Không thể phủ nhận hàng loạt những câu chuyện khởi nghiệp thành công đã truyền cảm hứng giúp tinh thần khởi nghiệp tăng cao. Khác với thế hệ ông bà cha mẹ ngày xưa, đa phần các bạn trẻ hiện nay được sống trong một xã hội phát triển hơn. Nhờ đó, họ nảy ra những ý tưởng khởi nghiệp mới, hoặc học tập những mô hình đã thành công qua việc nghiên cứu, tham khảo nhiều thị trường khác nhau.
Diệu Vy (2000) đã hiện thực hóa ước mơ kinh doanh bằng việc bắt đầu xây dựng mô hình tổ hợp giải trí HipHub nằm trên con phố Lý Quốc Sư sầm uất tại Hà Nội. Hãy cùng The Influencer Việt Nam tìm hiểu về hành trình cô bạn co-founder tự tin đầu tư vào một mô hình hoàn toàn mới mẻ trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng sau dịch cho tới khi lạc quan “gồng lỗ” vì những con số thâm hụt vẫn đang trong kế hoạch tài chính dự trù.
Quay ngược thời gian về năm 2016, ngày đó rộ lên trào lưu nghệ thuật thủ công (art and craft) nên mình thử kinh doanh một vài mặt hàng nho nhỏ. Sau năm đầu tiên tập tành kinh doanh, mình mở cửa hàng trong một khu tổ hợp khá nổi tiếng với giới trẻ ở Hà Nội bấy giờ. Quá trình xây dựng một cửa hàng từ khi còn là một cô bé học cấp III đã cho mình rất nhiều trải nghiệm mới mẻ và đáng nhớ. Sau này khu tổ hợp ấy bị giải toả nên cửa hàng phải đóng cửa. Vậy là từ khoảng thời gian đó cho đến mãi về sau này, mình vẫn nung nấu một ước muốn được “làm lại”, được viết tiếp hồi ức vô cùng vui vẻ, đẹp đẽ ngày ấy.
Cho tới tháng 7 năm 2022, mình gặp một người anh - founder của một mô hình F&B khá hay. Trong thời điểm dịch covid-19, kinh tế khó khăn dẫn đến mô hình ấy cũng khá “lao đao”. Mình ngỏ lời mong muốn có thể hỗ trợ anh bằng cách đầu tư vào mô hình F&B đó. “Không, anh có một dự án hay ho và phù hợp với em hơn”, và đó là câu nói đã mở ra câu chuyện của Diệu Vy và HipHub sau này.
Chắc hẳn từng cột mốc của HipHub đều gắn với hành trình trưởng thành của Vy?
Bắt tay vào làm HipHub đã là một cột mốc rất lớn đối với bản thân mình. Bất cứ người trẻ nào cũng có nhu cầu khẳng định bản thân, thể hiện mình là ai, mình đang làm gì, mục đích và tham vọng của mình là gì. Vy cũng vậy, mình mong muốn có thể thử hết sức một lần để biết giới hạn của mình tới đâu.
Hip là hay ho thú vị, Hub là trung tâm, cộng đồng. HipHub là cộng đồng quy tụ những người trẻ thú vị. Trên lý thuyết là như vậy, ngoài ra còn có một câu chuyện bên lề vui vui nữa. Từ nhỏ mình đã có điệu cười híp mắt đặc trưng, kiểu cười không thấy Tổ quốc đâu (cười). Vậy là lớn lên mở nguyên một cái “Hub” tên Hip luôn.
Vy và các cộng sự có ý đồ gì đặc biệt khi quyết định kinh doanh đa dạng dịch vụ thay vì chỉ là một quán cà phê đơn thuần?
Lý do thứ nhất là vì trải nghiệm cá nhân của mình tại tổ hợp trước đây. Tiếp theo, mình thấy mặt bằng chung các sản phẩm cà phê nói chung tại Hà Nội đã được đầu tư từ nhiều năm nay nên tiêu chuẩn chung khá cao. Vậy nên về khía cạnh cạnh tranh, mình nghĩ nếu chỉ làm một quán cà phê đơn thuần sẽ khó hơn rất nhiều so với việc mình có thể đem lại điều gì đó khác biệt, chẳng hạn như trải nghiệm trọn vẹn trong cùng một không gian.
Khi đi qua các tầng của HipHub, mình sẽ thấy không gian được phân hoá đa dạng cho từng chức năng, mục đích khác nhau. Ở tầng 1 bạn có thể mua hoa, mua quà tặng lưu niệm. Ở tầng lửng (1B) có thư viện mở và hiệu sách tự thanh toán, bạn có thể đọc ở đó hoặc mua mang về nếu muốn. Lên tầng 2 là quầy đồ uống, có bàn để khách hàng ngồi trò chuyện hoặc làm việc. Gần đây chúng mình đã sửa lại không gian tầng 3, điều chỉnh nội thất để phù hợp với mục đích tổ chức sự kiện, workshop và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật phi lợi nhuận. Cuối cùng, tầng 4 có cả không gian ngoài trời và trong nhà, có ban công nhìn ra Nhà thờ Lớn Hà Nội. Vậy là với bất kỳ mục đích nào: học tập, làm việc, đi chơi cá nhân, nhóm,... mọi người đều có thể tìm được một góc phù hợp tại HipHub.
Mình nghĩ là HipHub mang khá nhiều cá tính và dấu ấn cá nhân của mình so với các co-founder khác. Không cố định với một mô hình cố định, HipHub luôn đón nhận những cơ hội mới và sẵn sàng thay đổi hoàn toàn nếu phù hợp.
Nếu phải gói gọn HipHub trong 3 tính từ, đó sẽ là?
Đầu tiên chắc chắn là trẻ. HipHub cũng như mình, rất trẻ và có nhiều tiềm năng để phát triển, học hỏi thêm. Tiếp theo là chân thành. Đây là tính cách mà HipHub được xây dựng xuyên suốt và nhất quán. Từ những khâu đầu tiên như nghiên cứu và phát triển sản phẩm, nguyên liệu là trà tươi, hoa quả tươi cho đến mối quan hệ giữa con người với nhau: các bạn nhân viên nội bộ, mối quan hệ với khách hàng chúng mình luôn dành một sự chân thành tuyệt đối, quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất tới trải nghiệm của khách hàng. Ví dụ như trong WC, chúng mình có tới ba loại giấy cho các mục đích sử dụng khác nhau hoặc chúng mình dán toàn bộ cầu thang để không bị trơn trượt khi bước lên. Cuối cùng có lẽ là thú vị. HipHub là một hành trình dù có được lên kế hoạch kỹ đến đâu vẫn sẽ có những bất ngờ, những điều không ngờ tới ập đến một cách thú vị!
Trên lý thuyết mình sẽ phụ trách mảng truyền thông - marketing, quan hệ công chúng, chăm sóc khách hàng. Quả thực, mình có nền tảng kiến thức để biết phải làm gì trong một tình huống nhất định. Trên thực tế, từ khi bắt đầu với HipHub, mình thấy làm marketing và truyền thông cần nhạy cảm với thị trường, quan sát khách hàng hơn là chỉ chăm chăm vào kiến thức hay lý thuyết trên sách vở. Tuy nhiên, mọi người đều hiểu khi quản lý một start-up, rất khó để bó mình vào một vai trò nào, có việc gì là mình lao vào thôi.
Muốn khởi nghiệp, ngoài tiền ra còn gì quan trọng?
Đầu tiên, mình phải nghiên cứu thị trường rất kỹ để biết được các mô hình F&B tương tự trung bình khoảng bao lâu sẽ hoà vốn, chuẩn bị kịch bản tài chính cho việc kinh doanh. Việc này nghe thì rất lý thuyết nhưng lại giúp tinh thần của mình vững vàng hơn khi nhìn vào con số ban đầu, lỗ vô cùng. Đến bây giờ vẫn lỗ nhiều. Tuy nhiên vì đã có sự chuẩn bị từ trước nên khi nhìn vào phần lỗ ấy, mình bớt run rẩy và vững tin một điều rằng vẫn đang lỗ trong kế hoạch.
Thứ hai là kiến thức kinh doanh và sự nhạy cảm với tâm lý thị trường. Mình nghĩ nếu mình có nền tảng kinh doanh từ trước thì việc xây dựng HipHub sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm mình kinh doanh và tâm lý thị trường. Là một founder, cần nắm được tâm lý khách hàng đang muốn gì, thị trường đang cần gì để có đáp ứng nhu cầu một cách chính xác nhất.
Xuyên suốt thời gian “điều hành" HipHub, đã bao giờ Vy mắc phải sai lầm và kinh nghiệm bạn rút ra là gì?
Mình gói gọn tất cả những trải nghiệm khi bắt đầu làm HipHub cho tới hiện tại bằng một từ: Trẻ. Cá nhân Vy là một người khó che giấu cảm xúc. Mình thường bộc lộ cảm xúc ngay lập tức trước khi kịp suy nghĩ và bình tĩnh. Đây là một bất lợi khá lớn khi quản lý, điều hành một doanh nghiệp. Ví dụ như việc đơn giản nhất là giao tiếp với các bạn nhân viên bên dưới, vào thời điểm đó mình không nghĩ mình đã làm tệ đâu nhưng sau đó về nghĩ lại thì mình thấy hoàn toàn có thể xử lý tình huống tốt hơn. Vậy nên kinh nghiệm rút ra là cần phải tiết chế, bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
Có thể là bất cứ ai tuy nhiên chúng mình cũng “nhắm” vào hai đối tượng chính. Thứ nhất là các bạn trẻ ở Hà Nội độc lập tài chính, có nhu cầu khẳng định và thể hiện bản thân trên mạng xã hội. Các bạn là người có “gout” thẩm mỹ và thường check-in tại những nơi được đầu tư chỉn chu về trí tuệ. Hình ảnh của thương hiệu đó xuất hiện trên trang cá nhân sẽ bổ trợ cho lối sống mà bạn ấy muốn thể hiện. Ngoài ra, các bạn còn có nhu cầu kết nối với những người giống bản thân mình trong cộng đồng. Đối tượng thứ hai là khách du lịch. HipHub nằm ở khu trung tâm có khá nhiều khách du lịch đi qua nên chúng mình có rất nhiều công cụ hỗ trợ việc trưng bày, quảng cáo phía ngoài mặt tiền để thu hút khách du lịch.
Mình hy vọng như vậy. Bản thân Vy khởi nghiệp là để khẳng định bản thân nên có khá nhiều dự định, hoài bão và kế hoạch, chỉ chờ nguồn lực và cơ hội thích hợp là triển khai. Về trước mắt, mình mong HipHub ổn định, vững chân và trưởng thành hơn.