#5W1H cùng Lớp học Hồng Xiêm - Mình muốn tạo cho học viên thói quen vẽ như một hoạ sĩ

"Tôi tạo ra một khu vườn nơi mình có thể đi. Nó có trái chín, lá hoa và chim chóc." - Henri Matisse. Ở Hồng Xiêm chúng mình thường nói nhiều về tâm lý vẽ, để khi các bạn rời khỏi lớp học nhỏ, có thể tự do sáng tác ở bất kì đâu. Đôi khi tâm hồn là một vườn hoa lá vẫn chưa đủ cảm hứng, vậy bạn hãy cùng Hồng Xiêm tạo lập những không gian vẽ cho chính mình”. Đó là một đoạn chia sẻ ngắn của Lớp học Hồng Xiêm - một mô hình lớp học vẽ và tư duy hội hoạ ở Hà Nội, về cách tiếp cận và sứ mệnh của mình.
Đinh Trang
14/12/2022
#5W1H cùng Lớp học Hồng Xiêm - Mình muốn tạo cho học viên thói quen vẽ như một hoạ sĩ

Được thành lập từ năm 2016, Hồng Xiêm đã tổ chức hơn 150 khoá học vẽ, thu hút hơn 1000 học viên, cùng với đó là nhiều workshop thú vị. Tò mò về mô hình lớp học này, The Influencer đã có cuộc trò chuyện với chị Huệ Phương - Founder của Lớp học Hồng Xiêm. Mời các bạn cùng khám phá Lớp học Hồng Xiêm qua chuỗi câu hỏi 5W1H dưới đây. 

Mọi người có thể hình dung Lớp học Hồng Xiêm như một lớp học nghệ thuật bài bản, nhưng theo hướng hàn lâm hiện đại, chứ không phải hàn lâm cổ điển. “Hàn lâm” tức là một kiến thức nào đó đã được nghiên cứu, được công nhận rộng rãi. Còn “hiện đại” là cách tiếp cận mới, phù hợp với văn hoá hiện tại, thân thiện với phần lớn người học. 

Khi lựa chọn cách tiếp cận này, mình muốn tạo cho mọi người thói quen vẽ giống như là những hoạ sĩ, dù khác biệt về thời lượng học, nhưng thái độ làm việc sẽ giống như một hoạ sĩ thực sự. Cùng lúc, ở Hồng Xiêm, các bạn sẽ bắt đầu học nghệ thuật, học sáng tác một cách thật dễ chịu, chứ không “tàn khốc” và nhiều gánh nặng tâm lý như trong các môi trường đào tạo chuyên nghiệp.


Các lớp học tại Hồng Xiêm thì được phân chia làm 3 cấp. 

Cấp độ đầu tiên là “Vỡ lòng”, dành cho những người mới bắt đầu học vẽ. Trong khoá này, mình sẽ dạy các bạn các khái niệm nền tảng về vẽ và phương pháp học vẽ. Dù gọi là “vỡ lòng”, các bạn cũng sẽ được bước chân vào thế giới cực kỳ rộng lớn của hội hoạ, với những phạm trù như: tạo hình, bố cục, hoà sắc, chất liệu… Người học cần làm quen với lối tư duy của người vẽ - một cách nghĩ không hẳn là gần gũi với thói quen thị thác thông thường. Ví dụ, để vẽ một bông hoa, thông thường chúng ta sẽ có thói quen tiếp cận một cách đầy định kiến và cá biệt hoá, như vẽ nhuỵ hoa rồi mới đến các cánh hoa. Tuy vậy, để nhìn bông hoa như một hoạ sĩ, chúng ta cần tiếp cận một cách tổng thể hơn rất nhiều, chẳng hạn như nhìn vào quan hệ hình-nền hay quan hệ đậm nhạt. Học vẽ là học về các mối quan hệ thị giác. Cách tiếp cận của khoá này là những bài tập ngắn để mọi người rèn luyện và mài sắc phản xạ vẽ. Người học sẽ tiếp thu những kiến thức mới lạ qua những bài tập vẽ thú vị và thân thiện, ví dụ, “vẽ món bánh mì bạn đang ăn dở”..

Cấp độ thứ hai là “Hội hoạ ngây thơ”. Sau cấp độ thứ nhất, mọi người đã yêu việc vẽ, và có thể vẽ được nhiều rồi. Lúc này, người học sẽ được tiếp cận với những bài tập phối hợp nhiều kỹ năng hơn và do đó phức tạp hơn. Giống như học bơi hay học đạp xe, sau khi chúng ta bắt đầu có cảm giác và yêu thích công việc mình làm, bạn có thể thử những kỹ năng nâng cao hơn, ví dụ như học bơi bướm hay học bốc đầu xe đạp - mấy trò đó đâu dành cho dân a-ma-tơ đâu, đúng không? Đó, thì học vẽ tại lớp này, các bạn sẽ được tiếp cận với những kiến thức không hề a-ma-tơ của dân vẽ, như làm chủ hoà sắc, thể hiện bút lực, hay nắm bắt tinh thần hình thể. Sau khoá học, học viên gần như đủ công cụ để có thể thoải mái sáng tác.

Cấp độ thứ ba là “Hội hoạ bay bổng". Tại cấp độ này, mình sẽ tập trung dạy về các chất liệu. Nhiều nơi dạy vẽ khác họ sẽ phân chia lớp học theo chất liệu, ví dụ như: lớp vẽ tranh sơn dầu, lớp vẽ màu nước… Hồng Xiêm không chia như vậy. Hồng Xiêm chia lớp theo kỹ năng, kiểu như khi chơi game, mọi người mở khoá skill xong mới được lên level. Quan điểm của mình là trước tiên mọi người cần biết vẽ cho chuẩn phương pháp đã; học được tư duy vẽ rồi thì mới học chuyên sâu chất liệu. Lúc đó, việc học sử dụng chất liệu vẽ thành ra dễ dàng và vui thích. Các bạn đụng đến chất liệu gì cũng có thể “quẩy” được, kể cả có là chất liệu siêu khó như sơn mài đi chăng nữa. Cụ thể, ở cấp độ thứ ba này, mọi người sẽ được học cách sử dụng chất liệu một cách chuyên sâu, có hiểu biết về thành phần hoá, lý của chất liệu và cách ứng dụng cụ thể. Chẳng hạn, các bạn đã học vẽ màu nước từ cấp độ 1, nhưng đến cấp độ 3 này mới học đến các tính chất chuyên sâu của nó, như kiểm soát nồng độ nước để đạt được một hiệu ứng cụ thể. Cấp độ 3 cũng học cả sơn dầu, là chất liệu rất khó tính. Nhiều người tưởng sơn dầu nó dễ vẽ, bôi quệt lên toan là thành hình, nhưng không phải. Sơn dầu lên hình thì dễ, nhưng để vẽ ra tranh đẹp thì người vẽ phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc.



Khởi điểm của Hồng Xiêm là một lớp học nhỏ dạy chép tranh mà mình mở cho những người bạn của mình. Lúc đó mình cũng không biết vẽ lắm đâu, chỉ là có thiên hướng nghệ thuật hơn những người xung quanh một chút. Thấy các bạn có nhu cầu thì mình mở lớp dạy. 

Sau đó, mình có chuyển vào Sài Gòn làm việc trong ngành Luật một thời gian. Dù không hợp với ngành Luật, mình học được rất nhiều về cách tư duy, về quy trình suy nghĩ giống như một luật sư. Sau này, mình áp dụng cách nghĩ đó để tìm ra quy trình dạy vẽ cho người chưa biết vẽ. Sống trong môi trường Luật một thời gian, mình cũng hiểu hơn nhiều về tâm lý những người ngoài ngành: họ nghĩ về việc vẽ như thế nào, nguyện vọng của họ là gì, thói quen suy nghĩ của họ ra sao… 

Khi về Hà Nội (sau khi nghỉ công ty Luật), mình quay lại với Hồng Xiêm, vừa dạy vừa học. Thấy các bạn muốn học, mình thì có thể dạy, thế là mình mở lớp. Sau một thời gian, các học sinh của mình trở nên quá “khủng”, tức là họ giỏi hơn mình và vẫn đang ngồi lớp của mình. Lúc đó mình mới thấy rằng không thể tiếp tục như này mãi được, mình cần đi học để có thể đi dạy được. Khi đó, mình mới bắt đầu thi và học trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Đây là môi trường tuyệt vời, với nhiều thầy cô và bạn bè giỏi giang, đã thay đổi rất nhiều cách mình tư duy về hội hoạ. Nhờ những điều mình học được từ đây, mình cũng từng bước hoàn thiện giáo trình cho Hồng Xiêm. 

Nhìn chung, mình thích ngẫu hứng và phiêu lưu, không phải là một người giỏi lên kế hoạch rõ ràng. Mình làm vì niềm yêu thích, sau đó nhìn ngó xung quanh để từng bước cải thiện. Hồng Xiêm được sinh ra và lớn lên cũng theo cách đó.

Rất nhiều cái tên được đặt ra đơn thuần chỉ là do một “tai nạn”, tức là người ta không có tình đặt tên như thế, nhưng cuối cùng lại thành như vậy. Ví dụ như trường phái Baroque, trường phái Ấn tượng, vân vân… Cái tên “Hồng Xiêm” cũng như thế, nó vốn là một tai nạn, bật ra khi mình ngồi cùng một người bạn và mơ màng nghĩ về một lớp học vẽ, chứ không có tính toán gì cao xa hay sâu sắc cả . Nó thành hình rồi thì người ta biết đấy là “Hồng Xiêm”. 

Nghĩa đen thì “Hồng Xiêm” là tên một loại quả bản địa thân thiện và, giản dị. Còn nghĩa bóng thì “Hồng Xiêm” là trạng thái hơi say rượu. Âm thanh “hồng xiêm” khi phát âm cũng rất dễ thương, bạn thử đọc to lên mà xem.


Mình là Huệ Phương, hiện đang học năm 4 khoa Hội hoạ, chuyên ngành Sơn dầu, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trước khi học Mỹ thuật chuyên nghiệp, mình từng học Đại học Ngoại thương và tốt nghiệp khoa Luật Quốc tế. 

Mình cũng thích học luật lắm, chỉ đến khi đi làm mới thấy mình không hợp với nghề. Mình dễ khóc lắm (cười) và ngành Luật thì cần những người hơi gai góc một tý. Mình hơi cảm xúc, nhạy cảm và không phù hợp với môi trường văn phòng truyền thống. 

Sau một thời gian trải nghiệm với ngành Luật, mình mới chuyên tâm với Hồng Xiêm và theo đuổi đam mê nghệ thuật của riêng mình.

Để mà nói về cộng đồng này,thì mình nhìn ra được 4 nhóm như sau:

Nhóm thứ nhất là nhóm “chill có học thức”. Họ thích làm một vài hoạt động nghệ thuật nào đấy như nặn đất, vẽ, điêu khắc… nhưng phải theo kiểu vừa được chill, vừa được học thêm kiến thức mới. Một đặc điểm lớn của những người đi học Lớp học Hồng Xiêm là họ có học thức rất cao, giáo sư tiến sĩ rất nhiều. Họ thích học, những những thứ hàn lâm, vì vậy cũng thích mật độ lý thuyết cao ở lớp Hồng Xiêm.

Nhóm thứ hai là những người thích thưởng ngoạn nghệ thuật. Họ thích đi bảo tàng, yêu nghệ thuật, thích xem ca nhạc,… Họ thích thưởng ngoạn những nghệ thuật cao cấp, chứ không phải nghệ thuật đại chúng. Thế nhưng, họ cảm thấy mình không thực sự hiểu về hội hoạ và họ có nhu cầu được học, được vẽ để hiểu về hội họa. Thật ra, mọi người cứ bảo rằng học xem tranh thì không cần học sẽ, nhưng đó là một sai lầm. Kể cả những người học lý luận nghệ thuật cũng cần học vẽ, vì vẽ là một thứ buộc phải suy nghĩ bằng tay, chứ không chỉ bằng đầu. 

Nhóm thứ ba là những người học để phục vụ nghề nghiệp của họ, ví dụ như người làm design , thiết kế thời trang, các đạo diễn cũng đi học rất nhiều. Hội hoạ chạm đến các vấn đề thị giác một cách rất sơ khai, không thông qua nhiều công cụ. Ví dụ, nhiếp ảnh cũng là một loại hình nghệ thuật, nhưng bạn buộc phải thông qua máy ảnh. Phim ảnh cũng là một loại hình nghệ thuật, nhưng bạn buộc phải thông qua máy quay,… Hội hoạ là cách để học nghệ thuật một cách bản chất nhất. 

Nhóm thứ tư là những người thích học vẽ. Tức là, họ không có mục đích nào ngoài học vẽ cả, họ thích học những kiến thức nâng cao. Các bạn sinh viên năm nhất, năm hai các trường đại học về mỹ thuật cũng đi học khá nhiều. 


Lớp học Hồng Xiêm được thành lập vào khoảng năm 2016, khi mình đang học năm cuối Đại học. 

Dấu mốc đáng nhớ đầu tiên có lẽ là khi mình mở một lớp học nhỏ để dạy chép tranh. Lúc đó, Hà Nội không có nhiều lớp dạy vẽ như bây giờ. Lớp học đó, dù khá đơn giản, nhưng lại như động đúng chỗ ngứa của nhiều người, nên mọi người đến học khá đông. Khi mình chuyển vào Sài Gòn, mọi người tỏ ra rất tiếc nuối và vẫn chờ một ngày Hồng Xiêm quay về Hà Nội. 

Trước đó, mình chưa từng nghĩ rằng mình có thể kiếm được tiền từ lớp học vẽ, mình dạy hoàn toàn là vì sở thích, thậm chí còn có lúc lỗ. Vậy mà khi quay trở về từ Sài Gòn, đã có nhiều bạn đợi mình từ trước, vậy là mình gom được một lớp khoảng chừng 10 người. Mình cũng hướng dẫn vẽ theo phương pháp tiếp cận mới (như mình chia sẻ phía trước), mọi người thấy hay và đi học rất đông. Mình không cần phải chạy quảng cáo hay truyền thông rầm rộ, mà mọi người cứ tự giới thiệu với nhau. Việc mình chuyển từ Sài Gòn về Hà Nội và mở lại các lớp học cũng là một dấu mốc lớn. 

Dấu mốc thứ ba là khi mình vào trường Mỹ thuật. Khi đi học, mình bắt đầu hiểu sâu sắc hơn bản chất của việc vẽ, dấu mốc này giúp mình thay đổi Khá nhiều trong tư duy và cách tiếp cận.

Lớp học Hồng Xiêm giờ có các lớp học trực tiếp tại Lý Nam Đế, Hà Nội. Các bạn cũng có thể theo dõi các hoạt động của Hồng Xiêm trên website và trên fanpage Facebook.

Điều mình tự hào nhất là chưa bao giờ mình được ở trong một tập thể những con người tri thức như thế. Những học viên đến với Hồng Xiêm đều rất văn minh, trí thức, đáng yêu và tốt bụng. 

Mình tin rằng, những người như vậy sẽ nhận biết được đâu là kiến thức thật. Cùng với việc dạy, mình vẫn thực hành vẽ thường xuyên. Vậy nên mình nghĩ kiến thức của mình khá “tươi” và thực tế. Đó cũng có thể là lý do Hồng Xiêm thu hút được nhiều học viên chất lượng.

Cảm ơn bạn và chúc Hồng Xiêm sẽ phát triển hơn nữa!

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa