XÉO XỌ giải thích 2 tiếng “xéo xọ" vốn không có nghĩa, và bằng cách đó, XÉO XỌ cho khách hàng cơ hội được tự tưởng tượng, định nghĩa về XÉO XỌ dựa trên trải nghiệm cá nhân. Nhưng tôi rất tò mò: Cái tên XÉO XỌ đã lóe lên như thế nào, và điều gì khiến 2 chị cảm thấy “ồ, đây chính là cái tên mình sẽ đặt cho thương hiệu”?
Chị Hương: “Xéo Xọ" là một cái tên rất lạ, chính chúng tôi cũng phải thừa nhận điều đó. Cái tên này đến một cách rất ngẫu hứng và tình cờ. Một hôm, tôi đang lướt Facebook thì bắt gặp một bài đăng có từ “xẹo xọ" trong đó. Tôi quay sang bảo Hằng: “Hay đặt tên brand của mình là XÉO XỌ?” Hằng gật đầu, thế là chúng tôi… chốt tên luôn.
Hiện tại, XÉO XỌ tập trung vào những dòng sản phẩm nào?
Chị Hằng: Chúng tôi tập trung sản xuất những bộ trang phục làm từ lụa tơ tằm. Tôi bị thu hút bởi sự ngẫu hứng rất thú vị, rất riêng của dòng lụa cao cấp được thiên nhiên ban tặng này. Tùy theo mật độ sợi tơ và cách dệt, màu sắc và chất liệu của từng thớ vải sẽ đem đến những cảm nhận hoàn toàn khác biệt, không giống với sự đồng đều của vải công nghiệp thông thường.
Khó khăn lớn nhất khi chọn lụa tơ tằm làm chất liệu chính là gì?
Chị Hằng: Lụa tơ tằm yêu kiều nhưng không kém phần đỏng đảnh. Khâu xử lý và may đều rất phức tạp, khổ lụa cũng nhỏ nên khi sản xuất, chúng tôi tốn nhiều vải hơn so với khi sử dụng các chất liệu khác.
Chị Hương: Chúng tôi phải thử nghiệm rất nhiều trong quá trình sản xuất. Để làm ra những sản phẩm bạn thấy ở đây hôm nay, chúng tôi đã thử và điều chỉnh liên tục suốt một năm. Chúng tôi tìm nguồn cung cấp ưng ý nhất, tự mặc đồ để cảm nhận chất liệu, và chỉ bán ra cho khách hàng khi bản thân chúng tôi đã hài lòng.
Chị Hằng: Nói vậy nhưng trong tương lai gần, chúng tôi chưa nghĩ đến việc từ bỏ lụa tơ tằm để chuyển sang một chất liệu khác. Càng làm, chúng tôi càng hiểu và yêu lụa tơ tằm. Chúng tôi chấp nhận trả giá bằng những thử nghiệm tốn kém để ngày càng cải thiện chất lượng của sản phẩm trao gửi tới khách hàng.
Một trong những thời điểm XÉO XỌ “tỏa sáng" nhất trong năm chính là mùa Tết, khi những thiết kế áo dài của XÉO XỌ có thể được bắt gặp ở khắp mọi nơi. Quá trình tạo nên BST áo dài thường diễn ra như thế nào?
Chị Hương: Quá trình này thường mất khoảng một năm. Tức là sau khi ra mắt bộ sưu tập Tết năm nay, chúng tôi ngay lập tức bắt tay vào các công đoạn chuẩn bị cho mùa Tết kế tiếp, từ việc chọn lọc ý tưởng, cho đến phác thảo họa tiết, test màu lên vải… Tất cả những công đoạn kể trên đều rất mất thời gian.
Đơn cử, chúng tôi phải “nâng lên đặt xuống" từng ý tưởng để tránh rủi ro “đập đi xây lại” về sau. Chúng tôi thử đi thử lại để chọn được màu vải ưng ý. Chúng tôi điều chỉnh họa tiết không biết bao nhiêu lần để đảm bảo hình vẽ trên máy và hình in lên vải khớp màu nhau nhất có thể. Đến khi có được thành phẩm cuối cùng, chúng tôi lại gấp rút chụp ảnh sản phẩm, lên bài truyền thông, chăm sóc khách hàng post-purchase.
Sự thành công của BST áo dài năm trước có tạo nên áp lực cho hai chị khi suy nghĩ về BST mùa Tết năm sau?
Chị Hương: Thật lòng là có. Ngoài áo dài trơn, XÉO XỌ còn làm những mẫu áo dài họa tiết kể câu chuyện văn hóa Việt. Mỗi BST của chúng tôi là một câu chuyện, và mỗi mẫu áo là một lớp lang trong câu chuyện đó. Có những thời điểm chúng tôi ngồi lại và tự hỏi nhau: “Năm nay mình phải kể gì bây giờ? Còn câu chuyện thú vị nào mà mình chưa khai thác? Làm thế nào để truyền tải câu chuyện ấy qua 4 mẫu áo dài Tết năm nay?”
Chưa kể, màu áo dài cũng là một bài toán đau đầu khác. Năm nào chúng tôi cũng làm 4 mẫu áo dài với 4 màu khác nhau, nhưng phải đáp ứng được tiêu chí “tối thượng: Dễ mặc, không kén da, năm sau không trùng màu với năm trước. Quanh đi quẩn lại, chúng tôi… bí màu làm áo dài.
Nhưng chúng tôi xem những áp lực ấy là điều đương nhiên phải có trong quá trình làm sản phẩm. Càng khó khăn, chúng tôi càng gắng sức để tìm ra những màu sắc và câu chuyện mới. Hết cảm hứng từ hội họa, chúng tôi tìm cảm hứng nơi chùa chiền. Khai thác văn hóa nơi này đủ nhiều rồi, chúng tôi lại đi tìm câu chuyện của những vùng miền khác.
Thật lòng, đã năm nào BST áo dài của XÉO XỌ không nhận được sự đón nhận như kỳ vọng?
Chị Hằng: Chúng tôi không đặt kỳ vọng quá cao, mà tập trung làm tốt nhất mỗi BST trong khả năng của mình. Gu của khách hàng rất đa dạng và khó đoán định, nên thật lòng chúng tôi khó lòng dự đoán chính xác khả năng đón nhận đối với từng BST. Có thể bạn rất yêu, rất mê BST năm nay, nhưng đến BST năm sau, bạn lại thấy… bình thường. Nhưng nhìn chung, trộm vía chưa năm nào chúng tôi phải cảm thấy thất vọng.
Ý định khởi tạo một thương hiệu thời trang đã đến với hai chị như thế nào?
Chị Hương: Điểm xuất phát là chúng tôi… rảnh và nghèo (cười). Đó là bữa tất niên tại nhà một người bạn chung của tôi và Hằng. Hai đứa đang đứng rửa bát thì tôi quay sang Hằng: “Ê, làm gì kiếm tiền không?” Ngay hôm sau, cả hai đã có mặt ở chợ Đông Tác để nhặt đồ cũ về bán. Bán được vài hôm thì… nghỉ Tết, rồi chúng tôi thấy đồ secondhand không chất lượng như mong muốn. Thế là chúng tôi rẽ hướng sang làm đồ thiết kế.
Ý tưởng về XÉO XỌ được 2 chị thai nghén từ khi nào? Mất bao lâu để 2 chị biến XÉO XỌ từ ý tưởng thành hiện thực?
XÉO XỌ ra đời từ 9 năm trước, và được triển khai chỉ sau… một đêm. Nhìn chung, cả hai người chúng tôi đều thuộc tuýp người hành động nhanh. Hôm trước gật đầu đồng ý kinh doanh chung là hôm sau đi chọn hàng. Hôm trước muốn mở cửa hàng thì hôm sau phải book vé đi khắp nơi tìm nội thất
Đâu là những cột mốc đáng nhớ nhất trên hành trình của XÉO XỌ?
Chị Hương: Cột mốc quan trọng nhất với tôi là show diễn của XÉO XỌ năm 2018. Đến giờ, thi thoảng chúng tôi vẫn đùa nhau: Show diễn chẳng khác nào đám cưới của Hương và Hằng (cười). Chúng tôi mời rất nhiều khách hàng và bạn bè đã đồng hành cùng XÉO XỌ suốt 7-8 năm làm nghề, nên khâu chuẩn bị bận rộn khỏi nói. Nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng đã có với nhau một đêm đáng nhớ. Xúc động lắm.
Chị Hằng: Một cột mốc khác là năm 2019, khi XÉO XỌ lần đầu tiên làm áo dài. 2019 là thời điểm rộ lên trào lưu áo dài cách tân với tà ngắn, phom bó, rồi cũng đủ kiểu xòe bùng. Thật lòng mà nói, tôi… rất không thích. Tôi tôn trọng và yêu thích phom dáng truyền thống của những chiếc áo dài, kín đáo, suông dài; nên khi chứng kiến trào lưu áo dài… ngắn, tôi tự nhủ XÉO XỌ sẽ không bao giờ đặt chân vào địa hạt này.
Thế rồi một cách rất vô tình, tôi và Hương được kết nối với một bạn họa sĩ rất giỏi thông qua một người bạn chung. Sau một hồi đau đầu vì… không biết vẽ gì, chúng tôi đành thử làm áo dài, vì chỉ duy nhất áo dài có khả năng thể hiện được trọn vẹn bức tranh của bạn họa sĩ, do lợi thế phom dáng suông dài và rộng rãi. Không ngờ khách hàng đón nhận bộ sưu tập áo dài của XÉO XỌ rất nhiệt tình. Cột mốc đó khiến tôi và Hương thêm tự tin vào bản thân để khẳng định chỗ đứng của mình giữa dòng trào lưu “áo dài ngắn".
Đối tượng khách hàng mà XÉO XỌ hướng đến là những ai? Liệu họ có chia sẻ với nhau một điểm chung nào đó về cốt cách, giá trị?
Chị Hằng: Khách hàng của XÉO XỌ là những người phụ nữ độc lập về kinh tế và biết mình muốn gì. Bước vào cửa hàng XÉO XỌ, họ biết chắc họ muốn một chiếc quần màu xanh chứ không phải màu tím, biết cơ thể mình hợp với sản phẩm có phom dáng thế nào. Các chị cũng toát lên một vẻ nữ tính rất yêu kiều, nhẹ nhàng và lịch sự.
Giá trị cốt lõi nhất, quan trọng nhất mà XÉO XỌ mong muốn mang lại cho khách hàng của mình là gì, ngoài một bộ trang phục đẹp để họ khoác lên mình?
Chị Hương: Tôi nghĩ khi mặc đồ XÉO XỌ, các chị thấy mình nữ tính hơn, yêu bản thân hơn.
Chị Hương: Tôi muốn các chị cảm nhận được họ đang mặc một sản phẩm có câu chuyện văn hóa, và vì vậy đó là món đồ các chị có thể sử dụng trong nhiều năm. Kể cả khi không mặc nữa, các chị cũng cảm thấy đó là món đồ được cất ngay ngắn, thẳng thớm trong tủ, chứ không phải một chiếc áo, chiếc quần mặc được vài lần là pass. Tôi nghĩ nếu làm được, thì đó ắt hẳn là một phần thưởng rất lớn cho người làm sản phẩm.
Nếu được chọn một điều mà 2 chị yêu nhất về XÉO XỌ, thì đó là?
Chị Hằng: Với tôi, đó là cửa hàng XÉO XỌ. Càng ngày những cửa hàng của XÉO XỌ càng đẹp lên, và được khen ngợi nhiều hơn. Cũng đúng thôi, bởi những ngày đầu tiên mình đâu có nhiều tiền để làm bày trí đúng như tưởng tượng, mà hiểu biết về thẩm mỹ vẫn còn nghèo nàn lắm. Qua nhiều năm, cái gu của chúng tôi được tôi luyện và phát triển. Chúng tôi biết nhiều chất liệu hơn, cũng có thêm ý tưởng về kiểu dáng, nội thất. Cửa hàng XÉO XỌ cũng vì vậy mà đẹp và xịn hơn rất nhiều. Chúng tôi yêu những cửa hàng vô cùng, bởi đó như là ngôi nhà thứ 2, thứ 3 của hai đứa tôi.
Hai chị lựa chọn không gian cho XÉO XỌ dựa trên những tiêu chí nào?
Chị Hằng: Chúng tôi muốn tạo ra những không gian đậm chất Hà Nội. Đó là lý do chúng tôi luôn kiếm tìm những ngôi nhà cổ có trần cao, sử dụng nội thất bằng gỗ trong cửa hàng, có một tấm gương to, đèn chùm trên trần nhà, lát sàn gạch bông hoặc sàn gỗ.
Chị Hương: Chỉ cần bước vào cửa hàng, tôi có thể cảm thấy thoải mái ngay tức thì. Mỗi cửa hàng của chúng tôi đều có cửa chính lớn, với hai cửa sổ lớn hai bên giống những ngôi nhà cổ Hà Nội. Ngày xưa, mỗi lần bắt gặp những ngôi nhà cổ trên đường, chúng tôi đều ghé lại ngắm nghía, chụp ảnh, và ước ao một ngày được sở hữu ngôi nhà tương tự cho chính mình.
Hiện tại XÉO XỌ có tổng cộng bao nhiêu cửa hàng?
Chị Hương: Chúng tôi có ba cửa hàng, một đặt tại Sài Gòn, hai cửa hàng còn lại ở Hà Nội, trên con phố Hội Vũ và Nam Ngư. Cửa hàng Nam Ngư này được mở hoàn toàn… bất chợt, chứ không nằm trong kế hoạch nào cả. Từ lâu chúng tôi đã ấp ủ mong muốn có một cửa hàng riêng dành cho lụa tơ tằm và áo dài, và khi may mắn có được ngôi nhà Nam Ngư này, chúng tôi đồng ý với nhau ngay lập tức: Cơ duyên đến rồi, làm thôi!
Chị Hằng: Chúng tôi đã đi qua ngôi nhà Nam Ngư này từ rất lâu. Lần nào ghé ngang, tôi cũng tự nhủ “Không biết bao giờ XÉO XỌ mới thuê được ngôi nhà này nhỉ?” Thế rồi một ngày đẹp trời, ngôi nhà… rơi vào tay chúng tôi, đúng nghĩa (cười).
Với 2 chị, điều quan trọng nhất khi xây dựng một local brand là gì?
Chị Hương: Đó là sự kiên trì. Hành trình khởi nghiệp rất gian nan. Bạn phải đối mặt với khó khăn gần như mỗi ngày; và khi bạn còn “nghèo", thì độ khó còn nhân lên gấp nhiều lần. Tôi không có lời giải nào khác ngoài cứ kiên trì vượt qua. Ngày xưa, tôi và Hằng còn có một câu “thần chú": Không bỏ cuộc. Chỉ cần lơ là niềm tin ấy một chút thôi, có lẽ chúng tôi đã ngã xuống ở đâu đấy trên hành trình này rồi.
Chị Hằng: Chẳng nói đâu xa, hồi mới bắt đầu chúng tôi nghèo và “non" lắm. Có cửa hàng trong tay mà chúng tôi vẫn mù mờ về hướng đi kế tiếp. Có những lúc chúng tôi gần như không có doanh thu, mà chi phí vận hành vẫn phải trả như bình thường. Chúng tôi bối rối và loay hoay vô cùng.
Chị Hương: Đến bạn bè tôi còn không thể tin được chủ XÉO XỌ mà lại nghèo đến thế…
Chị Hằng: Ngày ấy mọi người thấy hai đứa tôi có cửa hàng to, nhưng họ không biết trong túi hai đứa chỉ có vỏn vẹn mấy triệu tiền vốn làm ăn. Tôi phải bán bớt không biết bao nhiêu túi xách, áo quần để có tiền vận hành XÉO XỌ. Nhưng rồi chúng tôi cũng qua được giai đoạn nhọc nhằn đó. Trải nghiệm này để lại cho chúng tôi một bài học mà tôi nghĩ founder nào cũng phải để tâm: Tiết kiệm.
Chẳng hạn, tôi và Hương đặt ra quy định tương đối “ngặt nghèo" về khoản lương trả cho hai đứa. Ít lắm, có khi lương của founder còn ít hơn cả lương của nhân viên và quản lý tại cửa hàng. Chúng tôi xác định với nhau tiền có được phải dùng để tái đầu tư, và cho đến khi XÉO XỌ có thể vận hành tương đối ổn thỏa, chúng tôi mới nhận mức lương dư dả hơn trước. Trong khoảng 2-3 năm đầu tiên, chúng tôi nợ nhiều và phải trả dần. Mỗi sáng mở mắt ra, chúng tôi sẽ nhẩm tính trong đầu xem… hôm nay phải trả bao nhiêu nợ.
Để tồn tại lâu dài và được công nhận trên thị trường, một local brand Việt cần vượt qua những định kiến nào?
Chị Hằng: Định kiến lớn nhất là những nghi ngờ của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Tôi vẫn nhớ ngày bé mỗi lần bố mẹ mang một món đồ từ Nga về, thì đó ắt hẳn là một món đồ tốt vô cùng, thậm chí hàng chục năm đã trôi qua, một số món đồ vẫn tiếp tục được gia đình tôi sử dụng. Tâm lý “hàng ngoại là hàng xịn", vì thế, mà bén rễ trong tâm trí người tiêu dùng Việt suốt bao nhiêu năm nay. Khi tự mình kinh doanh một thương hiệu thời trang Việt, chính tôi cũng phải đối diện với định kiến ấy. Sẽ có người thắc mắc đồ XÉO XỌ làm sao tốt bằng đồ ZARA; người ta có cửa hàng mặt tiền ở trung tâm thương mại lớn trên đường Bà Triệu, mình thì nép ở một ngõ phố nhỏ, vậy mà mức giá của XÉO XỌ ngang bằng với ZARA, thậm chí có những món còn đắt hơn cả ZARA. Đó là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các founder thương hiệu Việt nỗ lực định vị mình trong lòng người tiêu dùng Việt.
Nếu được dành một lời khuyên cho những người đang khao khát khởi tạo một thương hiệu thời trang Việt, hai chị sẽ nói…?
Chị Hằng: Phải đi học! Chúng tôi là hai người trẻ tay ngang bước vào thời trang, vừa đi vừa mò, và chia sẻ thật lòng, việc đó mệt mỏi, áp lực và tốn kém vô cùng. Chúng tôi không thể đếm được số lần hai đứa phải trả giá bằng tiền tiền, rất nhiều tiền. Ngược lại, nếu bạn có kiến thức, có nền tảng giáo dục tốt, đường đi nước bước của bạn sẽ rõ ràng và thuận lợi hơn rất nhiều. Chưa nói đến việc khi làm nghề, bạn sẽ nhanh có được sự tôn trọng và tin tưởng hơn.
Chị Hương: Đến bây giờ chúng tôi vẫn đang tiếp tục học đây. Có những thứ người ta đã biết từ 10 năm trước, thế mà đến bây giờ chúng tôi mới “ồ à".
Trong 1 năm, 3 năm, 5 năm nữa, hai chị hy vọng XÉO XỌ phát triển như thế nào?
Chị Hương: Trong 1 năm tới, chúng tôi sẽ cố gắng vận hành thật tốt cửa hàng Nam Ngư, và chuẩn bị cho BST áo dài ra mắt vào mùa xuân tới. Còn bức tranh của 3 năm và 5 năm nữa thì… chúng tôi chưa nghĩ tới. Tôi và Hằng không phải những người kinh doanh mộng mơ, cũng tránh nói đến những mục tiêu quá dài. Tôi nghĩ đợt bùng dịch vừa qua đã dạy cho chúng tôi bài học của sự ứng biến. Không dám nói trước điều gì, chúng tôi chỉ nỗ lực làm hết sức mình trong 365 ngày kế tiếp mà thôi. Ai mà biết rồi chuyện gì sẽ đến (cười).