấp 5 lần GDP, tức khoảng 35%. Còn nếu đặt mục tiêu trở thành một đơn vị xuất sắc, con số này phải gấp 10 lần GDP, tương đương 70%. Với một doanh nghiệp quy mô đủ lớn, tăng trưởng 70% mỗi năm là một thách thức khổng lồ, và duy trì mức tăng này qua nhiều năm liên tiếp thực sự là điều đáng nể.

emagazine image

Tôi muốn bắt đầu bằng một câu chuyện ở tầm vĩ mô. Tổng Bí thư có nhắc rằng chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới. Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng 7-8% mỗi năm, và xa hơn nữa là tăng trưởng hai con số, tức trên 10%. Điều này không phải là không thể, vì trên thế giới đã có những quốc gia làm được như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Trung Quốc. Vì khi đất nước đạt được mức tăng trưởng như vậy, mọi lĩnh vực đều sẽ nhận được đầu tư mạnh mẽ. Khi vận nước lên, các doanh nghiệp sẽ phát triển, và mỗi cá nhân cũng có thêm cơ hội để bứt phá. Nhưng đồng thời, những thách thức cũng gia tăng, bởi để làm được những điều vượt trội so với bình thường và so với các quốc gia khác là điều không hề dễ dàng.

Trên thực tế, các doanh nghiệp tư nhân hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đầu tư lớn từ Nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài đã có chuyển biến, nhưng khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp dịch vụ, vẫn còn nhiều vấn đề lớn. Tôi dự đoán năm 2025 sẽ là một năm đầy thử thách cho khối doanh nghiệp tư nhân, thậm chí có thể khó khăn hơn cả năm 2023 và 2024 cộng lại. Tuy nhiên, chính trong những khó khăn này, chúng ta cũng sẽ nhìn thấy những cơ hội đặc biệt.

emagazine image
emagazine image

Đối với các bạn trẻ, khi vận nước đang lên và doanh nghiệp phát triển, đây là thời điểm để các bạn nắm bắt cơ hội. Các doanh nghiệp đang rất cần những nguồn lực trẻ, những trí tuệ trẻ. Nhưng bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo trong hơn hai năm qua đã đặt ra một thách thức không nhỏ. Những công việc truyền thống, lặp đi lặp lại, đang chịu áp lực rất lớn từ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.

Trí tuệ nhân tạo không chỉ mang đến những công cụ hỗ trợ mạnh mẽ mà còn tạo ra nguy cơ thay thế những nghề nghiệp đơn giản, ít sáng tạo. Ngay cả các tổ chức nhà nước cũng sẽ nhanh chóng áp dụng những giải pháp này, dẫn đến một làn sóng mất việc. Gần đây, tôi thường nhắc đến thuật ngữ “useless class” – tầng lớp bị xem là "vô dụng.” Đây là những người được đào tạo bài bản, có học thức, nhưng lại làm các công việc lặp đi lặp lại, dễ dàng bị thay thế bởi tự động hóa và robot. Vì vậy, các bạn trẻ cần chuẩn bị thật tốt cho bản thân, không chỉ về kiến thức mà còn về kỹ năng sáng tạo, khả năng thích nghi và tinh thần đổi mới, để không bị tụt lại phía sau trong làn sóng thay đổi mạnh mẽ này.

emagazine image
emagazine image
emagazine image

Sáng nay, tôi có buổi gặp mặt với 2.500 lớp trưởng và bí thư của gần 100 trường, chủ yếu là học sinh lớp 12 – những bạn sẽ bước vào đại học trong năm nay. Tôi chia sẻ với các bạn ấy về những phẩm chất và kỹ năng mà thế giới hiện nay đang đòi hỏi, và hầu hết đều đồng ý với tôi rằng các trường phổ thông, thậm chí cả các trường đại học của chúng ta, hiện chưa thực sự chuẩn bị và trang bị đủ những kỹ năng đó.

Những kỹ năng tôi đề cập đến rất cơ bản, như tư duy độc lập và năng lực phản biện. Hiện nay, nhiều bạn trẻ tìm kiếm thông tin trên Google, Wikipedia hay ChatGPT và mặc định coi đó là chân lý. Tuy nhiên, tôi khẳng định, những nguồn thông tin này đều có thể thay đổi và không phải lúc nào cũng chính xác. Nếu không có tư duy độc lập, làm sao các bạn có thể phân biệt đúng – sai và nhận thức được giá trị thực sự của bản thân mình?

Năng lực phản biện cũng là một kỹ năng quan trọng. Nó đòi hỏi kiến thức, khả năng lý luận, tư duy logic và sự ứng biến. Truyền thống giáo dục Việt Nam từ lâu đã không khuyến khích học sinh tranh luận với thầy cô hay con cái tranh cãi với cha mẹ. Chúng ta thường nghe câu: "Các cụ ngày xưa bảo thế." Nhưng thế giới đã thay đổi quá nhanh để chúng ta chỉ mãi dựa vào những câu nói ấy. Chúng ta cần trân trọng giá trị lịch sử và kinh nghiệm, nhưng đồng thời phải sẵn sàng thay đổi để thích nghi với hiện tại.

emagazine image

Tôi cũng chia sẻ với các bạn rằng, học giỏi thôi là chưa đủ. Việc giỏi văn, giỏi toán không quyết định bạn có thành công, thành đạt hay hạnh phúc trong tương lai. Các bạn cần nhiều hơn thế. Ngoài trí lực, các bạn còn phải rèn luyện cả tâm lực và thể lực. Trong buổi gặp sáng nay, tôi hỏi: “Bao nhiêu bạn nam ở đây có thể chạy được 5km, bơi được 500m?” Chỉ khoảng 20% giơ tay. Điều đó cho thấy rằng, dù các bạn có học giỏi đến đâu, nhưng nếu cơ thể không khỏe mạnh và tâm hồn không trong sáng, thì rất khó để đạt được thành công bền vững.

Về tiếng Anh, tôi cũng chia sẻ thật lòng rằng, tôi không giỏi tiếng Anh, nhưng rõ ràng đây là ngôn ngữ quốc tế, là "ngôn ngữ của internet.” Các bạn trẻ cần quên đi việc đặt mục tiêu điểm IELTS là bao nhiêu, mà thay vào đó hãy tập trung vào việc sử dụng thành thạo tiếng Anh trong cuộc sống, công việc, và cả giải trí. Tiếng Anh không còn là "ngoại ngữ” nữa mà phải trở thành ngôn ngữ thứ hai.

Những kỹ năng này không phải là "kỹ năng mềm” – tôi không thích cách gọi này. Đây là những kỹ năng bắt buộc. Hiện nay, khi các doanh nghiệp tuyển dụng, họ không còn hỏi bạn có biết dùng Word, Excel hay PowerPoint không. Thay vào đó, họ hỏi: “Bạn có biết sử dụng các ứng dụng về trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn (big data) hay không?” Đây là những yêu cầu rất thực tế. Vậy bao nhiêu bạn trẻ đã sẵn sàng cho những câu hỏi này?

Chúng tôi – những người làm giáo dục – nhận thức rất rõ rằng chúng tôi phải thay đổi. Giáo dục phải đi trước một bước. Điều này có nghĩa là, từ lớp 1 đến lớp 12, học sinh cần được trang bị các kiến thức và kỹ năng như học STEM, robot, trí tuệ nhân tạo, cùng với các kỹ năng tự học và học tập suốt đời. Chúng ta cần quên đi việc nhồi nhét kiến thức, bởi kiến thức có thể nhanh chóng lạc hậu. Thay vào đó, khả năng tự học mới là điều quan trọng nhất. Những điều tôi nói có thể gây tranh cãi, nhưng tôi sẵn sàng tranh luận và chứng minh rằng đây chính là những gì các bạn trẻ ngày nay cần được trang bị.

emagazine image

Tôi thường hỏi rất đơn giản: "Hãy cho tôi xem những chứng chỉ ngoài chương trình học ở trường.” Tôi đánh giá cao những kỹ năng và chương trình các bạn tự học được, đặc biệt là các khóa học trên Coursera, Udemy, Google, Microsoft – những chương trình miễn phí, chỉ mất phí khi thi lấy chứng chỉ. Ví dụ, một bạn học Kinh doanh quốc tế hoặc Luật quốc tế ở Học viện Ngoại giao, nếu mang theo 5 chứng chỉ từ Coursera hay Udemy liên quan đến lĩnh vực này, tôi sẽ đánh giá rất cao. Nếu bạn ấy từng thực tập ở các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hiểu về luật kinh doanh quốc tế để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, thì đó là giá trị rất lớn.

Điều quan trọng nữa là tôi nhìn vào năng lực tự học. Một ứng viên có thể chưa giỏi hoặc thiếu kinh nghiệm, nhưng nếu có khả năng tự học, họ sẽ phù hợp với môi trường làm việc ở công ty chúng tôi, nơi bạn phải học mỗi ngày. Tôi thường hỏi: "Em học được gì, từ ai?” Những người luôn muốn học hỏi sẽ tìm được các "guru” – những người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực của họ.

Tôi cũng khuyến khích các bạn sinh viên đi làm thêm, nhưng nếu có thể, hãy chọn công việc gần với ngành nghề mình muốn theo đuổi. Công việc như phục vụ, bưng bê bát đĩa,... cũng rất tốt, nó giúp ta rèn luyện sự kiên nhẫn và khả năng giao tiếp, nhưng làm thêm đúng chuyên ngành sẽ mang lại lợi thế lớn hơn cho sự nghiệp sau này.

emagazine image

Chỉ cần vài câu hỏi là tôi có thể nhận ra ngay. Ví dụ, tôi thường hỏi: "Nếu bây giờ trước khi nhận em vào làm, anh yêu cầu 21 ngày liên tục, mỗi ngày em chạy 3km, em có làm được không?" Rất nhiều bạn trả lời: "Rất xin lỗi anh, em chưa bao giờ làm chuyện này,” và điều đó khiến tôi lo lắng. Nhưng cũng có những bạn tự tin trả lời: "Dạ thưa anh, em đã luyện tập một tháng liền, ngày nào em cũng đọc một vài trang sách và ghi chép lại.” Khi tôi hỏi thêm: "Cho anh xem được không?” thì bạn ấy đưa ra những ghi chú trên Facebook, đặt chế độ "only me,” và ngày nào cũng ghi lại nội dung mình đã đọc từ 50 trang sách. 

Những bạn có kỷ luật như vậy thực sự rất đặc biệt. Nhiều người hay nhắc đến thông minh, sáng tạo, hay sự chủ động, nhưng để thành công và làm tốt công việc, tôi luôn nhấn mạnh đến kỷ luật. Kỷ luật bao gồm kiên định, kiên trì, kiên nhẫn. Tôi rất trân trọng những bạn trẻ "lì lợm,” luôn bám sát mục tiêu và quyết tâm đạt được nó – đó mới thực sự là điều tuyệt vời.

emagazine image
emagazine image

Có một cuốn sách rất hay mà các bạn nên đọc là "Nhà lãnh đạo không chức danh.” Dù bạn không có chức vụ chính thức, bạn vẫn là "tổng giám đốc" của chính mình. Nếu bạn chỉ làm việc dựa trên mức lương hiện tại – lương 10 triệu làm kiểu 10 triệu – thì 5 năm sau, bạn có thể chỉ đạt mức lương 10-15 triệu.

Một cuốn sách khác mà tôi muốn giới thiệu là "Tiền lương không phải là tất cả.” Nội dung cuốn sách rất rõ ràng: những người thực sự ý thức rằng mình là "nhà lãnh đạo không chức danh” là những người biết yêu quý, kính trọng và ưu ái bản thân. Họ không dễ dãi với chính mình. Họ luôn cố gắng học hỏi, rèn luyện, thay đổi, bởi vì họ yêu bản thân và muốn làm tốt nhất những gì có thể cho chính mình. Tôi rất thích những bạn trẻ có tư duy như vậy. Ngược lại, nếu bạn sống quá dễ dãi với bản thân, chọn một cuộc sống đơn giản, ổn định, tôi thấy lo cho tương lai của bạn. Chính trực không chỉ là một phẩm chất quan trọng, mà còn là nền tảng để bạn trưởng thành và thành công.

emagazine image

Dễ dãi với bản thân là khi các bạn cho phép mình lười biếng, buông thả, và không nỗ lực vì những mục tiêu hay đam mê. Đây là vấn đề tôi thường thấy ở thế hệ Gen Z – thế hệ mà tôi gọi là "vượt sướng.” Các bạn sẵn sàng nằm thêm hai tiếng để lướt TikTok thay vì làm điều gì đó ý nghĩa cho bản thân mình. Nếu không tin, hãy thử kiểm tra điện thoại: có phải mỗi ngày các bạn dành hơn 6 tiếng chỉ để cắm mặt vào màn hình điện thoại?

Điều đáng lo là các bạn đang thu gọn cả thế giới vào chiếc điện thoại. Dù công nghệ giúp chúng ta nhìn ra vũ trụ xa 13,7 tỷ năm ánh sáng, nhưng tất cả cuộc sống của các bạn xoay quanh cái màn hình nhỏ xíu. Điều này nguy hiểm, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến khả năng kết nối với thế giới xung quanh mà còn khiến các bạn mất kết nối với chính mình. Tôi nghĩ rằng, các bạn cần phải khắt khe, yêu thương và tôn trọng chính mình nhiều Hãy đọc cuốn "Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời” để hiểu rằng, nếu 20 tuổi các bạn không hành động vì đam mê, không đặt mục tiêu, thì đến 30 tuổi cũng khó làm được gì.

Tôi biết, chúng ta luôn có 1.000 lý do để trì hoãn. Tôi cũng từng thích ngủ nướng hay lướt TikTok vì nó rất hấp dẫn. Nhưng đây là điều cần cảnh báo: thuật toán AI của TikTok là một trong những thuật toán tốt nhất thế giới. Chỉ trong hai tuần, nó sẽ biết chính xác bạn thích gì, muốn xem gì, và sẽ "nịnh” não bạn rất giỏi, khiến bạn ngày càng lười suy nghĩ. Ngón tay cái sẽ to ra, mắt sẽ lờ đờ, tai chỉ nghe được âm thanh từ chiếc điện thoại, não sẽ mụ mị dần ra, không nghĩ được gì hết nữa. Điều này dẫn đến trạng thái mà chúng tôi gọi là "bại não” hay "não thối.”

Lạm dụng điện thoại không chỉ khiến bạn mất khả năng kết nối với thế giới thực mà còn làm bạn mất kết nối với chính bản thân mình. Lúc đó, bạn sẽ không biết mình thực sự muốn gì, cần gì, hay thậm chí không thể đối thoại được với chính mình. Và đó mới là điều đáng sợ nhất.

emagazine image
emagazine image
emagazine image

Tôi bắt đầu yêu từ năm 15 tuổi. Tôi luôn tin rằng làm việc gì cũng phải nghiêm túc, và yêu thì lại càng phải nghiêm túc hơn. Một tình yêu đẹp không chỉ là nhìn vào mắt nhau, mà còn là biết nắm tay nhau và cùng nhìn về một phía, cùng hướng đến những mục tiêu chung. Đôi khi, trong hành trình đó, có những lúc các bạn nữ cần bước sang một bên để bạn trai tỏa sáng, và cũng có những lúc các bạn nam cần lùi lại để người mình yêu tỏa sáng. Một tình yêu thật sự ý nghĩa sẽ làm cả hai tốt lên, không chỉ trong mắt nhau mà còn trong mắt mọi người. Tất cả sự lãng mạn, thơ mộng đều rất cần thiết, nhưng nếu một mối quan hệ không giúp cả hai phát triển, không làm họ trở nên tốt đẹp hơn, thì rất tiếc, tôi không đồng tình với tình yêu như vậy.

Về tình yêu thiên nhiên, tôi thường hỏi các bạn: “Các em thực sự yêu thiên nhiên hay chỉ nói cho vui, nói cho đẹp?” Nếu yêu, hãy thể hiện bằng hành động. Tôi, chẳng hạn, thể hiện tình yêu thiên nhiên của mình bằng những việc rất nhỏ. Một trong những điều đầu tiên tôi làm là ký cam kết không ăn động vật hoang dã. Trong các bữa tiệc doanh nhân, khi có món từ động vật hoang dã, tôi luôn xin lỗi và yêu cầu một món khác. Tôi biết, lời từ chối của mình có thể rất nhỏ bé và yếu ớt, nhưng nếu nhiều người như tôi cùng làm, nó sẽ tạo ra thay đổi. Nói thì thường dễ hơn làm. Đăng Facebook hay làm clip trên TikTok thì lại càng dễ. Nhưng điều quan trọng nhất là thể hiện tình yêu qua hành động thực tế. Đó mới là điều làm nên sự khác biệt.

emagazine image
emagazine image

Một trong những điều tôi nhấn mạnh trong cuốn sách là tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng không bao giờ tách rời khỏi tình yêu đất nước. Đã có thời, chúng ta nghĩ rằng tình yêu cá nhân phải tạm gác lại vì đất nước có nhiều việc quan trọng hơn. Nhưng qua câu chuyện của ba mẹ tôi, tôi nhận ra rằng tình yêu gia đình và tình yêu đất nước luôn hòa quyện với nhau, không thể tách rời.

Ba tôi từng nói với mẹ tôi: “Anh phải đi đánh nhau để em có thể sống yên ổn hòa bình ở Hà Nội.” Ba tôi không nói “Anh đi chiến đấu vì Tổ quốc,” mà chỉ nói rằng “Anh đi đánh nhau để con mình không phải đánh nhau nữa.” Ở đó, tình yêu gia đình, tình yêu đất nước cùng hòa làm một. Ba mẹ tôi hiểu rằng vì đất nước, họ phải chấp nhận sống xa nhau – 30 năm đầu tiên, ba tôi chưa từng ăn Tết ở nhà. Nhưng chính sự hy sinh ấy, dù là vì Tổ quốc hay vì gia đình, đều xuất phát từ tình yêu.

Tôi muốn nhắn nhủ rằng chúng ta cần nhìn nhận lại thế hệ trước. Tình yêu của họ không chỉ là tình yêu đôi lứa đơn thuần, mà còn là tình yêu lớn lao dành cho đất nước, cho tương lai của gia đình. Đó chính là điều tuyệt vời nhất – khi những giá trị cá nhân và giá trị cộng đồng hòa quyện vào nhau, tạo nên một ý nghĩa cao cả hơn.

emagazine image

Câu hỏi này thú vị thật, chưa ai hỏi tôi như vậy trước đây. Tôi hình dung rằng, dù ở thế giới nào, có một điều chắc chắn là tôi sẽ là một mọt sách. Tôi không biết tại sao, nhưng tôi có thể sống cả ngày với những cuốn sách, với nhân vật và hoàn cảnh trong đó. Thậm chí, tôi còn tự bịa ra được những kịch bản khác nữa, nên việc trở thành mọt sách là điều không thể tránh khỏi.

Điều thứ hai, tôi tin rằng mình sẽ là một đầu bếp xuất sắc. Tôi có thể hình dung ra việc mình mở một nhà hàng mà mọi người đều mong muốn đến – nơi mà tôi có thể tự tay tạo ra những món ăn đặc biệt và chia sẻ niềm vui qua ẩm thực. Đó là cách tôi nghĩ cuộc sống của mình sẽ diễn ra trong một vũ trụ khác.

emagazine image

Thách thức. Tôi luôn nói với các nhà lãnh đạo, và giờ đây tôi muốn nói với cả các bạn trẻ: mỗi người trong chúng ta cần đặt ra cho mình một thách thức – thách thức về sự tăng trưởng, cả với bản thân lẫn tổ chức của mình. Chỉ khi đặt ra thách thức tăng trưởng, chúng ta mới buộc bản thân phải thay đổi, phải học những điều mới. Đôi khi, chúng ta còn cần “unlearn” – quên đi những gì đã giúp mình thành công trước đây, để “relearn” - học lại những điều hoàn toàn mới mẻ, những điều cần thiết cho tương lai.

Hãy tạo ra thách thức tăng trưởng cho chính mình. Đó có thể là tăng trưởng về doanh thu, sản phẩm, phẩm chất, hay thậm chí là những thú vui giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều quan trọng là không dễ dãi với bản thân, mà phải biết yêu bản thân bằng cách làm cho cuộc sống của mình ngày càng chất lượng hơn.

emagazine image
emagazine image

Ở FPT, chúng tôi có hàng ngàn bạn đang làm việc ở nước ngoài và hàng vạn bạn đang làm việc trong tập đoàn. Nhiều khi, tôi chỉ hỏi một câu rất đơn giản: “Đã bao lâu rồi em không gọi điện cho mẹ và nói ‘Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm’?” Rất nhiều bạn trả lời: “Ừ nhỉ? Em yêu bố mẹ em lắm, nhưng lâu rồi em chưa nói câu đó.”

Tôi chỉ muốn nhắn nhủ thế này: sau khi nghe xong buổi trò chuyện này, đọc xong bài viết này, các bạn hãy nhấc điện thoại lên, gọi cho mẹ mình và nói: “Mẹ ơi, con yêu mẹ.” Đôi khi, những điều giản dị như vậy lại là điều ý nghĩa nhất.

emagazine image
emagazine image

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0393508397 (Ms. Trang Đinh) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa