2PILLZ: Bài “nếu lúc đó” là tấm bằng đại học để bố mẹ tin rằng “Thằng bé này làm được!”

22 tuổi, bỏ ngang việc học để về nước theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. 25 tuổi, trở thành một trong những producer đại diện cho thế hệ GenZ được săn đón nhất hiện nay. 2pillz, hay còn có tên thật là Phạm Phú Nguyên - có câu chuyện điển hình của một người trẻ sẵn sàng dấn thân để theo đuổi ước mơ.
Happy Meomeo
26/05/2023
2PILLZ: Bài “nếu lúc đó” là tấm bằng đại học để bố mẹ tin rằng “Thằng bé này làm được!”

22 tuổi, bỏ ngang việc học để về nước theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. 25 tuổi, trở thành một trong những producer đại diện cho thế hệ GenZ được săn đón nhất hiện nay. 2pillz, hay còn có tên thật là Phạm Phú Nguyên - có câu chuyện điển hình của một người trẻ sẵn sàng dấn thân để theo đuổi ước mơ. Một câu chuyện có thể bạn đã nghe quen tai từ lâu, nhưng chắc sẽ không lần nào là thôi ấn tượng bởi sự nỗ lực và tài năng của người sẵn sàng thực hiện nó. 

Điều gì đã khiến một học sinh lớp 11 tự dưng tập tành… làm nhạc? 

Một người bạn tên Phát là là người đầu tiên cho em nghe những bản nhạc EDM của các nghệ sĩ thời đó. Em cũng bắt đầu từ EDM và các set nhạc của các anh DJ nổi tiếng lúc bấy giờ. Nhìn họ được đứng trên sân khấu và chơi những bản nhạc để điều khiển cảm xúc của khán giả bên dưới - thật sự là một cảm giác khiến em phấn khích. Ban đầu, em tập tành làm DJ. Nhưng sau này, em mới nhận ra: Làm DJ thì cũng vui đấy, nhưng sẽ vui hơn nếu bật nhạc của chính mình. Và năm lớp 11, em bắt đầu lên Youtube, tải phần mềm làm nhạc về tập tành.

Sau đó, em có đi du học ngành công nghệ máy tính tại Temple University ở Philadelphia, Mỹ. Dịch Covid-19 diễn ra khiến em buộc phải về nước, đó cũng là thời điểm Rap Việt mùa 1 diễn ra và em nhận thấy đây chính là cơ hội để mình quay lại và đặt chân vào nền âm nhạc Việt Nam. Em quyết định bỏ ngang việc học và trở về.

Đang từ một du học sinh rồi quyết định bỏ ngang để theo đuổi việc làm nhạc - đây là một quyết định rất lớn đối với một người trẻ như em lúc đó. Gia đình em hẳn cũng sẽ có những phản ứng trái chiều? 

Đó là một câu chuyện rất dài. Nghĩ lại thì, em nghĩ chuyện bố mẹ không đồng ý là một điều tốt - việc đó khiến em phải nỗ lực nhiều hơn để chứng tỏ. Cũng mất một thời gian khá dài để chứng tỏ là mình có thể thực sự sống với công việc này, nhưng cuối cùng em đã làm được. Và bài “Nếu lúc đó” cũng là một tấm bằng đại học trên quá trình làm nhạc này, để bố mẹ có thể tin rằng: Thằng bé này cũng làm được đấy! Cứ tiếp tục đi! 

Thật ra, chuyện chứng tỏ cho bố mẹ thấy chỉ là một phần thôi! Điều quan trọng là em yêu âm nhạc. Nếu không phải âm nhạc thì em cũng không biết mình sẽ làm được gì khác. Ở nhà em chẳng có ai làm nghệ thuật. Tất cả các anh em producer em quen đều có nền tảng từ nhỏ, có người học chơi piano từ những năm 3-4 tuổi, rồi từ Nhạc viện ra. Có mỗi em đúng là một… thằng ất ơ từ trên trời rơi xuống. Em thấy mình thật sự rất may mắn khi được có mặt trong thị trường này, dù chỉ là một đứa tay ngang.

Khoảnh khắc nào lóe lên khiến em quyết định biến công việc làm nhạc từ cho vui thành sự nghiệp nghiêm túc? Một cú thúc đẩy nào đó khiến em quay ngoắt từ một kỹ sư công nghệ máy tính trở thành một producer? 

Chắc là thời điểm em gặp gỡ prettyXIX - một nghệ sĩ hiphop và cũng là bạn cùng trường của em. Bạn làm nhạc rất hay và em quyết định sẽ không làm nhạc một mình nữa mà sẽ đồng hành cùng anh bạn này. Ngày ấy, em không nghe nhạc Việt mà chỉ nghe nhạc US/UK, nhưng prettyXIX lại cho em nghe rất nhiều các bản nhạc mà người trẻ Việt Nam như LowG, Wxrdie, tlinh, MCK sáng tạo… Em đã rất wow khi thấy tư duy làm nhạc mới mẻ của các bạn trẻ Việt. Điều đấy khiến em càng muốn mày mò học cách làm nhạc để các bạn sáng tác trên nền nhạc đó. Trước đây, em chỉ sáng tác cho mình thôi, chỉ làm vui và chỉ làm vì thích. Nhưng bây giờ em làm là bởi, với âm nhạc đó, sẽ có người khác sử dụng và tạo thành một bản nhạc hoàn chỉnh. 

Cho đến năm 2019, em và prettyXIX trở về Việt Nam và tự tổ chức một show hiphop, mời tất cả các anh em underground có thể mời như DCOD, CDSL, Wxrdie, MCK,... bọn em diễn trên sân khấu của riêng mình, bật những bản nhạc mình làm, và chứng kiến các khán giả ở dưới đang thích thú, cuồng nhiệt với âm nhạc mình tạo ra… điều đấy khiến em sực nhớ rằng đây chính là thứ mình muốn! Mình từng muốn chơi nhạc của chính mình trên một sân khấu và khiến mọi người thích thú với nó - bây giờ mình đã làm được rồi. Sau show diễn đó chính là lúc em bắt đầu ngồi xuống cùng những người bạn của mình để lên kế hoạch lâu dài, suy nghĩ sẽ ngừng việc học để trở về làm nhạc cũng nhen nhóm ngay trong thời điểm đó. 1 năm sau, em bắt đầu tất cả theo kế hoạch đã định sẵn trong đầu. 

Chị để ý rằng trong các sản phẩm, em thường thử nghiệm rất nhiều thể loại và cảm xúc khác nhau. Từ nhạc… căng đến những bản nhạc giàu cảm xúc hơn như “nếu lúc đó”. Vậy nếu nói sản phẩm là đại diện cho người làm ra nó, thì em muốn mọi người nhớ đến em với một cá tính như thế nào? 

Một thứ âm nhạc nhiều cảm xúc. 

Như chị có nói, em không làm nhạc theo một thể loại nhất định. Thậm chí trong một bài có thể có rất nhiều thể loại, người nghe đôi khi không biết là họ đang nghe hiphop, ballad hay R&B,... bởi có rất nhiều thứ trong đó. Thật ra, em không quan tâm quá nhiều đến thể loại .Thể loại với em chỉ là chất liệu. Em quan tâm hơn là về cảm xúc, bởi cảm xúc mới là thứ chạm đến trái tim người nghe. 

Chị nghĩ điều đó một phần cũng đến từ bên trong con người em đó - một người nhiều màu sắc. Vậy nên khi em để con người bên trong bước ra thông qua âm nhạc, người ta cũng có thể nhìn thấy rất nhiều cung bậc bên trong đó. 

Vậy trong các sản phẩm từng làm, có sản phẩm nào khiến em ưng ý nhất? 

Chắc có lẽ là “nếu lúc đó” - một bài hát khiến em bất ngờ về tầm ảnh hưởng của nó. Em và tlinh đều nghĩ thành công sẽ đến, nhưng không ngờ mọi thứ lại nhanh đến vậy. Đó là một bài hát khiến em rất tự hào. 

Trước đây, em vốn là một người trẻ làm nhạc tự do trong môi trường underground. Việc đang được làm mọi thứ tự do và theo ý muốn của mình rất khác khi bước chân vào một môi trường công ty, với những người cộng sự. Điều gì khiến em quyết định gia nhập SHUBE Label? 

Em rất trân trọng việc vẫn được làm nhạc tự do ngay cả khi gia nhập một công ty. Với em, sự tự do trong âm nhạc là điều em luôn theo đuổi, các anh biết điều đó và cực kỳ tôn trọng những quyết định em đưa ra. Đặt chân vào một label, một công ty - em không chỉ được tự do sáng tạo mà còn được gặp những người trong nghề mà em vốn rất yêu mến và kính trọng. Vậy nên với em, đây còn là một cơ hội để học hỏi và sáng tạo cùng mọi người. 

Có một vấn đề mà rất nhiều các bạn trẻ underground phải đối mặt khi được biết đến nhiều hơn và bắt đầu ra nhiều nhạc hơn, đó là các bạn bị người nghe đánh giá là “mất chất”. Em thì sao? Em có sợ từ “mất chất”? 

Em đoán, sự “mất chất” chỉ xảy ra khi người làm nhạc quên đi gốc gác về âm nhạc của mình. Khi họ không làm những bản nhạc có màu sắc đó nữa thì người nghe âm nhạc đó sẽ nghĩ rằng họ mất chất. Em thì khác. Gốc gác của em là rất nhiều thứ. Em thậm chí còn không nghe hiphop từ khi bắt đầu, mà đó là rock, là pop, là… tạp nham. Nếu ai đó thích âm nhạc của em, dù nghe bản nhạc nào, họ vẫn thấy cái chất của em trong đó. Còn lại thì, em không nghĩ quá nhiều về việc mình nên làm thể loại nào, nên làm nhạc gì, kể cả có làm nhạc… mainstream thì em cũng thấy đó là điều tốt mà! Chỉ cần âm nhạc của em làm ra có thể chạm được nhiều người, thì em sẽ tiếp tục sáng tạo và không nghĩ quá nhiều - đó là điều em thật sự muốn. 

Quan điểm của em khiến chị thấy thú vị, bởi đa phần các bạn trẻ đến từ underground sẽ thường có cái nhìn khắt khe và khó tính khi nhắc đến nhạc thị trường. 

Em nghĩ mọi thứ đã rất khác so với trước đây rồi! Và đó là một điều tốt. Mọi người đang du nhập cái mới, đang sáng tạo ra những thứ người nghe chưa giờ được biết tới - điều đó chẳng phải rất tuyệt vời ư? Đó cũng là cơ hội cho em và các bạn producer, các bạn nghệ sĩ cùng lứa có cơ hội để thể hiện. Giờ đây, mọi người đã không còn gò bó mình trong một vòng tròn âm nhạc - nơi mỗi người chỉ chăm chăm làm nhạc kiểu của mình. Âm nhạc của thời đại là sự đa dạng và luôn tiến về phía trước. 

Người trẻ thì luôn có cá tính và những góc nhìn của riêng mình để đưa vào âm nhạc. Nghe trong thế giới người trẻ thì… hay đấy, nhưng âm nhạc đấy mang ra đại chúng lại bị nhận xét là lệch chuẩn, là phản cảm… vì khán giả đại chúng có những tiêu chuẩn và sự đánh giá riêng. 

Em biết rằng những cái mới sẽ mất thời gian để số đông cảm nhận được, và với em, đó là điều bình thường. Em tôn trọng khẩu vị âm nhạc của mỗi người, bởi chúng ta đến từ những nơi khác nhau, với những hoàn cảnh và môi trường khác nhau. Ta chỉ có duy nhất một điểm chung là cảm xúc - vậy nên em mới chọn cách tập trung vào nó. 

Vậy nếu nói về một case điển hình như “ghệ iu dấu của em ơi”, em có phản biện gì với những ý kiến trái chiều?

Em chỉ nghĩ rằng mỗi người có một gout âm nhạc khác nhau và mỗi người cũng sẽ mang đến một ý kiến khác nhau. Đây cũng là một cơ hội tốt để bọn em nhìn lại cách mọi người đang phản ứng với âm nhạc của mình, từ đó cân bằng lại để dung hòa mọi thứ tốt hơn. 

Liệu có sự rụt rè nào trong những sản phẩm tiếp theo không?

Bọn em không nghĩ là mình sẽ rụt rè mà chỉ nghĩ rằng đây sẽ là bài học cho chính mình, làm sao để cân bằng được cá tính của nghệ sĩ và thế giới bên ngoài.

Cảm ơn em và chúc em thành công với những dự định trong tương lai. 

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa