emagazine image
emagazine image

Trong POSE - một series về thế giới ballroom tại thành phố New York, anh Lý Thành Cơ tìm thấy một khái niệm nghe có vẻ bình thường nhưng lại hàm chứa ý nghĩa quan trọng: “Chosen family”, hay “gia đình lựa chọn”. Đây là gia đình mà các thành viên không gắn kết với nhau bởi quan hệ huyết thống máu mủ ruột thịt hay quan hệ pháp lý; thứ tồn tại giữa họ là tình yêu thương.


Lý Thành Cơ là người con của một gia đình lựa chọn như thế. Giữa đông đảo các hình mẫu gia đình hạt nhân, “gia đình chuẩn mực" mà xã hội định nghĩa, gia đình Lý Thành Cơ dường như là một sự tồn tại đặc biệt. Nhưng sự “đặc biệt" ấy không khiến họ tự ti hay xấu hổ; ngược lại, với Lý Thành Cơ, việc được lớn lên trong một gia đình lựa chọn là điều may mắn. Và khi lắng nghe những chia sẻ xuyên suốt hành trình trưởng thành của anh, ta vẫn bắt gặp những câu chuyện rất đỗi… đời thường. Đó là tuổi thơ quậy phá, là giai đoạn tuổi teen nổi loạn, là những thủ thỉ với mẹ về tình yêu, là công việc, sự nghiệp, và là mong cầu hết sức đơn giản: Có thêm thật nhiều năm bên gia đình để cùng trải nghiệm mọi điều tốt đẹp trong đời.

emagazine image

Quill Cloud

Tôi vẫn gọi hai mẹ là “bố mẹ”, vì người mẹ kia của tôi muốn được gọi là “bố”. Bố mẹ quen nhau khi mới ngoài 20, sống với nhau gần 50 năm cho tới khi bố mất. Chị gái tôi vốn là con của một gia đình hàng xóm đông con, sau được bố mẹ tôi đón về nuôi nấng. Đến năm chị lên cấp 3 thì tôi chính thức được “sáp nhập" vào hộ khẩu gia đình.

Câu chuyện nhận nuôi tôi có phần… kỳ bí và tâm linh hơn. Nhà bố mẹ ruột và bố mẹ nuôi tôi vốn quen biết nhau, cũng năng qua lại, gặp mặt do là bạn bè làm ăn (họ bán mì Quảng, nhà tôi bán cafe) và ở trong cùng một khu phố. Một lần bố mẹ ruột dắt tôi sang chơi cả ngày bên nhà bố mẹ nuôi. Nhưng không hiểu sao khi về nhà, tôi khóc ngằn ngặt 3 ngày 3 đêm không chịu ngủ; phải đến khi được đem ngược trở lại nhà bố Tư - mẹ Mười thì tôi mới chịu nín. Bên nhà ruột của tôi đông anh chị em, thấy thằng thứ… khó nuôi quá, nên rốt cục tôi được để lại cho bố Tư và mẹ Mười nuôi nấng trưởng thành.

Quill Cloud

Giống như mọi đứa bé sinh ra không mang định kiến, không có quy chuẩn, tôi ngày ấy hoàn toàn là một trang giấy trắng. Nếu không do những câu nói vô tình của những người xung quanh, hẳn tôi cũng không biết gia đình có gì đó đặc biệt. Từ hồi còn học lớp chồi, lớp lá, tôi đã nghe nhiều bạn học hỏi rất hồn nhiên: “Bố của cậu có vòng 1 to dữ vậy, sao lại gọi là bố?”


Một lần khác, khi vô bệnh viện thăm bố mổ sỏi thận, tôi kiếm cô y tá hỏi: “Bố con đâu rồi, bố con nằm phòng này nè cô?” Cô y tá nom ngạc nhiên lắm, còn hỏi ngược lại tôi: “Ủa này là phụ nữ mà, tên đệm là Thị, sao con gọi là bố?” Đó giờ tôi vẫn gọi bố là… bố, gọi bình thường và hồn nhiên mà không hề biết đến cái “chuẩn mực” ngoại hình của người được gọi là bố, là mẹ. Tôi chỉ biết tôi có bố Tư, mẹ Mười, họ hàng nội ngoại cũng gọi như vậy thành thói quen. Với tôi, từ ngày ấy cho tới bây giờ, gia đình tôi vẫn là một gia đình bình thường. Sự đặc biệt, có chăng, đến từ lời người khác nói.


Tôi và bố mẹ chưa bao giờ nói chuyện về hoàn cảnh gia đình, tôi chỉ thủ thỉ hỏi chị để xác nhận lại: “Hai người có phải… ô môi không?” (cười). Năm ấy tôi học lớp 6, bắt đầu có những nhìn nhận đầu tiên về giới tính, nên tôi tương đối hiểu những mối quan hệ đồng tính luyến ái giữa hai người nam và hai người nữ.


Tôi cũng nhận ra mình là gay vào những năm đầu cấp 2 ấy. Có lẽ chính vì bố Tư và mẹ Mười quá đặc biệt nên giây phút come out của tôi hoàn toàn không chút drama như trên phim ảnh. Cả nhà tôi xem đây là một chuyện hết sức… bình thường. Mẹ Mười còn nói, mẹ biết lâu rồi, thấy bạn trai Cơ qua nhà rước quài. Trời ơi, tôi thực sự yêu cái “bình thường đặc biệt" ấy của gia đình mình!


Từ đó về sau, mẹ cũng là người tôi hay tìm đến để tâm sự. Người xưa nói rồi, con gái quấn bố, con trai quấn mẹ. Thêm nữa, hồi nhỏ tôi khá quậy, hay bị bố đánh, sợ lắm, nên bố con tôi khó mà ngồi xuống trò chuyện với nhau. Mẹ thì khác, trong những cuộc đòn roi mẹ luôn là người can ngăn và đỡ tôi đứng dậy, vậy nên tôi cũng quấn mẹ hơn một chút. Nói gì thì nói, có lẽ mẹ cũng là người duy nhất trong nhà biết hết các đời bạn trai của tôi.

emagazine image

Quill Cloud

Vui, buồn đủ cả. Hồi xưa nhà tôi ở đoạn công trường Mê Linh, giờ khu đất đó nhìn ra sông Bạch Đằng. Bố mẹ tôi không có giấy tờ nhà, đến một ngày thì nhà bị tịch thu, đứa nhóc 5-6 tuổi là tôi phải tất tả phụ bố mẹ gom bàn ghế, đồ đạc vì sợ bị người ta lấy hết cả. Vốn là nhà tương đối khá giả vì bán cafe cho hải quan, vậy mà mất khu đất là bố mẹ mất trắng, phải làm lại mọi thứ từ đầu: bán cafe dành dụm tiền mua nhà, ở căn nhà thuê thấp gần sát mặt đất mà hễ mưa là ngập. Những ngày mưa, tôi phải leo lên ghế, ngồi co hết chân lên để viết bài. Nói chung tuổi thơ tôi tương đối cơ cực, nhưng giờ nhớ lại, đó lại là những kỉ niệm đáng nhớ. Phải đi qua khó khăn thì mình mới biết quý trọng những gì mình làm ra và đang có với gia đình hiện tại.

emagazine image

Quill Cloud

Bố mẹ tôi một người sinh năm 1945, một người 1950, lớn hơn tôi cả 40-50 tuổi, vậy nên khoảng cách thế hệ giữa tôi và bố mẹ không chỉ có, mà còn tương đối lớn. Khi trưởng thành và ra đời, tôi thành công ở những công việc mà bố mẹ chưa bao giờ tưởng tượng ra, như marketing và influencer là ví dụ. Bố mẹ không hiểu tôi làm gì, tại sao ở nhà suốt, đi chơi suốt mà vẫn có tiền.


Trước đây bố mẹ còn không dám mơ tôi thành danh. Hồi cấp 3 tôi rất quậy, không chút mảy may quan tâm đến chuyện trường lớp. Ba năm cấp 3 là ba năm tôi bị hạnh kiểm trung bình dù học lực đạt loại giỏi, thậm chí còn “ẵm" điểm 10 Văn - vốn là chuyện hiếm có trên đời. Nguyên một học kỳ mẹ phải thuê xe ôm theo dõi xem thằng Cơ trốn học đi miết đâu mà suốt ngày về nhà trễ (rồi phát hiện ra con trai mẹ trốn học thêm để đi net). Mẹ thất vọng lắm, mà hết cách rồi, mẹ chỉ ước thằng Cơ về sau ra đời được công ty nào đó nhận làm bảo vệ thôi là mẹ mừng. Thế mà rồi “thằng Cơ" của mẹ vẫn có bằng thạc sĩ, có sự nghiệp tự hào, còn chu du khắp thế giới.


May mắn là dù không hiểu công việc của tôi, mẹ vẫn luôn giữ thái độ cởi mở, không phán xét, đánh giá (thời điểm đó bố Tư đã mất). Có điều, mẹ vẫn quen cần kiệm, sợ… tiêu tiền của con. Chẳng nói đâu xa, riêng chuyện rủ mẹ du lịch nước ngoài, tôi phải năn nỉ mãi mẹ mới chịu đi cùng. Chưa hết, trước ngày bay mẹ còn đòi trả lại vé, bảo con cứ đi một mình đi. Nhưng thêm nhiều lần như vậy, mẹ tôi dần cởi mở hơn, tôi cũng coi như mình đang làm nhiệm vụ giúp mẹ thoát khỏi vùng an toàn, trải nghiệm nhiều thứ mới, bớt nặng nề chuyện tiết kiệm và cố gắng sống cho bản thân mẹ.


Đến giờ mẹ tôi đã đi được hai nước, ghé thăm nhiều điểm đến đẹp của Việt Nam. Tôi vẫn muốn dẫn mẹ đi thêm nhiều nơi thú vị, nên dù công việc khá bận rộn, tôi vẫn cố gắng đi ít nhất 2-3 chuyến mỗi năm với mẹ.

Quill Cloud

Tôi cãi nhau với bố mẹ nhiều, đặc biệt là với bố, mà toàn là những chuyện gia đình vặt vãnh hồi tuổi teen nổi loạn thôi. Đấy, nội chuyện học hành của tôi thôi cũng đủ khiến bố mẹ lao tâm khổ tứ rồi. Rồi đôi khi mình không kiềm chế được cảm xúc, thế là la làng ầm ĩ. Tôi nghĩ chuyện này nhà nào cũng có, không riêng gì nhà tôi.


Cho đến một ngày, tôi không còn cãi nhau với bố được nữa. Bố Tư tôi bị tai biến 10 năm. Sau khi bố mất, tôi vẫn thường nhớ lại những kỷ niệm với bố, phần nhiều trong số đó là những lần bị rượt đánh. Thật lòng, tôi không cổ xúy chuyện dạy con bằng đòn roi, nhưng cũng không nghĩ mình đã nói gì, làm gì với bố để phải hối hận. Tôi chỉ tiếc mình không có nhiều khoảnh khắc đẹp hơn với bố Tư. Ước gì những lần rượt đánh biến thành trò chơi cút bắt của hai bố con, để những ký ức của tôi về bố đẹp đẽ hơn, vui vẻ hơn.


Tôi cũng tiếc mình không thành công đủ nhanh để đưa bố Tư đi du lịch đây đó, cùng bố Tư trải nghiệm những điều bố có thể trải nghiệm. Bố Tư giống mẹ Mười, bố sống rất tiết kiệm và luôn vì người khác, đôi khi những mong muốn cá nhân lại không phải ưu tiên bố đặt lên hàng đầu.


Giờ chỉ còn mẹ, tôi chỉ mong có thêm thật nhiều năm với mẹ để hai mẹ con dành cho nhau nhiều thời gian hơn, để tôi được cùng mẹ trải nghiệm nhiều hơn. Tôi không trông mong điều gì quá xa vời.

emagazine image

Quill Cloud

Đợt bùng dịch vừa qua, chỉ có tôi và mẹ ở với nhau vì bố đã mất, chị gái thì qua Mỹ 2 năm trước đấy. Giai đoạn ấy mẹ tôi gần như rơi vào một cơn khủng hoảng tâm lý nặng nề. Không ai được ra ngoài, hẻm nhà tôi thì liên tục có người ra người vô, thậm chí có người đã mất vì COVID. Nghĩ lại, đó đúng là một cơn ác mộng. Nhiều khi nhìn mẹ, tôi cảm tưởng như đang thấy một đứa bé run lên, co mình vì sợ hãi. Về phần mình, nếu nói tôi không sợ thì không phải, chỉ có điều tôi kiểm soát nỗi sợ bên trong tốt hơn mẹ. Trong suốt thời gian cách ly, tôi nhận trọng trách đi chợ từ mẹ, order online đủ thứ đồ ăn thức uống cho đến nhu yếu phẩm. Sau khi dịch qua đi, tôi cảm giác ánh mắt mẹ nhìn tôi chứa nhiều phần tôn trọng hơn trước. Có lẽ, mẹ không còn xem tôi là đứa con nít học hành chểnh mảng, ra đời chỉ có đường đi làm bảo vệ như xưa. Giờ đây tôi đã trưởng thành, đủ cứng cáp để làm chỗ dựa cho mẹ rồi.

emagazine image

Quill Cloud

Có chứ.


Tôi nghĩ gia đình ấy sẽ có tôi và người yêu, chúng tôi sẽ nhận nuôi một đứa con và một dàn thú cưng. Và tôi sẽ tạo “áp lực trải nghiệm" cực mạnh cho con mình. Tôi muốn con được tự do tự tại làm mọi điều con mong muốn. Con cứ lăn xả đi, xem đâu là điều con giỏi và điều con thích. Con người có tận 7 loại thông minh, chỉ cần con khám phá bản thân mình hứng thú hay thuộc về bất kỳ nhóm nào, bố cũng sẽ để con đi tiếp con đường ấy. Riêng với chuyện nuôi dạy con, tôi quan niệm: Mình phải đi tìm thế mạnh của con cá, rồi mới tìm vũng nước phù hợp cho nó bơi lội. Áp lực mà con tôi phải gánh vác là con phải có lựa chọn của riêng mình, việc của bố chỉ là tạo điều kiện tốt nhất cho con.


Tôi nghĩ con đường tôi đã đi qua cho tôi nhiều bài học giá trị để dạy con sau này. Tôi có tư duy khá cởi mở, nên tôi tự nhận tôi sẽ là một ông bố Gen Z mẫu mực dù độ tuổi đã vượt quá mức quy định.


Bài học ở đây cụ thể là gì?


Như tôi đã nói, tôi là đứa nổi loạn, đến mức bố mẹ… chịu thua, để tôi tự do làm điều mình muốn, tin tưởng những thứ mình làm. Cái nổi loạn của tôi không phải hỗn hào nghịch láo; đơn giản là tôi chỉ muốn làm những điều mình thích mà thôi. Lên cấp 3 tôi không hứng thú với ba môn Toán - Lý - Hóa, không ai có thể bắt tôi học; nhưng riêng Anh - Văn thì tôi học tự giác, học say mê, môn nào cũng có điểm 10. Lên Đại học tôi tự chọn trường mình thích, khi ra đời cũng chọn công việc mình muốn lăn xả. Bố mẹ tôi gần như không can thiệp trong mọi câu chuyện chọn trường, chọn ngành của tôi.

Nhìn tôi trên mạng, chắc ít ai gắn tôi với từ “nổi loạn". Nhưng ngẫm lại, trong cuộc sống đâu phải ai cũng có quyền được lựa chọn. Mình có thể chọn điều mình đam mê, ấy cũng là một kiểu nổi loạn đấy chứ.


Ngày bé, bố mẹ tôi cũng hay so sánh tôi với người này người kia, nhất là so sánh với chị. Trái ngược với tôi, chị là tuýp người con gương mẫu, ngoan ngoãn, nghe lời. Thêm nữa, chị là con đầu, lại may mắn lớn lên trong hoàn cảnh nhà còn sung túc nên có cơ hội học đủ thứ. Đến tôi thì bố mẹ phải… “cắt giảm ngân sách" so với đứa đầu, vài năm sau nhà lại bị tịch thu. Vòng xoáy mưu sinh của gia đình cũng khiến tính cách tôi có phần “đường phố" hơn so với chị.


Thực lòng tôi không thích việc bị so sánh với chị, nhưng tôi không ghét chị. Tôi chỉ nghĩ đơn giản: Một ngày nào đó tôi cũng muốn được giỏi giang như chị. Tôi đặt chị làm mục tiêu phấn đấu, biến ganh tị thành động lực thay vì áp lực. Không chỉ học giỏi, chị còn là hoa khôi của trường cấp 3 Marie Curie, thế là lên cấp 3 tôi cũng quyết tâm chọn trường chị từng theo học.


Đó cũng là cái hay khi mình có anh chị em. Mình có tấm gương để noi theo, có hình mẫu để phấn đấu.

emagazine image

Quill Cloud

Ấy là sự không bỏ cuộc. Gia đình tôi đã đi qua nhiều biến cố khác nhau, ví như chuyện bị tịch thu đất ngày tôi còn nhỏ chỉ là một trong số đó. Đi qua tất cả, tôi nể phục vì bố Tư và mẹ Mười chưa một lần từ bỏ. Dù hoàn cảnh có ra sao, bố mẹ vẫn gắng sức làm ăn để lo cho hai đứa con có của ăn, của để, được đi học tử tế, được phát triển bình thường và xây dựng cuộc sống ổn định về sau.

Quill Cloud

Là tình thương. Một gia đình cần phải có tình thương. Bạn thương đàn mèo của bạn, vậy thì bạn và đàn mèo cũng được coi là một gia đình. Giả dụ tôi và bạn trai nhận nuôi con và ba người chúng tôi yêu thương nhau chân thành, chúng tôi cũng làm nên một gia đình. Gia đình với tôi là nơi ta cảm thấy thoải mái và hạnh phúc nhất, là nơi có yêu thương đong đầy.


Gia đình tôi 4 người là 4 họ khác nhau, không phải máu mủ ruột rà, nhưng tình thân, tình thương giữa chúng tôi đã vượt quá cái gọi là ruột thịt. Chị tôi ở bên Mỹ đã mấy năm trời, thế mà ngày nào cũng gọi điện về cho mẹ, sắp tới còn muốn về hẳn Việt Nam để được ở gần gia đình. Ai dám nói 4 người khác họ chúng tôi không phải một gia đình thực thụ, dù chúng tôi không tuân theo “hình mẫu chuẩn mực” của những gia đình hạt nhân mà xã hội định nghĩa?


Cám ơn anh Cơ về buổi trò chuyện, và xin chúc anh luôn tìm thấy yêu thương ở mọi gia đình mình lựa chọn!

Quill Cloud

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa