Tưởng rằng tất cả những người làm thương hiệu đều bắt đầu với một đích đến tham vọng, lớn lao, khao khát một cú hích thật viral để theo đà mà phát triển, nhưng hóa ra… không phải. Duy Khánh và Phương Anh - 2 người đồng sáng lập thương hiệu mỹ phẩm thuần Việt Skinlosophy - bước lên cuộc hành trình ý nghĩa với một mục tiêu trước mắt rất… thẳng thắn và giản đơn: Kiếm đủ tiền tiêu vặt cái đã.
Điều đó không có nghĩa là họ thiếu tham vọng hay nỗ lực. Ngược lại, 10 năm qua, Duy Khánh và Phương Anh liên tục ném mình vào những cuộc chơi khó khăn hơn bao giờ hết. Đó là nỗ lực phá bỏ định kiến của người tiêu dùng Việt về mỹ phẩm nội địa, về thành phần Đông y; là cuộc tiên phong mang tên “mỹ phẩm waterless".
Và điều ý nghĩa nhất, lớn lao nhất trên hành trình ấy, là Duy Khánh và Phương Anh đã tìm thấy nhau. Họ có chung cái thứ “quái tính” rất dị biệt và khác lạ, nhưng lại bổ khuyết cho nhau về mọi mặt. Duy Khánh “máu" sáng tạo, Phương Anh giỏi thực thi. Duy Khánh giỏi bán hàng, Phương Anh giỏi quản trị. Họ không phải những người giỏi nhất, nhưng là hai người phù hợp nhất. Ngẫm nghĩ lại, đó không phải là triết lý mà Skinlosophy theo đuổi đó sao, rằng mỗi làn da đều mang triết lý riêng của mình, không có sản phẩm nào là tốt nhất, chỉ có sản phẩm phù hợp nhất?
Tại thị trường Việt Nam, Skinlosophy là thương hiệu hiếm hoi đang sử dụng nhuần nhuyễn những sản phẩm và bài thuốc Đông Y từ ngàn xưa, kết hợp cùng những hợp chất Tây Y để tạo ra những sản phẩm làm đẹp mới lạ, cạnh tranh. Cá nhân tôi nhận thấy các thương hiệu mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên tại Việt Nam đang tương đối đơn sơ về số lượng, mà cũng không phù hợp về tầm giá. Ngược lại, Skinlosophy định vị mình là thương hiệu hướng đến việc sử dụng những nguyên liệu tinh khiết nhất, tốt nhất, mới nhất, với chất lượng tiệm cận phân khúc mid-end tới high-end của nước ngoài.
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất, cốt lõi nhất để làm thương hiệu mỹ phẩm nằm ở tình yêu và niềm tin của bạn với cái đẹp và các sản phẩm làm đẹp. Nếu startup với mục đích thuần túy thương mại, coi mỹ phẩm là một mặt hàng vô hồn, bạn sẽ chẳng thể nào thấu hiểu, đồng cảm với những niềm vui nỗi buồn của người tiêu dùng được đâu! Bạn không hiểu sự tự ti khi không thể xuất hiện trong những buổi hẹn hò với diện mạo đẹp đẽ nhất của bản thân, hay niềm hạnh phúc khi thấy mình đẹp hơn theo năm tháng. Đó là động lực để Skinlosophy đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, liên tục cải tiến sản phẩm để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm khác biệt nhất, hiệu quả nhất.
Chúng tôi nhắc đi nhắc lại với nhau về một từ khóa quan trọng: Reinvent. Đôi khi, tôi chán nản khi nhìn thấy thái độ… lười thay đổi của một số nhãn hàng. Thị trường này không tồn tại theo quy tắc “tôi thắng thì anh thua". Khi tất cả nỗ lực cải tiến cùng nhau, thị trường sẽ phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc đấy!
Có thể nói, trái tim của Skinlosophy chính là phòng nghiên cứu. Tôi và Phương Anh - hai người sáng lập - đã đầu tư rất nhiều vào đó. Thậm chí, chúng tôi tự mình có những đóng góp cho nghiên cứu khoa học để trở thành thành viên của những cộng đồng và hội đồng nghiên cứu khoa học. Trở ngại lớn nhất khi làm thương hiệu mỹ phẩm nội địa, nhất là những sản phẩm có thành phần Đông Y, là định kiến: kem trộn. Tôi cho rằng định kiến này xuất phát từ hai vấn đề chính: Một, tâm lý cho rằng Việt Nam chưa tạo được dấu ấn trên bản đồ khoa học thế giới; hai, sự nhũng nhiễu của một số đơn vị kinh doanh.
Trước chướng ngại ấy, chúng tôi vẫn quyết tâm làm Skinlosophy và làm cho thật tới. Nếu làm những thứ dễ dàng mà người khác đã làm rồi, chúng tôi sẽ nhận được kết quả mà ai cũng có được. Tâm thế của Skinlosophy là tạo ra sự khác biệt trên thị trường. We don't copy, we create.
Tôi vốn có kinh nghiệm làm marketing trong ngành làm đẹp theo truyền thống gia đình. Khi tiếp xúc với khách hàng, tôi nhìn ra một mong muốn ẩn sâu: Họ không chỉ muốn chăm sóc da khỏe đẹp, mà còn đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên đạt đến độ tinh túy. Nhưng rào cản của họ là gì? Quy trình sử dụng các bài thuốc cổ truyền tương đối phức tạp, còn sản phẩm nước ngoài thì có giá thành quá đắt đỏ. Quan sát ấy khiến tôi nảy lên một ý tưởng: Nếu mình kết hợp những nguyên liệu thiên nhiên bản địa với những thành phần Tây Y hiện đại, và tối ưu sản phẩm đó, thì sao?
Đúng lúc đó, tôi gặp Phương Anh trong một lớp học thêm. Phương Anh là truyền nhân trong một gia đình ba đời làm Đông y. Phương Anh mang sản phẩm mặt nạ trứng gà mình làm đến lớp cho bạn bè sử dụng, và tôi chợt nghĩ: “Yes, đây rồi!” Chúng tôi bắt tay với nhau từ đấy.
Tôi nghĩ rằng khi ấy tôi và Phương Anh đang vô thức tìm nhau. Tôi cần một người làm nghiên cứu để thử nghiệm ý tưởng trong đầu; còn Phương Anh cần tìm một người có tư duy thẩm mỹ để thương mại hóa sản phẩm. Ban đầu, chúng tôi đồng hành với nhau bằng một thứ tham vọng đơn sơ - kiếm đủ… tiền tiêu vặt; rồi theo thời gian, mục tiêu ấy cứ thế được nuôi lớn dần lên. Chúng tôi đầu tư “tất tay", nghiêm túc vào việc thành lập phòng nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm đột phá, khác biệt hoàn toàn so với thị trường.
Skinlosophy ra đời vào năm 2013. Trong 3 năm đầu tiên, chúng tôi tập trung thử nghiệm và ra mắt các sản phẩm mới. Bước ngoặt lớn nhất xuất hiện vào năm 2016, khi AEON Mall mong muốn có sự hiện diện của Skinlosophy - một thương hiệu Việt - tại hệ thống siêu thị của họ. Lời mời ấy là một vinh dự, cũng là cơ hội để chúng tôi bảo chứng hình ảnh, chứng minh chất lượng với người tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, cuộc chơi cũng trở nên thách thức hơn nhiều lần khi Skinlosophy buộc phải chuyên nghiệp hóa với tốc độ cực nhanh. Chúng tôi phải cung cấp đủ giấy tờ kiểm nghiệm của Bộ Y Tế cho tất cả các nguyên liệu Đông Y trong sản phẩm. Các sản phẩm của Skinlosophy phải được sản xuất tại nhà máy đạt chuẩn CGMP. Cùng lúc đó, chúng tôi phải gấp rút thành lập tư cách pháp nhân cho Skinlosophy. Tôi và Phương Anh vay mượn đủ đường, “co kéo” mọi chi phí để làm cho bằng được.
Dĩ nhiên đây là thứ chúng tôi xác định “kiểu gì cũng phải làm" ngay từ đầu, nhưng chúng tôi vốn tưởng cột mốc ấy còn xa lắm. Khi cơ hội đến bất ngờ, chúng tôi kiên quyết nắm lấy bằng mọi giá, trong thời gian nhanh nhất có thể. Còn đâu cái phong thái từ tốn, thong dong ban đầu! (cười). Chúng tôi mất 1 năm để chính thức xuất hiện trên các quầy kệ của AEON Mall. Một thành tựu mà giờ đây nghĩ lại, tôi vẫn chưa hết xúc động, tự hào.
Nói thế này thì có vẻ không… ra dáng doanh nhân lắm, nhưng ban đầu chúng tôi tạo ra thương hiệu này để bán cho bạn bè, người thân, những người mà chúng tôi yêu mến. Sau một thời gian vận hành, chúng tôi mới khái quát những chân dung quen thuộc ấy thành một nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể. Họ là những người ở độ tuổi 25-35, có tâm hồn yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật, có gu thẩm mỹ khác biệt.
Skinlosophy đề cao việc tối giản hóa quy trình chăm sóc da và trấn an người tiêu dùng. Chúng tôi muốn họ cảm thấy skincare là một trải nghiệm đầy niềm vui mà họ có thể làm dễ dàng, tận hưởng và thư giãn, thay vì một quy trình rườm rà, căng thẳng. Skinlosophy không muốn làm thương mại trên nỗi sợ hãi và bất an của khách hàng.
Hiện tại, Skinlosophy đang đặt nhà máy ở Long An, một phòng nghiên cứu ở Hà Nội, và… không cửa hàng vật lý.
Nói sao nhỉ, với tôi, đây là một nỗi đau của Skinlosophy. Chúng tôi đã bỏ rất nhiều tiền để làm một cửa hàng xinh xắn. Nhưng khách hàng chỉ đến một lần, rồi họ… tiếp tục mua hàng online. Đó là lời nhắc nhở rằng chúng tôi thuộc thế hệ doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có thể thành lập đế chế của mình trên nền tảng online. Thực tế cũng cho thấy rằng 80 - 90% doanh thu của Skinlosophy đến từ các kênh online, vậy nên chúng tôi thống nhất việc mở cửa hàng vật lý sẽ thuần túy phục vụ mục tiêu branding. Đó là lý do vì sao vào năm ngoái Skinlosophy đã đóng cửa hàng cuối cùng của mình, và chỉ ký gửi sản phẩm tại một số cửa hàng xinh xắn để khách hàng qua trải nghiệm nếu có nhu cầu.
Tôi nghĩ rằng trong tương lai, nếu tài chính dư dả, tôi sẽ mở cửa hàng hoành tráng hẳn, như một không gian triển lãm vậy đó. Làm vì… đam mê thôi, không có khách đến cũng được (cười).
Nhìn lại hành trình 10 năm của Skinlosophy, tôi muốn đánh dấu lại ba cột mốc quan trọng nhất. Thứ nhất là khi Skinlosophy nhận được lời mời xuất hiện tại hệ thống AEON Mall. Thứ hai là khi CNN tìm đến phỏng vấn Skinlosophy. Thứ ba là khi Skinlosophy chính thức trở thành một thương hiệu có tư cách pháp nhân.
Như đã chia sẻ từ đầu, chúng tôi không bắt đầu Skinlosophy với một tham vọng lớn lao. Càng làm, giấc mơ của chúng tôi lại lớn lên thêm một chút. Có một câu chuyện thế này. Sau khi Skinlosophy được CNN phỏng vấn, quỹ đầu tư Mekong Capital đã tìm đến với Skinlosophy. Trong buổi nói chuyện, họ đã hỏi mơ ước và hoài bão của chúng tôi là gì? Tôi trả lời rất đơn giản: Viễn cảnh đẹp nhất là Skinlosophy có 2 cửa hàng ở Hà Nội và Sài Gòn, phát triển song song với cửa hàng online; còn lại, chúng tôi thấy hiện tại đã quá là tốt đẹp rồi. Mỗi năm chúng tôi lại tốt hơn một chút, vui hơn một chút, và chứng kiến Skinlosophy đủ đầy hơn một chút theo năm tháng.
Đêm trước, tôi và Phương Anh đã nói với nhau về hành trình phía trước của Skinlosophy. Chúng tôi có chung một suy nghĩ: 10 năm đã trôi qua, và mọi thứ mới chỉ bắt đầu. 10 năm dài không? Dài quá đi chứ. Nhưng chúng tôi xác định đây là sự nghiệp cả đời, vậy nên chúng tôi hướng đến rất nhiều lần 10 năm nữa. Nhưng mặt khác, chúng tôi vẫn luôn động viên nhau: Thế này là tốt lắm rồi. Tôi không ngủ quên trên chiến thắng - dĩ nhiên rồi, nhưng cách tôi lớn lên cùng Skinlosophy là làm theo những gì bản năng mách bảo. Cuộc chơi này, tôi chọn cách tạo ra quy luật thay vì chơi theo luật của người khác.
Có một điều mà gần đây tôi để ý, ấy là những người xung quanh còn sốt ruột về mức độ tăng trưởng của Skinlosophy còn… hơn cả chúng tôi. Càng yêu quý mình, người ta càng đặt nhiều kỳ vọng vào mình. Còn tôi thì nghĩ khác. Nếu bạn không đặt ra quá nhiều kỳ vọng thì mọi thành tựu bạn đạt được sẽ trở thành phần thưởng. Và nếu bạn yêu công việc bạn làm, thì không phải bạn đang lao động, mà là đang sống một cách vui vẻ, tận hưởng.