Trong suốt một chặng hành trình làm sáng tạo thật dài của bản thân, đã có những lúc tôi tưởng chừng như “rơi xuống đáy”, khi mà mọi nỗ lực tan vào hư không và chưa thấy mang lại kết quả gì; tôi cảm giác bị burn-out và kiệt sức trên chính con đường mà mình lựa chọn, từng nhiệt huyết muốn bước trên; đã có lúc tôi muốn từ bỏ vì “chán” làm nội dung;…
Tuy nhiên sau tất cả, tôi đã vực dậy được tinh thần và tiếp tục để bản thân được nhảy múa với từng con chữ, tôi đã tiếp cận được 20.000 reach lần đầu tiên, nhận được những trái ngọt sáng tạo nội dung mang về; tôi tự tin và trưởng thành hơn, có được nhiều cơ hội hợp tác với các nhà sáng tạo/-khách hàng khác, hơn hết là tôi đã học được những bài học cực kỳ tâm đắc từ chính hành trình của mình. Chính những bài học ấy đã đưa tôi đến sự hài lòng và thỏa mãn khi làm nội dung ngày hôm nay.
Trong đó có ba bài học tôi muốn chia sẻ tới độc giả của bản tin The Next Creator như bên dưới.
Nếu như trước đây tôi sáng tạo mỗi khi tôi thích, tôi không có kế hoạch gì khi soạn và đăng tải nội dung, tôi nghĩ ra gì thì tôi viết nấy, ngày nào không nghĩ ra thì tôi lại ép khô bản thân để vắt ra từng con chữ, nhưng vẫn chẳng mấy hiệu quả.
Ngoài việc nghĩ rằng nội dung sẽ mang đến một góc nhìn cho khán giả, tôi chưa từng hình dung ra cách mà từng nội dung của mình tác động đến mọi người, hoặc chúng có ý nghĩa gì trong việc đóng góp vào hành trình phát triển của khán giả, của kênh mà tôi đang tâm huyết xây dựng.
Bằng trải nghiệm xây kênh Instagram @unlockyourpotential.vn, tôi hiểu được mỗi nội dung, mỗi bài viết tôi viết ra đều tự chọn mang cho chính nó một chức năng nhỏ để đóng góp vào sự phát triển của một kênh/-thương hiệu như:
Có nội dung được tôi giao cho một chức năng như: nội dung để tạo uy tín, nội dung để tăng tiếp cận, nội dung để gầy dựng chuyên môn, nội dung tăng tương tác,… Mặt khác, cũng có những nội dung được nền tảng chọn cho các chức năng như tôi vừa kể trên.
Hiểu được điều đó, khiến tôi thoải mái và cân đối việc sáng tạo dễ dàng hơn, tôi không còn quá lo lắng khi chưa kịp chuẩn bị nội dung mà lại tới giờ đăng bài, tôi giữ sức bền được lâu hơn, và sức bền thục sự rất quan trọng đối với các nhà sáng tạo, đặc biệt là các nhà sáng tạo mới chân ướt chân ráo vào nghề, nên việc cân đối và phân phối nội dung sao cho bản thân cảm thấy không áp lực và kiệt sức là rất quan trọng.
Hẳn là có rất nhiều nhà sáng tạo cũng như tôi, ngay từ khi mới bắt đầu tôi đã đặt ra cho bản thân một vài KPI, và dựa trên các con số, 5000 follower, 50.000 lượt tiếp cận một tháng,... Sau đó tôi đọc được rất nhiều chia sẻ rằng những con số ấy cũng chẳng mấy quan trọng, mọi người đề cao những giá trị khác có thể mang lại cho độc giả, cảm thấy chỉ cần sáng tạo và cống hiến hết mình là đủ.
Cá nhân tôi cảm thấy chưa đủ. Như ở trên tôi chia sẻ: Con số có hồn khi chúng ta hiểu được nó.
Một ngàn lượt chia sẻ bài viết cho ta thấy điều gì? Bài viết chạm đúng những nỗi đau mọi người quan tâm, tôi có thể triển khai thêm các nội dung về chủ đề này để tiếp tục phát triển mạnh thương hiệu chẳng hạn. Lèo tèo vài lượt like cho ta thấy điều gì? Ta viết chưa hay, tiếp cận nội dung chưa đủ thỏa mãn khán giả, chủ đề không được quan tâm,…
Một trăm bình luận cho ta thấy điều gì, ta khơi gợi được cảm xúc muốn tương tác của khán giả, hoặc nội dung kích thích được ham muốn chia sẻ của mọi người. Không có bình luận nào cho ta thấy điều gì? Ta chưa làm được những điều vừa kể trên. Biết như vậy, các nhà sáng tạo sẽ đo lường và phân tích được tâm lý và hành vi tiêu thụ nội dung của khán giả, từ đó rút ra cho tôi những kết luận riêng, xây dựng nên một chiến thuật mới, đưa thương hiệu của mình lên tầm cao hơn.
Vì vậy, con số đối với tôi rất có hồn, rất quan trọng. Và ngoài việc sáng tạo, có lẽ các nhà sáng tạo còn phải học thêm một kỹ năng nữa, kỹ năng phân tích dữ liệu từ các con số.
“Sáng tạo nội dung không chỉ là hành trình một mình” là điều tôi được nghe rất nhiều từ mentor Hà Minh. Nếu như trước đây tôi nghĩ, làm sáng tạo là làm tự do, làm tự do là làm một mình, thì bây giờ đã khác. Chúng ta vẫn làm một mình, nhưng cùng nhau là điều tôi tâm đắc nhất khi làm việc cùng team Vũ Trụ Creator, và đó cũng chính là lý do team tôi ra đời, cộng đồng Vũ Trụ Creator ra đời.
Thật là may mắn và cực kỳ tuyệt vời khi có người đồng hành, có người hỗ trợ và có người nâng đỡ, bảo ban trong hành trình sáng tạo nội dung của riêng mình, và các nhà sáng tạo chúng ta ai cũng có thể mang đến cho bản thân điều ấy, nhờ kết hợp với các nhà sáng tạo khác; hoặc có một nơi đủ văn minh, đủ an toàn, đủ chuyên môn để chúng ta có thể mặc sức vùng vẫy, mặc sức đặt câu hỏi, mặc sức chia sẻ và luôn có người sẵn sàng hỗ trợ, sẵn sàng giúp đỡ mà điển hình là cộng đồng Vũ Trụ Creator chẳng hạn.
Với cá nhân tôi, kể cả trước khi là ban cán sự của cộng đồng, hay một thành viên, việc cộng đồng đã hiện diện ở đó khiến tôi cảm thấy cực kỳ an tâm, như một lớp học, một đường lui cho hành trình của mình. Mỗi khi thấy sáng tạo mệt quá, tôi lại tìm đến cộng đồng để được cho lời khuyên, để núp mình và lắng nghe chia sẻ của mọi người, cũng nhờ đó mà tôi được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, nội lực, và quay trở lại tiếp tục với hành trình của riêng mình.
Vậy cho nên, nếu bạn nghĩ hành trình làm sáng tạo là cô đơn, thì bạn sẽ bỏ xuống được cảm giác ấy khi đồng hành cùng một cộng đồng như Vũ Trụ Creator, hoặc bất kỳ một cộng đồng nào khác cho bạn cảm giác thuộc về.
Sáng tạo là một hành trình dài hơi, là một cuộc chơi xem ai bền lòng và vững chí hơn. Làm sáng tạo, không có thành công nào đến sau một đêm, có chăng là sự chuẩn bị và nỗ lực ngày này qua tháng nọ, là công sức, mồ hôi, đôi khi cả những giọt nước mắt. Bước trên hành trình dài ấy, không trang bị cho mình một niềm tin đủ mạnh mẽ, một tâm hồn đủ can trường, một lối từ duy cởi mở và đúng đắn, những kiến thức chuyên môn và nền tảng thì sẽ không bao giờ đi được tới đích.
Sau những tháng ngày thăng trầm ngụp lặn với việc từ bỏ và tiếp tục, burn out và kiệt sức, tôi đã đúc kết được những vấn đề cốt lõi, là nguyên nhân khởi phát ý niệm “muốn từ bỏ” từ chính mình, cũng có thể là của nhiều nhà sáng tạo khác. Hy vọng sau khi đọc bài viết này, bạn có thể tự rút ra cho bản thân những bài học riêng, tạo ra những phương pháp cá nhân hóa dành cho chính mình và ứng dụng chúng vào hành trình tạo nội dung, sao cho giữ được sự thoải mái cho bản thân, tối ưu được hiệu quả, và bền bỉ duy trì tần suất. Có như vậy, bạn mới tồn tại và tiếp tục cuộc chơi sáng tạo này được, và thành công sẽ cách bạn không xa.
Bài viết được thực hiện bởi Vũ Trụ Creator - thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Đón đọc bản tin hàng tuần của Vũ Trụ Creator tại: https://www.thenextcreator.vn/
Tìm hiểu thêm về Vũ Trụ Creator tại: https://beacons.ai/vutrucreator