Lấy cảm hứng từ cuộc sống và nhu cầu của phụ nữ làm việc ở đô thị, nói một cách ngắn gọn - MONO TALK là thương hiệu mang tới cho bạn một tủ đồ bạn có thể luôn mặc và yêu mến theo thời gian. Những cô nàng yêu thích phong cách thời trang thanh lịch và tinh tế tại Hà Nội chắc hẳn không còn xa lạ với thương hiệu này. Lựa chọn thị trường ngách với phương thức thiết kế và sản xuất tối giản, MONO TALK đã tạo được một định vị rất riêng trên thị trường.
Sau đại dịch COVID-19 và giai đoạn bình thường mới, trong khi các local brand khác vẫn loay hoay tìm lại vị thế trên ngách thị trường của mình, MONO TALK liên tục cho ra mắt nhiều bộ sưu tập mới chất lượng và hoành tráng cùng rất nhiều sự kiện trưng bày kết hợp đầy ấn tượng. Thế nhưng, ít ai biết rằng để làm được điều đó, Linh Chi và các cộng sự trong team đã phải trải qua một hành trình đáng nhớ trong suốt 8 năm dài, thậm chí đã từng đứng trước ngưỡng… phá sản.
Tâm sự cùng Linh Chi, chúng tôi hiểu rằng đây vừa là hành trình liều lĩnh của một cô nàng bỏ ngang Đại học để theo đuổi đam mê, vừa là hành trình của một người kinh doanh tìm ra hướng đi khác biệt, bền vững giữa thị trường thời trang nhanh đầy cám dỗ hiện tại.
Cơ duyên nào đã đưa Chi đến với thời trang?
Khi mình còn nhỏ, trò chơi ghép quần áo bằng giấy là một phần tuổi thơ không thể nào quên. Lớn hơn một chút, khi được chơi búp bê, mình dành hàng giờ đồng hồ để may quần áo mới cho các bạn ấy. Cho đến khi học cấp III, mình được làm stylist và đi nhập hàng cùng anh trai cho cửa hàng thời trang của anh. Mọi thứ đến khá tự nhiên, cho tới khi nhìn lại thì thời trang đã gắn bó với mình từ những ngày thơ ấu và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Sau đó, đâu là thời điểm Chi nhận ra mình muốn khởi tạo một thương hiệu thời trang?
Mình bắt đầu mở MONO TALK từ năm 2017, sau khi… nghỉ ngang chương trình Đại học chuyên ngành thiết kế nội thất - ngành học không liên quan gì tới đam mê thời trang. Thời điểm ấy các local brand về thời trang ở Việt Nam cũng bắt đầu được mở ra, nhiều nhất là những thương hiệu dành cho các mẹ, các chị, gần như chưa có thương hiệu nào thiết kế trang phục mang phong cách mình yêu thích và theo đuổi.
Và vào một ngày đẹp trời năm 2016, với sự ủng hộ từ anh trai - người có sức ảnh hưởng lớn về thời trang và khởi nghiệp tới mình - ý tưởng về MONO TALK đã ra đời với sự liều lĩnh và niềm khao khát sở hữu một thương hiệu thoả mãn sở thích và phong cách thời trang của bản thân.
Từ những bước đầu tiên đó, Chi đã xác định điểm khác biệt để MONO TALK cạnh tranh với những thương hiệu khác cùng phục vụ một tập khách hàng, cùng chung một phân khúc giá trên thị trường là gì?
Bắt đầu từ giá trị MONO TALK muốn cung cấp cho khách hàng về mặt sản phẩm, đó là những sản phẩm mang phong cách tinh tế và thanh lịch. Về mặt tinh thần thương hiệu, MONO TALK sẽ truyền động lực và cảm hứng để mỗi cô gái được sống cuộc sống mình mong muốn, độc lập - tự do - hạnh phúc. Cuối cùng, dù là khách hàng hay đối tác, nhân sự nội bộ khi đến với MONO TALK, mình đều muốn mang đến cho mọi người cảm giác được yêu thương.
Đâu là chân dung của một cô gái MONO TALK lý tưởng?
Ở mỗi giai đoạn của cuộc sống, Chi lại được truyền cảm hứng bởi một số hình mẫu khác nhau. Trong hai năm gần đây, mình thường bị ảnh hưởng bởi phong cách thời trang của các quý cô Bắc Âu: tối giản, tinh tế, thanh lịch. Và như mình nói từ đầu, MONO TALK ra đời vì mình muốn sáng lập một thương hiệu thỏa mãn phong cách bản thân yêu thích.
Chính vì vậy, chân dung một cô gái MONO TALK lý tưởng là một người phụ nữ độc lập, tự do và hạnh phúc với phong cách thời trang đầy tinh tế, thanh lịch và tối giản.
Trên hành trình 8 năm của MONO TALK, đâu là những cột mốc khiến bạn tự hào nhất?
Cột mốc đầu tiên chính là vào 2017, thời điểm mà MONO TALK ra đời - khi mình nhìn thấy những ý tưởng về một thương hiệu thời trang từ sự phác hoạ trong đầu tới khi được lên giấy và dần dần thành hình. Khoảnh khắc “dream come true” ấy khiến mình luôn xúc động và tự hào khi nhớ về.
Cột mốc thứ hai là thời điểm dịch COVID-19 bùng nổ. Các local brands vào thời điểm đó đều chật vật để chống chọi với sự “hoành hành” của đại dịch và MONO TALK cũng không ngoại lệ. Đã có giai đoạn mình định… từ bỏ, khép lại giấc mơ của chính mình bởi có quá nhiều khó khăn không thể giải quyết. Bây giờ nghĩ lại mình thấy biết ơn các cộng sự đã đồng hành cùng khoảng thời gian đó rất nhiều vì đã tiếp tục tìm những hướng đi mới cho thương hiệu, biết ơn bản thân vì đã tâm huyết và mạnh mẽ vào phút chót để tìm ra cơ hội tiếp tục duy trì ước mơ thời trang. Cũng chính vì vậy mà MONO TALK đã thành công một cách bền bỉ, không chỉ vượt qua khoảng thời gian dịch bệnh mà còn đi qua giai đoạn bình thường mới, thậm chí câu chuyện kinh doanh còn tốt hơn cả trước dịch.
Cột mốc cuối cùng là hết năm 2023, mình đã có những nhân sự đồng hành cùng từ 2-6 năm, có những khách hàng trung thành từ 5-7 năm. Chính sự gắn bó ấy là động lực to lớn và mạnh mẽ để mình và các cộng sự tiếp tục cung cấp, đem đến nhiều giá trị hơn nữa cho khách hàng.
Chi và các cộng sự đã làm thế nào để vực dậy thương hiệu của mình từ “lưỡi hái” của COVID-19?
Về bản thân mình, Chi nghĩ dịch bệnh là một cơ hội tốt để nhìn lại toàn bộ hành trình của mình, để mình nhận ra điều gì là quan trọng nhất. Giống như việc làm toán, mình thấy công thức nào đang đúng, phương thức marketing hay dòng sản phẩm nào đang phù hợp với thương hiệu thì mình tập trung ưu tiên phát huy, đồng thời lược bớt những phương thức vận hành chưa hiệu quả. Và tinh thần phải thật kiên quyết nữa, phải tìm mọi cách để thương hiệu tồn tại đi qua mùa khó khăn.
Dù vậy, có vẻ MONO TALK tiếp cận các nền tảng mua sắm online muộn hơn so với các local brand cùng thời. Nguyên do của câu chuyện này xuất phát từ quan điểm riêng của Chi và các cộng sự hay các lý do khách quan khác?
Thú thật, chúng mình cũng khá tiếc khi không tham gia sớm hơn các nền tảng thương mại số. Tuy vậy mình cũng không quá áp lực bởi điều đó vì với MONO TALK, các sàn thương mại điện tử được coi là một trong những kênh phân phối cho khách hàng. Trên hết, mình mong muốn có thể mang đến những trải nghiệm tốt nhất về sản phẩm và dịch vụ trực tiếp tới khách hàng nên ở thời điểm hiện tại, MONO TALK vẫn sẽ tiếp tục phát triển tại cửa hàng offline, nơi khách hàng có thể tới trải nghiệm để hiểu hơn về thương hiệu.
Vậy Chi lựa chọn không gian cho MONO TALK dựa trên những tiêu chí nào? Tương lai Linh Chi muốn đặt thêm cửa hàng MONO TALK tại các thành phố khác chứ?
Không gian của cửa hàng liên quan mật thiết đến tính cách và đặc điểm mà thương hiệu hướng tới, đó là sự tối giản, tinh tế và bền vững. Chính vì vậy, chúng mình cố gắng tiết chế các chi tiết trong thiết kế và nội thất để tập trung vào những yếu tố làm tôn lên vẻ đẹp của sản phẩm, lựa chọn vật liệu bền vững không phải thay đổi quá nhiều theo thời gian cả về mặt chất lượng và mẫu mã. Đó là những triết lý mà chúng mình luôn tâm niệm khi lựa chọn không gian của thương hiệu, cùng với mục đích đem đến trải nghiệm mua sắm thoải mái cho khách hàng.
Trước khi tiến vào một thị trường mới, Chi nghĩ đầu tiên phải tìm hiểu và nghiên cứu kỹ về tệp khách hàng, bao gồm thói quen mua sắm, nhu cầu, sở thích… TP. Hồ Chí Minh là một trong những thị trường mình muốn chinh phục trong tương lai vì tiềm năng phát triển không thể bàn cãi của thành phố sầm uất số 1 Việt Nam, đây cũng là nơi tập trung nhiều khách hàng của MONO TALK. Thời gian vừa rồi chúng mình cũng đã tổ chức một sự kiện trưng bày nho nhỏ để tiếp cận khách hàng tại Sài Gòn và may mắn cũng được đón nhận khá tốt tại thị trường này.
Nhắc tới bền vững, về mặt chất lượng sản phẩm - MONO TALK đã có những phương thức sản xuất như thế nào để các thiết kế của mình đáp ứng được tiêu chí về bền vững, thân thiện với môi trường?
Thực ra trước đây mình cũng bị cuốn vào vòng xoáy thời trang nhanh, mình mua rất nhiều quần áo không có mục đích cụ thể, thậm chí có những bộ để mấy năm trong tủ mà chưa cắt tem mác. Thế nhưng sau một thời gian, ý thức hơn được cả về mặt tài chính và sự tác động của thời trang nhanh đến môi trường, mình biết cần phải đầu tư vào những thứ thực sự đem lại niềm vui và giá trị cho bản thân một cách bền vững, lâu dài.
Mang tâm niệm ấy vào việc phát triển sản phẩm cho MONO TALK, mình chú trọng vào chất lượng hơn là nhân rộng, nhân nhiều các mã sản phẩm - vừa không tốt về cả mặt kinh doanh lẫn tác động xấu tới môi trường sau quá trình sản xuất và vận chuyển. Các kênh truyền thông - marketing cũng triển khai nhiều hướng nội dung về thời trang bền vững, cách phối một món đồ với đa phong cách,... để khách hàng vẫn có thể đẹp, vẫn có thể thời trang theo thời gian. Trong tương lai, Chi cũng muốn cùng MONO TALK thực hiện những dự án cộng đồng liên quan đến việc giảm thiểu thời trang nhanh và bảo vệ môi trường.
Điều khiến bạn cảm thấy biết ơn nhất trên hành trình cùng MONO TALK là gì?
Có lẽ là việc mình chưa bao giờ đơn độc trên hành trình này, trong bất kỳ thời điểm nào. Từ lúc bắt đầu, mình có anh trai ủng hộ, có anh trai đầu tư vốn - cả vốn tài chính và vốn kiến thức, kinh nghiệm trong việc mở một thương hiệu thời trang. Có những giai đoạn khó khăn tưởng như sắp bỏ cuộc, mình vẫn có sự động viên của người yêu - bây giờ là chồng, có các cộng sự, có những anh chị em mentor, có nhân sự trong team. Chị kế toán trưởng của mình bây giờ - ngày mình đứng trước ngưỡng… phá sản, chị mới vào làm được 2 tháng. Vậy mà chị tin mình có thể vượt qua, trao cho mình rất nhiều sự tin tưởng, để mình có can đảm đi tiếp. Cuối cùng, mình biết ơn khách hàng - những người đã luôn tin tưởng và ủng hộ MONO TALK một cách tinh tế, lâu dài để mình có thể bước tiếp qua những giai đoạn khó khăn nhất.
Cảm ơn Linh Chi vì một buổi trò chuyện thân thương, gần gũi như cảm giác MONO TALK mang tới cho khách hàng!