Có thể bạn đã từng bắt gặp cái tên Daoonclouds (Nguyễn Ngọc Dao) trong những số tạp chí J.O.Y Magazine với danh xưng Creative Director; hay tác giả của những bài viết vừa sắc sảo bén ngót, vừa trữ tình nên thơ. Hoặc có thể bạn biết đến Daoonclouds trong vai trò người làm branding cho các thương hiệu. Kể ra như vậy là để thấy, Daoonclouds vốn đã là cái tên “nổi tiếng" với vai trò một người làm sáng tạo, nghệ thuật.
Và rồi, cuối năm 2022, trên tài khoản Instagram của mình, Daoonclouds bắt đầu chia sẻ những story đầu tiên về một lớp học mang tên D16 Creative Class - một quyết định khiến tôi bất giác gật gù, “nên là như thế". Dù chưa biết D16 rồi sẽ mang dáng vẻ thế nào, nhưng từ những điểm chạm đầu tiên ấy, tôi có cảm giác D16 hẳn sẽ “làm nên chuyện”, phần vì D16 được thai nghén từ một hệ tư tưởng, triết lý vững vàng.
Ở thời điểm hiện tại, D16 Creative Class là mô hình lớp học cung cấp các buổi workshop và khoá học ngắn hạn, với hệ thống môn học phong phú xoay quanh lĩnh vực nghệ thuật và ngành nghề sáng tạo. Tuy nhiên, trong tương lai, nó sẽ được nâng cấp lên thành một mô hình cao hơn với những hoạt động mở rộng, nhưng vẫn giữ đúng tinh thần và triết lý cốt lõi ban đầu. Có thể nói D16 Creative Class là mô hình đầu tiên ở Việt Nam có trải nghiệm học được thiết kế đặc biệt, toàn diện, tạo ra một phương thức tiếp cận mới lạ và chú trọng giáo dục nhằm mục đích phát triển tâm hồn. Mình muốn xây dựng một trải nghiệm “học mà chill" - vừa đảm bảo chất lượng dạy và học, vừa tạo được sự thư thái và hứng khởi, bởi trí sáng tạo sẽ được kích hoạt tốt nhất khi chúng ta ở trong trạng thái thoải mái nhất.
Mình quan niệm giáo dục cũng là một loại hình sản phẩm dịch vụ với những đặc thù riêng. Nó phải đáp ứng tốt những tiêu chí cơ bản về chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ, và trải nghiệm về không gian. Đặc biệt, không gian học phải có khả năng đánh thức tất cả các giác quan, đó là lý do vì sao không gian của D16 là sự tổng hòa của visual (thị giác), âm thanh (thính giác), mùi hương (khứu giác), chất liệu (xúc giác). Mình rất tự hào khi cả giáo viên lẫn học viên của D16 đều có chung cảm nhận rằng đây là một lớp học “duy nhất", “chưa từng có".
Bạn hãy thử nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang học Calligraphy trong không gian của D16. Một căn phòng trắng muốt ngập nắng trên tầng ba của một ngôi nhà Pháp cổ giữa lòng Hà Nội, được ôm lấy bởi tiếng nhạc piano nhè nhẹ, bởi mùi hương hoa hồng, mùi thơm của mực và giấy mới. Thi thoảng, vài chú chim ríu rít chuyền cành ngoài ban công xanh mướt hót một giai điệu dễ thương, vài tiếng rao của người bán hàng rong đi ngang phố vọng lại. Còn bạn, bạn có thể gác lại mọi thứ ngổn ngang trong đầu để tập trung vào nét bút. Nghe ngòi bút đi sột soạt, từ tốn trên giấy. Cảm nhận bàn tay đang chạm vào bề mặt giấy thô sần. Nếu mỏi tay, bạn đặt bút xuống, nhấp ngụm trà hay cafe mà lớp học đã chuẩn bị sẵn trên bàn. Hãy thử hình dung bản thân trong không gian ấy, và bạn sẽ hiểu được điều mình muốn nói (cười).
Về chương trình học, D16 tập trung chủ yếu vào những môn học về nghệ thuật hoặc liên quan đến tư duy sáng tạo. Các môn học này sẽ được xếp thành hai nhóm: Nhóm chỉ phù hợp với hình thức workshop mang tính trải nghiệm, và nhóm có thể phát triển về chiều rộng và chiều sâu để xây dựng khóa học.
Ngoài ra, D16 cũng tổ chức những buổi workshop với các chủ đề xoay quanh văn hóa truyền thống vào những thời điểm phù hợp với nguồn gốc và ý nghĩa của từng chủ đề nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá văn hóa nhiều hơn là giảng dạy. Đội ngũ D16 muốn tạo ra một cách tiếp cận nhẹ nhàng và thú vị để khơi gợi hứng thú và sự quan tâm, yêu mến của mọi người dành cho những yếu tố văn hoá mà chúng mình đang truyền đạt.
Trong cuốn “Trước sự nô lệ của con người” của Hòa thượng Thích Minh Châu có một đoạn thế này: “Giáo dục không phải chỉ là huấn luyện cho một đứa trẻ trở thành một nhà trí thức để hành nghề và giữ một địa vị an bài trong xã hội. Trí thức phải được chuyển hoá thành trí tuệ… Trí tuệ là đồng lúc với Bi (tâm từ bi) và Dũng (lòng dũng cảm).”
Đối với mình, giáo dục nên phục vụ cho sự phát triển toàn diện của con người, bao gồm cả tri thức bên ngoài lẫn trí tuệ nội tại. Thứ trí tuệ nội tại đó có quan hệ mật thiết với sự phát triển tâm hồn và tình yêu thương. Nếu như phần quan trọng này bị thiếu hụt, sự phát triển của một con người sẽ bị mất cân bằng giữa “bên ngoài” và “bên trong”.
Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để hỗ trợ con người phát triển và nuôi dưỡng tâm hồn? Mình nghĩ rằng, muôn đời nay con người làm sáng tạo nghệ thuật để diễn tả thế giới nội tâm, thậm chí là những điều vô hình hay siêu hình cao hơn cấp độ nhận thức thông thường. Đó chính là lãnh địa của tinh thần và tâm hồn - có nghĩa chúng sẽ là phương tiện hữu hiệu cho việc giáo dục phát triển tâm hồn. Đáng tiếc, giáo dục đang ngày càng quá chú trọng đến các tri thức phục vụ cho “thành quả bên ngoài” - tức đời sống vật chất, mà lãng quên các vấn đề bên trong. Wassily Kandinsky có một câu miêu tả rất đúng tình trạng này: “Sức mạnh tinh thần thuần túy ư, được xem nhẹ đã là may lắm rồi, còn thì chẳng ai thèm lưu ý tới nữa", và ông gọi đó là “thời kỳ suy đồi của thế giới tinh thần".
Với D16, mình mong muốn góp phần bù đắp cho lỗ hổng đó bằng cách tạo ra một nơi có trải nghiệm học đặc biệt cho các bộ môn sáng tạo nghệ thuật, để mọi người dễ dàng tiếp cận và nảy sinh hứng thú với việc sáng tạo nghệ thuật. Từ đó, nghệ thuật len lỏi, bám rễ vào cuộc sống và tâm hồn con người, trở thành thói quen và thường thức thay vì một điều xa vời. Nghệ thuật giúp con người chậm lại một chút để cảm nhận và yêu thương nhiều hơn, rồi tự tìm thấy sự thư thái, cân bằng cho chính mình. Trên thực tế, đó chính là lúc con người ta chăm sóc và nuôi dưỡng tâm hồn mình.
Mình có ý tưởng về D16 từ khoảng ba năm trước, ngay trước khi đại dịch Covid bùng lên. Trong giai đoạn lockdown ở trong nhà và phải tạm ngừng hầu hết các công việc, mình có nhiều thời gian hơn để nghĩ về nó, và rồi hình dung về một mô hình creative class dần trở nên rõ ràng. Đến cuối tháng 8 năm 2022, D16 chính thức được hiện thực hóa và đi vào hoạt động.
Ở giai đoạn đầu, đối tượng mà D16 hướng đến là những người yêu nghệ thuật, thích bay bổng, sáng tạo. Họ hướng tới một lối sống bền vững cả về thể chất lẫn tinh thần, đồng thời đang tìm cách để cân bằng thế giới bên ngoài và thế giới bên trong mình.
Hiện tại, học viên của D16 đa phần nằm ở độ tuổi từ 18 đến 35. Tuy nhiên, tùy vào sự phát triển mô hình trong từng giai đoạn mà đối tượng khách hàng sẽ có sự mở rộng về độ tuổi cũng như mục đích của người học. Chẳng hạn, với những khóa học chuyên sâu và nâng cao cung cấp khối lượng kiến thức lớn hơn, yêu cầu thời gian thực hành dài hơn, thì đối tượng học viên phù hợp là những bạn thực sự có đam mê, hoặc muốn học để phục vụ công việc, định hướng sự nghiệp tương lai.
Tuy nhiên, dù dành cho đối tượng nào, thì mọi khóa học vẫn luôn được thiết kế trên tinh thần chung của D16, trải nghiệm học phải đi kèm sự thư thái, hứng khởi, dễ chịu, kích thích khả năng sáng tạo và nuôi dưỡng tâm hồn.
D16 Creative Class được sinh ra tại Hà Nội, đơn giản bởi mình yêu Hà Nội. Mình tìm thấy sự đồng điệu về tâm hồn và kết nối về tinh thần với nơi đây. Mình cảm thấy thành phố này cần những người hiểu nó, yêu nó, kiên nhẫn ở lại với nó, làm đẹp cho nó cả về hình thức lẫn nội dung.
Quá trình mình tìm ra không gian cho D16 là một câu chuyện đặc biệt. Có thể nói mình và căn nhà Pháp cổ - nơi D16 hiện đang tọa lạc - đã “gặp” nhau như một cái duyên được số phận sắp đặt. Mình không hề đi tìm một địa điểm; và lẽ ra mình không định khai sinh D16 Creative Class vào thời điểm đó. Nhưng chính căn nhà này là lý do D16 được triển khai sớm hơn rất nhiều so với dự định vốn có trong mình. Sự xuất hiện tình cờ của căn nhà khiến mình cảm thấy, có lẽ vũ trụ đang gửi một thông điệp đến mình: Đừng chần chừ nữa, đây chính là thời điểm thích hợp.
Và bạn biết không, dù được tìm thấy trong sự không tính toán, không định trước nhưng kỳ lạ là căn nhà này đáp ứng mọi tiêu chí mà mình cần. Nó mang một vẻ đẹp rất Hà Nội, phảng phất ký ức của văn hóa và lịch sử, len lỏi dấu vết của thời gian. Đó là một ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ cao và rộng để ánh sáng tự nhiên tràn vào nhiều nhất có thể, một chiếc lò sưởi, một chiếc ban công rộng rãi được bao phủ bởi cây cối và rộn ràng tiếng chim, cùng một căn phòng áp mái nhỏ nhắn, ấm cúng. Chính tại nơi đây, mình cảm nhận thấy một dòng chảy kết nối giữa quá khứ và hiện tại, mà điểm giao thoa là một câu chuyện mang phong vị Hà Nội.
Mình bắt tay vào làm D16 với một số vốn rất ít ỏi trong tay. Và khi bị hạn chế về nguồn lực tài chính, bất cứ quyết định nào cũng phải được cân nhắc thật kỹ càng. Thậm chí, bạn phải học cách chấp nhận rằng sẽ có những thứ không được như bạn mong muốn.
Mặc khác, vì nguồn tiền không đủ dồi dào nên mình buộc phải tinh giản bộ máy nhân sự, nghĩa là nguồn lực con người bị hạn chế và mình phải ôm đồm nhiều việc. Trong giai đoạn đầu tiên khi nhân sự còn non nớt, mình cũng phải dành ra rất nhiều thời gian, công sức để đào tạo và uốn nắn. May mắn là các bạn rất nghiêm túc, chăm chỉ và cầu tiến, nên theo thời gian mọi thứ đã tốt dần lên.
Ngoài ra, mọi thứ khác đối với mình đều không phải khó khăn gì ghê gớm. Mình thích lao động trí óc và lao động nghệ thuật, đam mê làm việc với ý tưởng, nội dung, hình ảnh, mong muốn biến những tưởng tượng trong đầu thành hiện thực. Với mình, hành trình này giống như một thử thách đầy hứng khởi mà mình được “chơi hết mình". Tuy có nhiều lúc cũng cảm thấy mệt, áp lực và vất vả nhưng “no pain no gain" mà, mình thấy hạnh phúc vì những thành quả xứng đáng.
Trong 1 năm tới đây, D16 sẽ hoàn thành giai đoạn phát triển thứ hai: Xây dựng các khóa học nâng cao hoặc khóa học chuyên sâu cho một số bộ môn như Vẽ màu nước, Calligraphy, Cắm hoa, Fashion Illustration…, đồng thời đưa thêm những bộ môn mới, chương trình mới vào hệ thống môn học. Một số hoạt động cộng đồng hoặc khuôn khổ hợp tác liên quan đến văn hoá nghệ thuật sẽ được triển khai. Sau 5 năm, mình hy vọng D16 sẽ có thể phát triển quy mô cả về chiều rộng lẫn chiều sâu để trở thành một “trường học sáng tạo", đúng như mục tiêu mà mình luôn hướng tới. Trên hành trình đó, mình mong rằng D16 sẽ hoàn thành được những sứ mệnh của mình và tiếp tục nhận được sự yêu mến, ủng hộ của mọi người.
Nếu phải chia sẻ một bài học mà mình nghĩ sẽ đúng cho tất cả các chủ doanh nghiệp, thì đó là: Phải có niềm tin mãnh liệt vào việc mình làm và không ngừng nghĩ về nó. Phải tập trung vào mục tiêu và hình dung rõ nét nhất có thể, như thể ta đang vẽ một bức tranh trong đầu. Bức tranh càng cụ thể và sống động thì con đường dẫn đến mục tiêu của bạn càng rõ ràng, và bạn sẽ biết mình cần làm gì. Việc bạn tập trung hết mình và vận động về phía mục tiêu cũng sẽ trở thành một thứ lực hấp dẫn những yếu tố giúp sức đến với bạn.
Bên cạnh những đúc rút về branding hay kinh doanh nói chung, mình muốn nhấn mạnh một điều quan trọng mà có thể các bạn ít nghĩ tới, đó là xây dựng mạng lưới các mối quan hệ, trong đó bao gồm đối tác tiềm năng, bạn đồng hành trong công việc, cộng sự, người hỗ trợ… Dĩ nhiên, đây không phải thứ tự nhiên mà có, mà phải được xây dựng dần dần theo thời gian; nhưng nếu làm được, mạng lưới quan hệ sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình bạn xây dựng một doanh nghiệp - hay xa hơn là một “di sản" cho riêng mình.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn phải trở thành một người thực dụng, chỉ mải miết đầu tư vào những mối quan hệ “có lợi". Mình nghĩ một người chỉ nhìn vào lợi ích thì sẽ không thể nhận lại mối quan hệ đáng giá. Thay vào đó, bạn hãy luôn là một người chân thành, chính trực, tử tế, và không ngừng cố gắng để hoàn thiện bản thân. “Mây tầng nào gặp mây tầng ấy”, nếu bạn là người giỏi giang và tử tế, những người giỏi giang và tử tế tự nhiên sẽ xuất hiện và đồng hành cùng bạn.