Với những người quan tâm đến ẩm thực, đam mê việc bếp núc, hay chỉ đơn giản là yêu thích những content nấu nướng rất đẹp và bình yên, thì Culinary Frank hẳn là một cái tên quá đỗi quen thuộc. Những video nấu ăn của Frank không chỉ đẹp một cách thong dong, yên ả, từ tốn, mà còn hấp dẫn bởi cách kể chuyện bằng âm thanh. Frank cũng không phải một đầu bếp nghiệp dư tại nhà, hay chỉ nấu ăn vì sở thích; mà là một đầu bếp theo đuổi sự nghiệp một cách nghiêm túc, đam mê.
Người ta biết Culinary Frank đã sinh sống và có công việc ổn định tại Úc trong một thời gian dài. Vậy nên khi Frank bất ngờ chia sẻ những hình ảnh đầu tiên của Society Cafe-Dining - mô hình quán cafe kết hợp dining do anh khởi tạo - lên mạng xã hội, nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Vì sao Frank lại quyết định quay về Việt Nam gây dựng sự nghiệp? Cảm hứng nào đã thôi thúc Frank mở một mô hình cafe-dining? Và cái tên Society đã được tìm thấy ra sao? Mang theo tất cả những tò mò đó, The Influencer bước vào cuộc trò chuyện với Culinary Frank vào một ngày cận Tết tất bật.
Khi đi cafe ở Úc, tôi nhận ra rằng chuyện đi cafe không chỉ đơn giản là tìm một quán cafe để… ngồi. Ngược lại, khách hàng kỳ vọng được thưởng thức một ly cafe ngon và một bữa ăn vừa miệng, đặc sắc. Khách hàng Việt Nam hẳn cũng có nhu cầu tương tự, vậy nên tôi muốn sử dụng những kiến thức của mình trong ngành đầu bếp để tạo nên một mô hình cafe kết hợp dining, nhằm mang đến những trải nghiệm tuyệt vời không chỉ riêng về đồ uống, mà còn là ẩm thực.
Trước khi chọn Society làm tên thương hiệu, đã có một số cái tên được tôi đưa lên bàn cân nhắc. Một số tôi thấy không phù hợp, một số tôi lại muốn để dành cho những dự án sau. Khi ấy tôi mới nhớ đến một câu nói quen thuộc của ngành F&B mà tôi và vợ hay nói với nhau: Mỗi nhà hàng là một xã hội thu nhỏ. Đó là không gian chung của rất nhiều người với những cá tính, sở thích và câu chuyện khác biệt, nhưng đều chung một chí hướng là trải nghiệm ẩm thực. Vậy là cái tên Society chính thức được “thông qua".
Không chỉ riêng tôi, mà có lẽ mỗi người founder đều canh cánh trong lòng một câu hỏi lớn: Làm thế nào để tạo ra dấu ấn riêng cho thương hiệu của mình? Với Society, tôi mang câu trả lời vào trong những món đồ ăn, thức uống, từng góc không gian được chăm chút, sắp đặt chỉn chu. Chẳng hạn, tôi không vẽ ra một menu cầu kỳ cho quán, mà chọn phương án thay đổi menu thường xuyên để liên tục tạo ra sự mới lạ trong trải nghiệm. Tôi cũng không giới hạn ẩm thực trong phạm vi địa lý theo kiểu “ở đây chỉ phục vụ món Âu/ món Á". Tôi muốn Society là một sân chơi của ẩm thực, để mỗi đầu bếp được thỏa sức sáng tạo và khách hàng được thỏa sức trải nghiệm. Về phần mình, tôi cũng muốn thử xem liệu những kiến thức mình tích góp được suốt những năm qua có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng Việt Nam hay không.
Thời gian còn ở bên Úc, tôi đã chứng kiến sự phát triển của các quán cafe, và cá nhân tôi cũng rất hưởng thụ những trải nghiệm cafe tại Úc. Đó là cảm hứng giúp tôi nảy sinh ý tưởng về một quán cafe mang âm hưởng Úc tại Việt Nam, với những trải nghiệm đặc sắc, mới mẻ dành cho khách hàng.
Ý tưởng về một mô hình kết hợp giữa cafe và dining đã được tôi ấp ủ khá lâu, có lẽ cũng phải 4 - 5 năm nay rồi. Nhưng mãi mà tôi vẫn chưa tìm được thời điểm thích hợp để bắt tay vào triển khai. Khoảng thời gian trước tôi tập trung toàn lực cho việc đi làm và xây dựng kênh Culinary Frank. Sau đợt dịch, tôi quay về Việt Nam, và đó là lúc tôi cảm nhận ý tưởng trong đầu mình đã đạt đến độ chín muồi. Tôi quyết định tiến hành ngay lập tức.
Society mới đi vào hoạt động được một tuần (tính đến thời điểm thực hiện bài phỏng vấn - PV), với hai cột mốc đặc biệt đáng nhớ với tôi. Cột mốc đầu tiên là khi chúng tôi chọn được mặt bằng phù hợp. Bạn biết đấy, đây là một bước rất khó trong quá trình xây dựng một nhà hàng, cửa hiệu, có những founder phải đi tìm rất rất lâu. Chúng tôi lại tương đối may mắn vì tìm được nơi này một cách rất tình cờ, và các bước liên hệ, thương thảo, chốt thuê cũng diễn ra nhanh chóng. Chúng tôi đã thuê mặt bằng này chỉ đúng một ngày trước khi tôi quay lại Úc. Cột mốc thứ hai là ngày khai trương của Society. Dù vẫn còn một số thiếu sót, nhưng nhìn chung tôi có cảm giác và năng lượng rất tích cực để tiếp tục phát triển Society trên con đường dài.
Cột mốc tiếp theo có lẽ là khi tôi… được thong dong ngồi ở quầy bar hoặc ngồi ở bàn cạnh cửa sổ tại Society. Hiện tại tôi ít khi ngồi bàn tại Society, mà thường ở trong bếp hoặc đi lòng vòng xung quanh quán xem khách có cần gì hay muốn góp ý gì không. Cách đây 8 năm tôi đã từng kinh doanh, nhưng lúc đó tôi còn quá trẻ nên không tránh khỏi việc mắc những sai lầm. Lần này, tôi mong Society vận hành trơn tru hơn những doanh nghiệp trước. Tôi rất mong chờ cột mốc được ngồi tại Society, thảnh thơi tận hưởng thành quả mà mình đã cố gắng đạt được trong một khoảng thời gian dài.
Society hướng đến nhóm khách hàng trẻ, khoảng từ 25 - 30 tuổi. Không gian của Society thiên về trầm chứ không quá xô bồ, nhộn nhịp, trẻ trung. Cho đến thời điểm hiện tại sau một tuần hoạt động, tôi thấy mình đã đưa ra lựa chọn khá đúng về tập khách hàng.
Society hiện được đặt tại Sài Gòn - quê hương tôi. Thú thực, tôi không nghĩ tới một nơi nào khác để bắt đầu thương hiệu của riêng mình. Dù đã sống và làm việc ở Úc một thời gian khá dài, có một điều gì đó vẫn thôi thúc tôi quay về Việt Nam phát triển sự nghiệp. Như người ta nói đó, đi thật xa để trở về mà. Đặc biệt là sau đợt dịch, tôi nhận ra mình không muốn xa gia đình trong những thời điểm khó khăn như vậy, với tất cả những trăn trở, lo lắng. Đó cũng là một phần động lực để tôi quyết tâm quay về nhà.
Khi tìm mặt bằng cho Society, chúng tôi ưu tiên những không gian mở, thoáng. Ban đầu chúng tôi định làm nhiều tầng, nhưng nghĩ lại lại… thôi, vì nhiều tầng thì rất khó để quản lý bao quát tất cả. Vậy nên chúng tôi quyết định chỉ làm một tầng, tạo ra một không gian để khách hàng cảm thấy họ luôn được chào đón. Với tôi, ý nghĩa đích thực của ngành F&B là những câu chuyện, những chia sẻ, chiêm nghiệm, đồng cảm giữa người làm dịch vụ và khách hàng.
Như vậy, khách ngồi quầy bar sẽ có một trải nghiệm thú vị: Họ được quan sát tận mắt quy trình chế biến của đầu bếp. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, họ có thể trò chuyện trực tiếp với chúng tôi. Miếng… ăn là đầu câu chuyện mà. Giống như khi bạn bước vào một quầy bar, bạn bartender hỏi “hôm nay bạn cảm thấy như thế nào?” và pha ra một món nước đại diện cho tâm trạng của bạn hôm ấy. Đó là một thứ trải nghiệm mà tôi muốn mang đến ở Society, thông qua ngôn ngữ của cả đồ uống lẫn đồ ăn.
Khi Society còn là một ý tưởng sơ khai trong đầu, tôi thấy nó… màu hồng lắm. Tôi tưởng tượng đủ điều, “nó sẽ thế này, phải thế kia…” Nhưng khi thực sự bắt tay vô làm, tôi mới đối mặt với quá trời chướng ngại. Tôi ở nước ngoài rất lâu, nên khi làm một thương hiệu tại quê nhà, tôi phải nhanh chóng học cách quán xuyến, quản lý tất cả mọi thứ. Làm thế nào để phối hợp bên thiết kế, bên công trình và bên xây dựng để kịp tiến độ? Làm thế nào để tìm nguồn cung nguyên liệu chất lượng mà giá cả lại hợp lý? Làm thế nào để tuyển được một đội ngũ có năng lực và hiểu được cái tinh thần mình muốn truyền tải, mà lại phải… hợp làm việc với nhau? Đó, nhìn chung là một quãng thời gian thử thách, nhưng ngẫm nghĩ lại thì tôi vẫn thấy vui. Dẫu sao tự thân mình cũng đã đúc rút được nhiều bài học cho những dự án kinh doanh sau này. Sau này giả sử tôi có mở quán thứ hai, thì hẳn những kinh nghiệm đã có sẽ giúp tôi bớt bỡ ngỡ so với lần đầu.
Tôi nghĩ rằng hiện tại tôi cảm thấy biết ơn tất cả mọi thứ. Tôi hy vọng càng ngày, khách hàng Việt Nam càng có những trải nghiệm F&B tuyệt vời hơn nữa. Mọi món đồ ăn, thức uống phải đạt được đến mức “ngon" chứ không chỉ dừng lại ở mức “chấp nhận được". Đó cũng là kỳ vọng mà tôi đặt ra cho Society. Mong là trong tương lai không xa, Society có thể phát triển hơn nữa, và biết đâu, một Society sẽ “hạ cánh" ở Hà Nội thì sao?